Theo kết quả khảo sát của JETRO, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam trong khối chế tạo đạt 32,1% trong năm 2015, giảm 1,1% điểm so với năm 2014. Tỷ lệ này chỉ cao hơn Philippines (26,2%), nhưng thấp hơn so với Trung Quốc (65%), Thái Lan (56%), Indonesia (41%), Malaysia (36%).
Trong cơ cấu DN cung cấp nguyên phụ liệu và linh phụ kiện cho DN Nhật Bản gồm ba thành phần: DN bản địa, DN Nhật đầu tư tại Việt Nam, và DN nước ngoài khác đầu tư tại Việt Nam, tỷ lệ cung cấp của DN bản địa cũng giảm, chỉ chiếm 41,2%. Như vậy, nếu tính một cách chi tiết hơn, thì tỷ lệ nội địa hoá từ chính DN nội địa Việt Nam chỉ có 13,2%, cũng thấp hơn mức 14,4% của năm 2014.
“Nội địa hóa” đi sau nhiều nước
Mới đây, kết quả khảo sát về thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của DN Nhật Bản tại Việt Nam do Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) công bố cho thấy, 65% DN Nhật Bản cho biết gặp “khó khăn trong thu mua nguyên vật liệu, linh kiện tại nước sở tại”.
Vì vậy ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện Văn phòng JETRO Hà Nội, cho rằng, để nâng cao năng lực cạnh tranh về chi phí, Việt Nam cần tăng cường thu mua từ các DN trong nước, Việt Nam cần có đối sách để phát triển công nghiệp hỗ trợ và hỗ trợ DN vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để DN Nhật Bản thấy được sự thay đổi, tăng cường đầu tư.
Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho biết hiện nay chỉ có 36% DN Việt Nam tham gia mạng lưới sản xuất (bao gồm cả xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp), so với 60% ở Malaysia và Thái Lan; và chỉ có 21% DN nhỏ và vừa của Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu so với 30% ở Thái Lan và 46% ở Malaysia. Điều này cho thấy DN Việt hầu như chẳng được hưởng lợi từ các hiệu ứng lan tỏa của khu vực FDI.
Đơn cử như với ngành sản xuất ô tô tại Việt Nam, Toyota (TMV) dù được đánh giá là có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất, 19-37%, đặc biệt đạt 37% đối với dòng xe Innova, theo phương pháp xác định giá trị của ASEAN. Đến năm 2015, tổng số sản phẩm nội địa hóa của TMV cho tất cả các dòng xe đã lên tới trên 270 sản phẩm các loại. Song đây vẫn là con số thấp so với cam kết ban đầu của Toyota khi đầu tư vào Việt Nam.
Ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Uỷ ban Phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VCCI), đánh giá, trên thực tế cơ hội lần thứ nhất để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Việt Nam đã trôi qua kể từ khi Việt Nam có chính sách đổi mới mở cửa thu hút các DN có vốn đầu tư nước ngoài – FDI (đặc biệt là các DN tập đoàn lớn của nước ngoài đã vào Việt Nam đầu tư: Toyota, Honda, Ford, Intel, Panasonic,…).
Theo ông Hoàng, ngay từ ngày đó, chúng ta đã phải có chính sách thúc đẩy các DN Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất các linh kiện phụ trợ cho các tập đoàn lớn này, mặt khác phải khuyến khích, thậm chí phải có định chế để các DN tập đoàn này phải nội địa hóa các sản phẩm linh phụ kiện cho sản phẩm của mình.
Theo bà Phạm Chi Lan, chính mối liên kết ngược và liên kết xuôi giữa DN FDI và DN trong nước còn nhiều hạn chế, không tạo được hiệu ứng lan tỏa của các DN FDI với DN trong nước, đã khiến tỷ lệ sản phẩm được mua từ các nhà chế biến, chế tạo trong nước chỉ chiếm khoảng 26,6% tổng giá trị đầu vào của DN FDI.
Thực tế, đây là câu chuyện vẫn được nhắc tới lâu nay và được coi là một trong những hạn chế trong thu hút FDI tại Việt Nam. Đồng thời, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang xem đây là một trong những “điểm trừ” khi nói về môi trường đầu tư vào Việt Nam.
Tuy vậy, hiện nay Việt Nam vẫn là điểm đến lí tưởng trong thu hút đầu tư FDI, cụ thể, hơn 60% DN Nhật Bản đã khẳng định vẫn tiếp tục có kế hoạch mở rộng kinh doanh và coi Việt Nam là điểm đầu tư quan trọng.
Nhân công giá rẻ không còn lợi thế
Những năm gần đây, nhiều DN nước ngoài chú ý đến Việt Nam và chuyển đến đầu tư vào Việt Nam do họ nhìn thấy cơ hội lớn khi Việt Nam ký kết các Hiệp định FTA lớn như TPP, FTA với EU…
Nhằm tận dụng nguồn nhân công giá rẻ cũng như đón đầu cơ hội mà Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mang lại, nhiều DN nước ngoài đã và đang dùng Việt Nam để làm “bàn đạp” nhằm tiến vào các thị trường lớn trong khối TPP. Điều này có thể thấy rõ nét nhất khi thời gian gần đây, hàng loạt thương hiệu quốc tế đang từng bước chuyển dịch hoặc mở thêm cơ sở sản xuất tại Việt Nam.
Đặc biệt, dù công nghiệp hạ tầng (CNHT) tại Việt Nam được đánh giá là yếu kém khiến chi phí sản xuất tăng cao nhưng hiện vẫn có rất nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp điện tử, ô tô… tìm đến Việt Nam đầu tư.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, trước làn sóng đầu tư lớn này, Việt Nam sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ việc gia tăng đầu tư của các DN nước ngoài. Đầu tiên, có thể kể đến đây chính là cơ hội để phát triển các ngành CNHT, tiến tới giảm dần phụ thuộc vào nhập khẩu và hạ giá thành sản phẩm.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận lại liệu chúng ta có nắm bắt được cơ hội này hay không khi mà trong nhiều năm qua, Việt Nam chưa đẩy mạnh phát triển CNHT do việc đầu tư đòi hỏi nguồn vốn lớn cùng công nghệ cao trong nhiều lĩnh vực: dệt may, da giày, cơ khí, ô tô… để rồi chỉ làm “bàn đạp” xuất khẩu hộ các nước.
Đặc biệt, trong tương lai không xa, khi nguồn nhân công giá rẻ không còn, Việt Nam sẽ ra sao? Mới đây, báo cáo Việt Nam 2035 vừa được Ngân hàng Thế giới và Bộ KH&ĐT công bố đã cho thấy, từ nay đến năm 2035, Việt Nam sẽ phải đối mặt với cơ cấu dân số biến động rất mạnh. Trong hai thập niên vừa qua, đất nước đã được hưởng lợi “lợi thế từ cơ cấu dân số” – tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động cao đã giúp đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế.
“Lợi thế đó sẽ hết dần: Tỷ lệ số dân trong độ tuổi lao động đạt đỉnh năm 2013 và đang trên đà đi xuống. Cũng như sắp tới, Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia có dân số bị già hóa nhanh nhất thế giới”, báo cáo nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hoàng - Chủ tịch Uỷ ban Phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam
Theo tôi, để phát triển được ngành CNHT, phải có những điều cần và đủ, hết sức thiết thực cho các DN hoạt động trong lĩnh vực này, đó là các giải pháp về hạ tầng, nguồn vốn, cơ chế chính sách ưu đãi, đầu vào, đầu ra sản phẩm, tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ nghiên cứu ứng dụng cho đến sản xuất. Chính vì vậy, việc thành lập các trung tâm phát triển CNHT là hết sức đúng đắn. Tuy nhiên, cần quy hoạch cụ thể sẽ phát triển ở đâu, khu vực trọng điểm trung tâm kinh tế nào, mỗi vùng phát triển ngành CNHT gì?
Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương
Để việc đầu tư nước ngoài vào Việt Nam mang lại hiệu quả cao, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế đất nước, cần có những chính sách phù hợp. Do đó, tùy từng giai đoạn phát triển, Việt Nam sẽ có các chính sách khuyến khích đầu tư theo hướng có chọn lọc và phù hợp vào các lĩnh vực ưu tiên như công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, cơ sở hạ tầng.
Ts. Bùi Trinh - Chuyên gia kinh tế
Chúng ta cần khắt khe hơn trong tiếp nhận dự án, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN nội địa để trở thành mắt xích quan trọng với DN FDI trong nền kinh tế, cải thiện năng suất lao động, phát triển công nghiệp phụ trợ để nâng tỷ lệ nội địa hóa… Bằng không, DN FDI dù chiếm tới 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam nhưng giá trị gia tăng mang lại cho nền kinh tế sẽ rất thấp.
Theo thoibaokinhdoanh.vn