Ông Lộc cho biết, ông hoàn toàn ủng hộ việc Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật quy hoạch sau thời gian dài soạn thảo và rất nhiều cuộc thảo luận giữa các bộ, cơ quan và các chuyên gia về quan điểm, cách thiết kế chính sách xây dựng đạo luật này.
Nếu được Quốc hội ban hành đạo luật này sẽ là công cụ điều chỉnh chung các loại quy hoạch hiện hành, sắp xếp, tổ chức lại toàn bộ hệ thống quy hoạch theo tư duy mới, giải quyết căn bản các bất cập về quy hoạch tràn lan, không đồng bộ, không thống nhất, rất phiền hà đang tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư kinh doanh, để loại bỏ những rào cản không cần thiết về quản lý, giảm nhiều chi phí về thời gian, tiền bạc và cơ hội cho nhà đầu tư khởi nghiệp và phát triển kinh tế theo đúng tinh thần của Thủ tướng Chính phủ gặp doanh nghiệp vừa qua.
Theo ông Lộc, hiện nay quy hoạch được coi như là một công cụ để quản lý sự phát triển, rất nhiều văn bản quy định việc phát triển của ngành hay lĩnh vực phải theo quy hoạch, được thể hiện trong rất nhiều quy định về các điều kiện cấp phép đầu tư, giấy phép xây dựng, giấy tờ cho phép sử dụng đất đai, điều kiện kinh doanh. Đặc biệt đang tồn tại rất nhiều quy hoạch ngành, sản phẩm không có tính khả thi như quy hoạch chăn nuôi gia súc, thủy sản, trồng trọt, quy hoạch xi măng,....
Thậm chí theo Luật xây dựng thì Giấy phép quy hoạch xây dựng là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng trong khu chức năng đặc thù làm căn cứ lập quy hoạch chi tiết hoặc lập dự án khi chưa có quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng được phê duyệt, điều đó có nghĩa là nhà đầu tư muốn xin giấy phép đầu tư lại phải thực hiện thêm một thủ tục hành chính là xin giấy phép để dự án có trong quy hoạch, trong khi đúng ra quy hoạch là việc của các cơ quan nhà nước.
“Về cơ bản tôi tán thành với dự thảo Luật được chỉnh lý sau Kỳ họp thứ 2. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi của các quy định mới, tôi đề nghị bổ sung quy định cụ thể hơn về các vùng cần lập quy hoạch, thời hạn trình Quốc hội ban hành quy hoạch tổng thể quốc gia và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vùng để phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2026.
Vì đây là các nội dung mới chưa có trong các quy định pháp luật hiện hành. Đặc biệt là cần xác định cơ quan chủ trì lập quy hoạch tổng thể quốc gia. Tôi cho rằng vấn đề này rất hệ trọng liên quan đến định hướng phát triển, lợi ích quốc gia trong dài hạn, nếu không có một cơ quan đủ năng lực, thẩm quyền thì sẽ rất khó xây dựng được một bản quy hoạch tổng thể quốc gia. Có thể cân nhắc việc thành lập một cơ quan độc lập như Hội đồng hoặc Ủy ban quy hoạch quốc gia để lập Quy hoạch tổng thể quốc gia trình Chính phủ, Quốc hội xem xét, phê duyệt, tương tự như cơ quan quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp”. – ông Lộc nói.
Về danh mục các luật liên quan đến quy hoạch cần sửa đổi, đại biểu Vũ Tiến Lộc thống nhất quan điểm cho rằng khi ban hành Luật quy hoạch với tư duy hoạch định chính sách mới thì cần rà soát và sửa đổi tổng thể các quy định hiện hành liên quan để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.
“Tuy nhiên, việc rà soát này cần có thời gian thực hiện kỹ lưỡng, tránh thiếu sót, do vậy đề nghị bỏ phụ lục về danh mục này kèm theo dự thảo Luật, mà giao Chính phủ thực hiện việc rà soát và trình Quốc hội sửa đổi các luật có quy định liên quan đến quy hoạch ngay trong năm 2017, 2018 để bảo đảm phù hợp với hiệu lực của Luật quy hoạch (từ ngày 1/1/2019).” – ông Lộc đề nghị.
Về phụ lục các ngành cần lập quy hoạch quốc gia, ông Lộc đề nghị rà soát lại để bảo đảm tích hợp đầy đủ và đồng bộ các loại quy hoạch ngành cấp quốc gia theo đúng quan điểm xây dựng Luật này, không nên giữ nguyên tên các quy hoạch như hiện hành.
Ví dụ, tích hợp Quy hoạch điện trong Quy hoạch năng lượng quốc gia; tích hợp Quy hoạch cảng cá, khu neo đậu tránh bão cho tàu cá trong Quy hoạch phòng chống thiên tai cấp quốc gia; tích hợp Quy hoạch hệ thống trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh trong Quy hoạch các công trình quốc phòng; tích hợp 4 Quy hoạch về khoáng sản trong 1 Quy hoạch về khoáng sản do Bộ Tài nguyên và môi trường lập; tích hợp Quy hoạch cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng, phục hồi người có công và Quy hoạch hệ thống giáo dục cho người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trong Quy hoạch mạng lưới cơ sở bảo trợ xã hội quốc gia; tích hợp Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt trong Quy hoạch kho dự trữ quốc gia,...