Thông tin vừa được đưa ra tại Hội thảo công bố Báo cáo “Đánh giá tác động của RCEP đối với nền kinh tế Việt Nam” do Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU - MUTRAP) phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 17/7 tại Hà Nội.
Tiếp cận thị trường 3,4 tỷ dân
Chính thức khởi động đàm phán vào năm 2012, RCEP là một hiệp định thương mại tự do (FTA) chất lượng cao, hướng tới mục tiêu hình thành quan hệ đối tác kinh tế toàn diện giữa ASEAN với 6 đối tác, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và Ấn Độ. Đây là một bước tiến quan trọng sau khi các đối tác này đều đã ký các FTA riêng với ASEAN. RCEP cũng phù hợp với chủ trương của Việt Nam là tăng cường hội nhập kinh tế sâu rộng hơn, gắn liền với những cải cách trong nước mạnh mẽ và toàn diện hơn.
Ông Nguyễn Anh Dương, Phó Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô - Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), đơn vị thực hiện báo cáo cho rằng: Tương tự với các FTA và cam kết hội nhập khác, RCEP được kỳ vọng sẽ mang lại những cơ hội mới cho Việt Nam thông qua việc cải thiện tiếp cận các thị trường đầu tư và xuất khẩu của ASEAN và các đối tác khác với nhu cầu đối với hàng hoá, dịch vụ đa dạng. Điều này sẽ tạo cơ hội để Việt Nam tham gia vào các chuỗi giá trị và sản xuất khu vực
Hiệp định sẽ giúp Việt Nam giảm chi phí giao dịch, tạo dựng môi trường kinh doanh thân thiện hơn nhờ hài hòa hóa các quy định hiện hành, áp dụng các quy định đó trong khuôn khố các FTA khác nhau của ASEAN. Đồng thời, góp phần tăng cường hợp tác kỹ thuật và vị thế của Việt Nam trong giải quyết tranh chấp về thương mại và đầu tư.
Đặc biệt, khi gia nhập RCEP, các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thuỷ sản, nông sản, dệt may, da giày… sẽ có cơ hội tiếp cận với một thị trường rộng lớn 3,4 tỷ dân, với tổng GDP là 21.000 tỷ USD, chiếm 29% thương mại toàn thế giới, lớn hơn TPP với 26%. Thêm nữa, đây là khu vực có sự gia tăng khá nhanh của tầng lớp trung lưu.
Thách thức từ cơ cấu thương mại tương đồng
Theo Báo cáo, thương mại của Việt Nam chủ yếu tập trung vào một số đối tác thương mại lớn cũng như một số sản phẩm chủ yếu, do đó, dễ bị tổn thương hơn trước những thay đổi về cung cầu của những thị trường này. Vấn đề trở nên khó khăn hơn khi cơ cấu thương mại của Việt Nam khá tương đồng với các nước RCEP, trong khi chất lượng và hàm lượng giá trị gia tăng của hầu hết sản phẩm còn khiêm tốn.
“Nếu cấu trúc RCEP cho phép các nước tự do hóa thương mại với các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam thì Việt Nam sẽ gặp sức ép cạnh tranh đáng kể. Việt Nam hiện phụ thuộc đáng kể về đầu vào nhập khẩu để phục vụ sản xuất, trong khi khả năng cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị khu vực còn hạn chế. Mặt khác, mức độ tham gia của Việt Nam vào các hoạt động thương mại dịch vụ khá khiêm tốn”, báo cáo chỉ rõ.
Ông Nguyễn Anh Dương nhận định, Việt Nam có thể được hưởng lợi lớn từ FTA theo cấu trúc trục bánh xe nan hoa với cơ hội tăng thương mại hai chiều. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang đàm phán ký FTA với Nhật Bản, Hàn Quốc. Điều này khiến Việt Nam sẽ gặp nhiều rủi ro khi phải cạnh tranh với Trung Quốc trong việc xuất khẩu may mặc, giày dép và gạo khi xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản. Đặc biệt, Trung Quốc cũng là đối thủ của Việt Nam trong xuất khẩu thức ăn, thực phẩm và may mặc vào Hàn Quốc.
TPP và RCEP sẽ không cạnh tranh nhau
So sánh hai hiệp định TPP và RCEP, chuyên gia kinh tế cao cấp TS. Võ Trí Thành cho rằng, RCEP và TPP không hề mâu thuẫn mà bổ trợ, bổ sung cho nhau giúp Việt tiến xa vào hội nhập. Cả hai hiệp định đều có điểm chung là cam kết tự do hoá sâu rộng hơn thương mại hàng hoá, dịch vụ và đầu tư.
“Nhiều người nghĩ TPP và RCEP có cạnh tranh nhau, gây chồng chéo, nhưng theo tôi, xét về tổng thể là hai hiệp định này bổ sung cho nhau. Việt Nam gia nhập hai hiệp định này không chệch quỹ đạo trên con đường đi đến hình thành khu vực mậu do thương mại Châu Á Thái Bình Dương”, ông Thành khẳng định
Ông Thành cũng cho rằng, sau khi đã cân đo đong đếm những lợi ích và thua thiệt khi gia nhập RCEP thì phần lợi ích của Việt Nam vẫn nhiều hơn. Và để tận dụng được những cơ hội từ RCEP, Việt Nam cần nỗ lực nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trong nước, doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế, tham gia sâu rộng vào các chuỗi giá trị năng động của khu vực RCEP. Trong quá trình này, Việt Nam cũng cần chú trọng tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm chiến lược phù hợp, đồng thời tận dụng hợp tác phát triển với các nước RCEP có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Theo tgvn.com.vn