Báo cáo tình hình kinh tế -xã hội trước
Quốc hội sáng 29/7,
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu ra một số hạn chế lớn của nền kinh tế như: Xử lý nợ xấu còn chưa thực chất, nợ công cao, áp lực trả nợ lớn...
Thảo luận về báo cáo trên của Chính phủ, đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và thương mại (VCCI) cho biết, ông rất chú ý lắng nghe báo cáo của Thủ tướng và cho rằng người đứng đầu Chính phủ đã nhìn thẳng và không né tránh các vấn đề còn bất cập của nền kinh tế.
Nói về nợ công Chính phủ, Thủ tướng khẳng định nợ công cao, áp lực trả nợ lớn, nợ Chính phủ vượt trần. Nói về nợ xấu, Thủ tướng thừa nhận xử lý nợ xấu chưa triệt để, ông Lộc cho rằng: Đây là lần đầu tiên chúng ta có những thông tin chính thức như vậy từ Chính phủ. “Bấy lâu nay nhìn vào báo cáo, chúng ta cứ tưởng như là nợ công, nợ xấu đang nằm trong lộ trình suôn sẻ”, ông Lộc nói.
Trở lại với bức tranh kinh tế 2015, ông Lộc cho biết: Mặc dù đạt mức tăng trưởng 6,68% song nhìn vào chỉ số phát triển cộng đồng
doanh nghiệp thì lại nền kinh tế chưa thực sự thoát khỏi sự khăn, phát triển thiếu bền vững bởi vẫn phải dựa vào các ngành khai thác tài nguyên thiên nhiên.
“Câu hỏi đặt ra, tại sao suốt 5 năm (kể từ 2011) qua vẫn chưa thoát khỏi sự trì trệ. Có những nguyên khách quan, nhưng còn nhiều nguyên chủ quan”, ông Lộc nói và chỉ ra các vấn đề như: Chúng ta chưa giải quyết triệt để các vấn đề kinh tế còn tồn đọng. Cắt giảm biên chế, chi tiêu Chính phủ chưa triệt để.
“Bội chi vượt mức cho phép. Nợ công tiếp tục gia tăng. Nợ xấu mới chỉ chuyển sang VAMC mà chưa được mua bán bằng tiền tươi thóc thật. Tăng trưởng tín dụng chưa thực chất. Công cuộc cải cách DNNN mà trọng tâm là cổ phần hóa DNNN diễn ra còn chậm.
Cải cách thủ tục hành chính chưa chuyển biến, mặc dù Chính phủ đưa ra thông điệp rất rõ ràng nhiều bộ ngành chưa nghiêm túc thực hiện. Đơn cử như Nghị quyết 19 của Chính phủ, sau hơn 2 năm thực hiện chỉ có một số bộ địa phương gửi báo cáo kết quả về cho Chính phủ”, ông Lộc nói.
Ông Lộc cũng phản ánh “nhiều vấn đề các bộ ngành rất đủng đỉnh, đợi đến lúc Thủ tướng chỉ đạo không được bàn lùi mới vắt chân lên cổ chạy”.
Bên cạnh đó, nhiều giải pháp đúng nhưng chưa thực hiện chưa được triệt để do vậy môi trường kinh doanh vẫn chưa thông thoáng. Trên con đường đồng hành với doanh nghiệp, không ít công chức bỏ quên chữ “đồng”.
Ông Lộc lý giải, đó là vì chỉ đạo của Chính phủ đã có, nhưng chưa thấm tới hành vi của từng công chức. Cùng với đó, các chi phí về vốn, phí vẫn còn rất cao đã đẩy nhiều doanh nghiệp đến bờ vực thua lỗ, phá sản.
Tuy nhiên, theo ông Lộc, những điều hành Chính phủ mới mấy tháng trở lại đây dường như đang có một làn gió đổi mới. Ông Lộc kỳ vọng, Chính phủ mới sẽ tiếp tục phát huy và không phụ niềm tin của người dân, doanh nghiệp.
Đại biểu Lộc đề nghị Quốc hội ủng hộ Chính phủ về quan điểm không chạy theo mục tiêu răng trưởng bằng mọi giá. Bên cạnh đó, ông Lộc cũng đề nghị mục tiêu năm 2020 Việt Nam có 1 triệu doanh nghiệp cũng cần được đưa vào Nghị quyết của Quốc hội.
Theo Nhịp sống Kinh doanh