Chuyển biến theo hướng công khai, minh bạch
Kết quả cải cách thủ tục hành chính trong thời gian qua đã thúc đẩy quá trình đổi mới kinh tế; dân chủ hóa đời sống xã hội; hội nhập quốc tế; củng cố và duy trì ổn định chính trị; phòng chống tiêu cực; tiết kiệm, chống lãng phí. Cụ thể:
Một là, phần lớn các chủ trương quan trọng của Đảng về các vấn đề cơ bản trong quá trình đổi mới, xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa đã được thể chế hóa và tổ chức triển khai. Thủ tục hành chính, nhất là thủ tục trong giải quyết công việc giữa cơ quan hành chính Nhà nước với người dân và doanh nghiệp (DN) đã có bước chuyển biến theo hướng công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân và DN...
Hai là, các cấp bộ, ngành đã chủ động trong công tác chỉ đạo, thông tin tuyên truyền và kiểm tra thực hiện nhằm triển khai có hiệu quả chủ trương của Đảng và Chính phủ về cải cách hành chính, đồng thời tiến hành xây dựng, ban hành kế hoạch cải cách hành chính hàng năm. Riêng giai đoạn 2012 – 2015, đã có 10/30 bộ, ngành, 55/63 địa phương ban hành kế hoạch cải cách hành chính. Các bộ, ngành và địa phương đã ban hành Kế hoạch kiểm tra cải cách hành chính từng năm và tiến hành kiểm tra công tác cải cách hành chính, việc giải quyết thủ tục hành chính và kỷ cương, kỷ luật hành chính tại các đơn vị trực thuộc...
Ba là, chất lượng công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được quan tâm, công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật từ Trung ương đến địa phương được thực hiện nghiêm túc góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Hàng năm, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch và tổ chức thực hiện tốt công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. Thông qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý những văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực, không còn phù hợp hoặc văn bản có sai phạm về nội dung, thẩm quyền ban hành, hoặc các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có nội dung trái pháp luật, không phù hợp với thực tiễn.
Bốn là, tiếp tục hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan hành chính nhà nước: Tính đến nay, Chính phủ đã ban hành 23 nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 23 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Qua đó, giảm bớt các công việc có tính sự vụ để các bộ, ngành trung ương tập trung vào khâu xây dựng thể chế, hoạch định chính sách và thực hiện thanh tra, kiểm tra, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các ngành, lĩnh vực.
Năm là, tiến hành sâu rộng cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Cụ thể, cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tiếp tục được các địa phương quan tâm tổ chức thực hiện, đạt được kết quả tại tốt bằng việc ban hành và triển khai Kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính và Kế hoạch rà soát thủ tục hành chính. Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, đến nay đã đơn giản hóa 79% thủ tục hành chính được Chính phủ phê duyệt tại 25 nghị quyết. Sự hài lòng của người dân về chất lượng giải quyết thủ tục hành chính đã tăng lên đáng kể. Chất lượng hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp ngày càng được nâng cao.
Sáu là, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức được xây dựng và từng bước được nâng cao. Công tác thi tuyển cạnh tranh các chức danh lãnh đạo, quản lý; và thi nâng ngạch theo hình thức cạnh tranh tiếp tục được đẩy mạnh và được coi là một trong những giải pháp mạnh, mang tính đột phá để nâng cao chất lượng nền công vụ.
Bảy là, tăng cường minh bạch hóa thủ tục hành chính bằng việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 tại các cơ quan hành chính nhà nước: Đến hết năm 2014, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng cho hơn 4.815 cơ quan hành chính Nhà nước; trong đó, tại địa phương có hơn 3.579 cơ quan hành chính Nhà nước của 63 tỉnh, thành phố được cấp giấy chứng nhận. Tại Trung ương có khoảng 1.236 cơ quan thuộc 18 bộ, ngành được cấp giấy chứng nhận.
Như vậy, từ góc độ phương pháp quản lý, hệ thống pháp luật đã góp phần giảm dần những can thiệp hành chính từ phía các cơ quan Nhà nước đối với thị trường, góp phần tạo dựng khuôn khổ pháp lý cho nhiều ngành (Nguyễn Quốc Toản, 2014).
Một số tồn tại và hạn chế
Thứ nhất, thủ tục hành chính phiền hà vẫn là khó khăn lớn mà nhiều DN hiện nay phải đối mặt. Trong số gần 7.000 ý kiến phản ánh trong khảo sát chỉ số PCI của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam năm 2014, có tới gần 860 ý kiến (12%) cho rằng, đây là khó khăn mà các DN đang gặp phải. Trong số 8.093 DN trả lời khảo sát, có tới 23% cho biết họ phải dành hơn 10% quỹ thời gian để tìm hiểu và thực hiện các quy định pháp luật của Nhà nước. Gần 30% DN cho biết họ vẫn phải đi lại nhiều lần để lấy dấu và chữ ký, và vẫn có khoảng 38% DN không đồng ý với nhận định rằng, thủ tục giấy tờ đã đơn giản hơn. Cũng gần 30% DN trả lời khảo sát cho biết, họ không nhận thấy bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào trong cải cách hành chính hiện nay. Về công tác cán bộ, trong khi vẫn có gần 1/4 các DN cho rằng, cán bộ Nhà nước giải quyết công việc chưa hiệu quả, thì cũng có tới gần 1/3 DN cho rằng cán bộ nhà nước không thân thiện khi giải quyết thủ tục cho DN. Những lĩnh vực mà DN đang gặp nhiều khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính bao gồm: Đất đai (21%), thuế (17%), bảo hiểm xã hội (13%), xây dựng (9%), bảo vệ môi trường (6,5%) và đăng ký DN, đăng ký đầu tư (6%) (VCCI, 2014).
Những vấn đề như “Nhà nước can thiệp hành chính tới đâu vào thị trường là hợp lý?”, “Các DN Nhà nước nên giới hạn hoạt động kinh doanh ở những lĩnh vực nào, với quy mô như thế nào là phù hợp?”, “Phân định như thế nào giữa quy luật cung cầu và vai trò điều tiết thị trường của Nhà nước?”… vẫn là những câu hỏi lớn chưa có câu trả lời
hoàn chỉnh.Thứ hai, nhận thức về vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường cũng như giới hạn can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế tuy đã có những thay đổi cơ bản nhưng vẫn còn những hạn chế nhất định. Những vấn đề như “Nhà nước can thiệp hành chính tới đâu vào thị trường là hợp lý?”, “Các DN Nhà nước nên giới hạn hoạt động kinh doanh ở những lĩnh vực nào, với quy mô như thế nào là phù hợp?”, “Phân định như thế nào giữa quy luật cung cầu và vai trò điều tiết thị trường của Nhà nước?”… vẫn là những câu hỏi lớn chưa có câu trả lời hoàn chỉnh.
Thứ ba, tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật và việc ban hành văn bản pháp luật có chất lượng chưa cao, phải sửa đổi nhiều lần. Các thủ tục hành chính không những không giảm mà còn có chiều hướng tăng lên, nhiều thủ tục hành chính ban hành chưa coi trọng ý kiến các tổ chức cá nhân, chủ yếu là tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan nhà nước…
Thứ tư, các quy tắc và quy định thường được các cơ quan, chính quyền địa phương diễn giải và áp dụng khác nhau gây ra sự thiếu rõ ràng và không nhất quán. Chưa kể, tình trạng thiếu hệ thống hóa các quy trình và sự phối hợp thiếu hiệu quả giữa các cơ quan quản lý làm buông lỏng việc thực thi pháp luật, suy giảm niềm tin của các nhà đầu tư. (EuroCham, 2014).
Thứ năm, tổ chức thực hiện thể chế vẫn còn nhiều yếu kém, chậm được khắc phục. Nhiều thể chế không được tổng kết, sửa đổi, bổ sung kịp thời trong quá trình kiểm tra, thực hiện. Chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng công chức viên chức của một số bộ, ngành, địa phương chất lượng còn kém, ít tính sáng tạo và chưa sát với thực tiễn công tác cải cách hành chính.
Thứ sáu, chưa xây dựng cơ cấu cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính và chưa thực hiện tốt việc đào tạo trước khi bổ nhiệm, cơ chế quy định trách nhiệm người đứng đầu. Công tác chống tham nhũng, sách nhiễu DN vẫn còn hạn chế; sự tham gia, đóng góp ý kiến của người dân, tổ chức, DN và công chúng vào quá trình cải cách hành chính còn chưa được coi trọng, hoặc chưa được tiếp thu và điều chỉnh kịp thời.
Nguyên nhân của những tồn tại trên là do cải cách hành chính là một công việc khó khăn, phức tạp, nhiều lực cản. Công tác truyền thông về các chương trình tổng thể còn chưa tạo ra sự thống nhất cao về nhận thức trong toàn bộ hệ thống chính trị và sự đồng thuận trong nhân dân. Việc đánh giá công tác cải cách thủ tục hành chính tại cấp trung ương và cả cấp địa phương chưa được triển khai theo hướng tăng cường sự tham gia của người dân, DN vốn là những đối tượng sử dụng dịch vụ công này. Bên cạnh đó, một số bộ, ngành và địa phương chưa đẩy mạnh triển khai có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020 trên phạm vi toàn quốc. Đặc biệt, tính công khai, minh bạch của nền hành chính còn nhiều thách thức, một bộ phận cán bộ, công chức suy giảm lý tưởng, lối sống và vi phạm đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp gây bất bình trong nhân dân...
Tạo dựng sự thay đổi triệt để trong nhận thức
Thứ nhất, tiếp tục coi trọng công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về cải cách hành chính đối với các cấp chính quyền và toàn thể nhân dân.
Thứ hai, bảo đảm sự nhất quán, kiên trì liên tục trong triển khai cải cách hành chính từ xây dựng chương trình, kế hoạch cải cách hành chính; tổ chức triển khai; kiểm tra thực hiện; đánh giá kiểm điểm kết quả cải cách hành chính phải dựa vào đánh giá những mục tiêu đề ra cũng như tác động (tích cực và tiêu cực nếu có) tới xã hội của hoạt động cải cách hành chính.
Thứ ba, coi trọng công tác thí điểm, mạnh dạn làm thử trong triển khai cải cách hành chính. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương; đặc biệt, là triển khai nhân rộng cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại cấp huyện...
Thứ tư, cần tạo dựng sự thay đổi triệt để trong nhận thức về điều hành kinh tế, và có nhận thức đúng về vai trò điều tiết, quản lý của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh triển khai có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 trên phạm vi toàn quốc; các bộ khẩn trương xây dựng và triển khai các đề án, dự án được phân công tại Nghị quyết số 30c/ NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ và Nghị quyết số 76/NQ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 30c/NQ-CP.
Thứ sáu, tiếp tục rà soát, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ tổ chức bộ máy cơ quan hành chính Nhà nước các cấp từ Trung ương đến địa phương; sớm hoàn thành việc ban hành Nghị định thay thế, sửa đổi các Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của các bộ, ngành theo quy định.
Thứ bảy, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức trong đó có trọng tâm là xây dựng cơ cấu công chức theo vị trí việc làm và đổi mới công tác đánh giá công chức trên cơ sở kết quả công việc; khẩn trương xác định danh mục vị trí việc làm và cơ cấu công chức theo ngạch trong các cơ quan, tổ chức. Đặc biệt, nhân rộng việc áp dụng phần mềm trong các kỳ thi tuyển dụng, thi nâng ngạch công chức, viên chức.
Thứ tám, tiếp tục xác định, công bố, đánh giá Chỉ số cải cách hành chính hàng năm của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đồng thời, triển khai xác định Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước hàng năm.
Thứ chín, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đi vào thực chất, nhất là các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, DN. Quán triệt sâu rộng và triển khai nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong đó trọng tâm là xây dựng; sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật, các cơ chế chính sách tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và bình đẳng cho mọi tổ chức, DN, người dân phát triển sản xuất kinh doanh...
Thứ mười, cần chuyển giao các dịch vụ công liên quan đến các hoạt động hỗ trợ phát triển DN và xúc tiến thương mại, đầu tư cho các Hiệp hội DN để tập trung nỗ lực của các cơ quan Chính phủ vào việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước; tinh giản bộ máy hành chính, đảm bảo tính chuyên nghiệp; đồng thời, giúp tạo nguồn thu hỗ trợ các hiệp hội, ngành hàng trong quá trình hoạt động.
Cuối cùng, cần tạo dựng một khuôn khổ thể chế hoạt động thông suốt là điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công các dự án đối tác công-tư. Đẩy mạnh công tác kiểm tra cải cách hành chính, thực hiện phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước theo các nghị quyết của Đảng và Chính phủ; xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và DN của cán bộ, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính.
Tài liệu tham khảo:
1. Ngân hàng Thế giới (2015), Báo cáo về Môi trường kinh doanh 2015;
2. Nguyễn Quốc Toản (2014), “Các động lực mới đẩy mạnh cải cách kinh tế và hội nhập quốc tế hướng tới sự phát triển bền vững của đất nước”, Tạp chí Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, tháng 11/2014;
3. Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (2014), Sách Trắng EuroCham 2014;
4. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (2014), Báo cáo tình hình và kiến nghị DN trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Chính phủ và cộng đồng DN.