Song song với các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong tỉnh, trong nước và quốc tế; tham gia các hội chợ, phiên chợ, cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh để quảng bá các sản phẩm tiêu biểu, thế mạnh, tỉnh Bắc Ninh đã phát triển mạnh thương mại điện tử và sự gắn kết giữa thương mại điện tử với tổ chức các loại hình hoạt động thương mại truyền thống.
Nhiều sản phẩm nông sản chủ lực, sản phẩm OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử Bắc Ninh
Đa dạng hoạt động đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử
Nhờ tập trung vào kênh thương mại điện tử, các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu, thế mạnh của Bắc Ninh từng bước thâm nhập các thị trường lớn, tăng giá trị sản phẩm và doanh thu, góp phần quan trọng quảng bá các thương hiệu địa phương và mở rộng thị trường tiêu thụ. Đến nay, toàn tỉnh Bắc Ninh có 167 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt tiêu chuẩn 3 sao và 4 sao, trong đó, 20% chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP có website giới thiệu sản phẩm; 100% cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP có tài khoản giao dịch điện tử ngân hàng; 50% cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP theo dõi, ghi chép nhật ký sản xuất, bán hàng bằng sổ điện tử trên máy vi tính.
Tỉnh Bắc Ninh xác định, giai đoạn 2022-2025, tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi số và tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm; phối hợp xúc tiến các sản phẩm OCOP vào các trung tâm, siêu thị lớn trong và ngoài tỉnh; sử dụng các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream)… quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Nổi bật trong hoạt động này, tháng 8/2023, tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức Hội nghị “Ứng dụng thương mại điện tử trong kết nối cung - cầu sản phẩm tiêu biểu, đặc sản của Bắc Ninh với thị trường trong nước và quốc tế với sự tham gia 500 đại biểu là các doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước; các chuyên gia, đại diện các sàn thương mại điện tử lớn; sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh…
Song song với đó, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành nhiều chính sách để khuyến khích, thúc đẩy sản xuất, trong đó có kế hoạch số 716/KH-UB của UBND tỉnh về việc hỗ trợ đưa sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn tỉnh Bắc Ninh. Tỉnh đã xây dựng ứng dụng “Sàn thương mại điện tử Bắc Ninh” (http://www.ecombacninh.vn) ứng dụng trên nền thiết bị di động tạo thuận lợi cho các chủ thể đưa sản phẩm lên sàn và người tiêu dùng truy cập mua sắm.
Để hỗ trợ nông sản trên các sàn thương mại điện tử, Cổng thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trang thông tin điện tử của Trung tâm Khuyến nông và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Bắc Ninh thường xuyên đăng tải thông tin, hình ảnh quảng bá, giới thiệu các cơ sở sản xuất, sản phẩm nông sản tiêu biểu, sản phẩm OCOP của tỉnh. Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh đã được bán trên các sàn thương mại online, như: Sen đỏ, Lazada, Vỏ sò… cung cấp cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến dễ dàng, an toàn và nhanh chóng.
Quyết liệt đẩy mạnh chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, tỉnh Bắc Ninh cũng tổ chức hội chợ, triển lãm để thông qua các kênh truyền thông quảng bá rộng rãi trên nền tảng số, sàn thương mại điện tử; tổ chức lớp tập huấn chuyên ngành ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp, chú trọng nội dung chuyển đổi số, truy suất nguồn gốc nông sản và hướng dẫn người dân khai thác, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và bán hàng trên không gian mạng; tập huấn tạo dựng video quảng bá sản phẩm nông sản, góp phần kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh.
Giải pháp thúc đẩy đưa nông sản lên sàn
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên số lượng và sản lượng nông sản an toàn, sản phẩm OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ còn nhiều khó khăn, thách thức do phải cạnh tranh với các nền tảng mạng xã hội từ nước ngoài; thiếu sự quản lý với các nền tảng xuyên biên giới; người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng khi mua hàng trực tuyến do những nguyên nhân như hàng chất lượng kém so với quảng cáo, lo ngại lộ thông tin cá nhân…
Những vấn đề này đặt ra những yêu cầu về chính sách của tỉnh trong hỗ trợ đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử; điều kiện và tiêu chuẩn để đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử; các giải pháp tăng cường tuyên truyền, đào tạo kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho người dân và doanh nghiệp tham gia khai thác các ứng dụng thương mại điện tử; việc phát triển hạ tầng, hỗ trợ giao dịch điện tử và tích hợp thanh toán điện tử trên các nền tảng di động; các biện pháp nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong sản xuất sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm…
Trong thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục tăng cường hỗ trợ kết nối cung - cầu tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, tập trung khai thác tốt thị trường nội địa; phát triển mạnh thương mại điện tử và sự gắn kết giữa thương mại điện tử với tổ chức các loại hình hoạt động thương mại truyền thống. Xúc tiến thương mại theo định hướng về nhóm thị trường trọng điểm, nhóm mặt hàng ưu tiên theo từng giai đoạn; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại tập trung, quy mô lớn, mang tính liên kết vùng cho sản phẩm, ngành hàng có thế mạnh của vùng tại các thị trường mục tiêu, tăng cường sự phối kết hợp nguồn lực từ các hoạt động xúc tiến và từ các cơ quan bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế…
Đồng thời, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục các giải pháp tăng cường tuyên truyền, đào tạo kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho người dân và doanh nghiệp tham gia khai thác ứng dụng thương mại điện tử; việc phát triển hạ tầng, hỗ trợ giao dịch điện tử và tích hợp thanh toán điện tử trên các nền tảng di động…
Cùng với đó, đánh giá thực trạng và tìm ra giải pháp nhằm tạo cơ hội tìm đầu ra, tiêu thụ sản phẩm tốt hơn, nâng cao hiệu quả sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế số trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần tăng thu nhập cho cơ sở sản xuất và người dân trên địa bàn tỉnh.
Tác giả: Thu Trang