Trong suốt năm 2009, nhiều tổ chức nghiên cứu kinh tế đã cảnh báo về tình trạng nợ của các chính phủ sau khi chi rất nhiều tiền cho các biện pháp kích thích kinh tế. Tình trạng này đặc biệt phổ biến tại châu Âu khi thâm hụt ngân sách ở hầu hết các quốc gia đều vượt quá 3%. Tạp chí BusinessWeek vừa đưa ra danh sách những nước có tỷ lệ nợ so với GDP dự kiến ở mức nguy hiểm trong năm 2010, trong đó có cả những nền kinh tế hàng đầu thế giới.
1. Iceland Được biết đến trong năm 2009 với tư cách là quốc gia cho vay dưới chuẩn đầu tiên trên thế giới, sự bùng phát tín dụng không thể kiểm soát được tại Iceland đã đẩy nợ quốc gia tại nước này lên con số gấp 3 lần GDP. Iceland đã phải vay của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF 2,1 tỷ USD để giải quyết khó khăn nhưng con số này có vẻ không thấm vào đâu so với "núi" nợ của Iceland (chỉ riêng khoản tiền mà Iceland nợ Anh và Hà Lan đã lên tới 6 tỷ USD). |
2. Nhật Bản Cho dù là một trong những nước nợ nhiều nhất thế giới, Nhật vẫn được coi là một trong những địa chỉ đầu tư an toàn nhất thế giới hiện nay. Nền kinh tế xuất khẩu với thặng dư cao, sở hữu nhiều thương hiệu hàng đầu của công nghiệp thế giới là lý do khiến nước Nhật vẫn tiếp tục... vay nợ. Vấn đề của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có thể sẽ còn nghiêm trọng hơn nữa khi Chính phủ cần thêm tiền để thực hiện gói kích thích kinh tế trị giá 81 tỷ USD đã được thông qua vào cuối năm 2009. |
3. Hi Lạp Là nước nợ nhiều nhất tại châu Âu so với quy mô nền kinh tế, Hi Lạp được so sánh như một người bệnh đang trong thời kỳ nguy kịch. Thâm hụt ngân sách của Hi Lạp trong năm 2008 là 12,7%, gấp 3 lần dự kiến. Chính phủ nước này cho biết cần ít nhất 6,5 tỷ USD để thanh toán nợ. Số tiền này, rất có thể sẽ được lấy từ việc cắt giảm tiền lương và tăng thuế. |
4. Italy Nợ quốc gia của Italy đang có dấu hiệu giảm trong năm 2010 nhưng đất nước Nam Âu này vẫn chưa thể thoát khỏi khó khăn. Theo Standard & Poor, Chính phủ Italy phải dành khoảng 10% nguồn thu từ thuế trong năm 2010 để trả nợ lãi. Con số này có thể sẽ tăng lên mức 12% trong vòng 5 năm tới. |
5. Mỹ Gói kích thích kinh tế trị giá 787 tỷ USD đã khiến nợ công của Mỹ tiến gần tới mức ngang ngửa GDP. Mức tăng GDP 1,5% kỳ vọng trong năm 2010 có thể giúp Mỹ giải quyết phần nào vấn đề này. Không tăng thuế trên diện rộng và chi khá nhiều tiền cho ngành y tế, Tổng thống Obama buộc phải tìm kiếm những nguồn thu khác để có thế trang trải nợ nần. |
6. Ấn Độ Nợ xấu vẫn là một trong những trở lực lớn đối với kinh tế Ấn Độ trong những năm qua. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao cộng với khả năng giữ được dòng vốn nội địa có thể là cơ sở giúp kinh tế Ấn Độ nhanh chóng vượt qua khó khăn. |
7. Bồ Đào Nha Không giống như người láng giềng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha không phải chịu gánh nặng từ bong bóng bất động sản. Thay vào đó, giá nhân công không cạnh tranh cũng như chi tiêu Chính phủ là nguyên nhân chính gây ra nợ quốc gia của Bồ Đào Nha. Một vấn đề khác của quốc gia nằm trên bán đảo Iberia này là sử dụng chung đồng tiền với 16 quốc gia châu Âu khác. Điều này đồng nghĩa với việc Bồ Đào Nha không thể điều chỉnh giá trị đồng tiền để cân đối lại nền kinh tế. |
8. Đức Xếp hạng tín dụng quốc gia: AAA Tỷ lệ nợ so với GDP (2009): 84,5% Tăng trưởng GDP 2010 (dự kiến): 3,6% Thâm hụt ngân sách 2010 (dự kiến): -4,6% Vấn đề của nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đồng thời cũng là nhà xuất khẩu lớn nhất châu lục là chính sách cắt giảm thuế. Nhằm kích thích kinh tế, Chính phủ Đức đã cắt giảm khoảng 12,3 tỷ USD tiền thuế trong năm 2009. Chính sách này có thể khiến cho mức thâm hụt ngân sách của Đức đạt kỷ lục 4,6% trong năm 2010. Ủy ban châu Âu đã ra tối hậu thư cho Đức về việc buộc phải giảm con số này xuống dưới 3% trong 3 năm tới. |
9. Ireland Xếp hạng tín dụng quốc gia: AA Tỷ lệ nợ so với GDP (2009): 82,9% Tăng trưởng GDP 2010 (dự kiến): -2,5% Thâm hụt ngân sách 2010 (dự kiến): -13,5% Cuộc khủng hoảng tín dụng trong 2 năm 2008-2009 đã tàn phá nền kinh tế Ireland. Thị trường nhà đất sụt giảm 19% trong khi GDP mất tới 7,5%. Chính phủ Ireland dự kiến sẽ phải cắt giảm 5,8 tỷ USD ngân sách của tài khóa 2010 để trả nợ. Số tiền này bao gồm một phần đáng kể tiền lương của công nhân và tiền trợ cấp nuôi con của các bậc cha mẹ. |
10. Pháp Pháp không chịu nhiều ảnh hưởng của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu như những người láng giềng châu Âu khác. Tuy nhiên giới chức nước này cũng sẽ phải thực hiện những lựa chọn khó khăn nhằm đưa mức thâm hụt ngân sách về dưới mức 3% trước năm 2014. Để thực hiện mục tiêu này, Pháp nhiều khả năng sẽ phải tăng lãi suất áp dụng đối với loại hình thẻ tín dụng, thu phí 25 USD với mỗi tấn CO2 mà các phương tiện giao thông, nhà máy, gia đinh thải ra... Việc làm này có thể mang về cho Chính phủ Pháp khoảng 4,4 tỷ USD mỗi năm để trang trải nợ nần. |
Theo Nhật Minh
Ảnh: Bloomberg
Vnexpress.net