Với việc đa dạng hình thức xúc tiến thương mại, trong đó, ứng dụng công nghệ số vào hoạt động xúc tiến thương mại đã tạo "đòn bẩy" cho hoạt động xuất khẩu, đưa hàng hóa Việt Nam đến gần hơn với người tiêu dùng thế giới.
Quảng bá sầu riêng tại thị trường Trung Quốc
Đưa hàng hóa đến gần hơn người tiêu dùng thế giới
Nhờ sớm nhận thấy tiềm năng của thương mại điện tử, từ năm 2019, HTX Nông nghiệp Hena (TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) – chuyên sản xuất, chế biến, kinh doanh các loại tinh dầu và dầu ép lạnh đã chú trọng phát triển kinh doanh trên các nền tảng công nghệ số.
Đến nay, HTX đã tạo dựng được thương hiệu và kinh doanh có hiệu quả trên các nền tảng mạng xã hội và thương mại điện tử. Từ đó, giúp HTX tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng mới và ký kết được nhiều hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước như Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), New Zealand, Australia.
Theo bà Tống Thị Hoài Phương - Giám đốc HTX Nông nghiệp Hena, thông qua các nền tảng số, khách hàng ở khắp nơi trên thế giới, từ thành phố lớn đến các vùng nông thôn đều có thể dễ dàng tìm kiếm và mua các sản phẩm của đơn vị. Từ đó giúp đơn vị mở rộng thị trường tiêu thụ và gia tăng doanh số bán hàng.
Cùng với sự tự lực từ các doanh nghiệp, HTX thì sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương trong công tác xúc tiến thương mại qua nền tảng số được đẩy mạnh triển khai thực hiện trong thời gian qua. Mới đây Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) hợp tác doanh nghiệp Trung Quốc đưa vào vận hành gian hàng nông sản Việt Nam trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội nổi tiếng ở Trung Quốc. Việc này được kỳ vọng sẽ giúp các nhà cung ứng Việt có thể bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng tại Trung Quốc.
“Thương mại điện tử tại thị trường Trung Quốc đang phát triển rất mạnh, đây là hướng đi, là cơ hội để nông sản Việt Nam tiếp tục xâm nhập sâu hơn vào thị trường này”, ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp - Agritrade - (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – chia sẻ và cho biết, trước thời điểm bấm nút khai trương Gian hàng nông sản Việt Nam trên nền tảng số tại thị trường Trung Quốc, đã có một số sản phẩm nông sản của chúng ta hiện nay đã và đang được bán trên nền tảng mạng xã hội Trung Quốc thông qua sự hợp tác giữa Agritrade và Sunwah Gelafood, thuộc Tập đoàn Sunwah (đặt tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc), ví dụ như gạo ST 25, hạt điều, yến…. Đây là những sản phẩm thuận tiện cho việc vận chuyển, dễ bảo quản, không đòi hỏi quá khắt khe trong quá trình vận chuyển, trao đổi và nằm trong danh mục được phép nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc. Dù mới thử nghiệm vận hành, các bạn Trung Quốc cũng phản hồi doanh số bán hàng rất khả quan. Tuy nhiên, con số cụ thể thì doanh nghiệp chưa muốn tiết lộ.
Ở góc độ ngành Công Thương, công tác xúc tiến thương mại qua nền tảng số cũng đã được triển khai thực hiện trong suốt thời gian qua. Theo đó, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan Chính phủ nước ngoài, cơ quan xúc tiến thương mại nước ngoài, Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tổ chức các hội thảo, tọa đàm, sự kiện kết nối giao thương để giúp các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài có cơ hội tìm hiểu thị trường, kết nối các đối tác kinh doanh, đầu tư triển vọng.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng tăng cường các hoạt động cung cấp thông tin thị trường và hoạt động nâng cao năng lực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại trên nền tảng số cho các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại.
Trong 11 tháng năm 2024, Bộ Công Thương đã tổ chức 11 Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, được thực hiện theo chuyên đề tổng hợp hoặc chuyên sâu theo nhóm thị trường và nhóm ngành hàng xuất khẩu. Các Thương vụ, chi nhánh Thương vụ, Văn phòng Xúc tiến thương mại tại Việt Nam đã cung cấp chi tiết hàng trăm báo cáo về cập nhật thông tin sở tại, cùn nhiều nội dung tham luận đánh giá thuận lợi, cơ hội, nhận định về những thách thức, rủi ro đối với hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam, cập nhật thông tin về những quy định, tình hình cung ứng, biến động thị trường, định hướng xuất khẩu, đồng thời đề xuất nhiều biện pháp thiết thực, hữu ích góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại, xuất khẩu của Việt Nam.
Đến nay, sự tham gia chủ động, tích cực của địa phương, hiệp hội ngành hàng, đông đảo doanh nghiệp đã giúp Hội nghị trở thành cầu nối trao đổi, thông tin hiệu quả, tăng cường sự phối hợp giữa các địa phương, hiệp hội ngành hàng đại diện cộng đồng doanh nghiệp ở trong nước với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu nhằm tận dụng tối đa cơ hội mới từ các thị trường, thúc đẩy phát triển xuất khẩu bền vững và nhập khẩu hiệu quả.
Tạo "đòn bẩy" xuất khẩu hàng hóa qua công nghệ số
Theo số liệu ước liên Bộ, trong 11 tháng đầu năm 2024, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam ước đạt 714,83 tỷ USD, tăng 15,3%, tương ứng tăng 81,11 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 368,93 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước và kim ngạch nhập khẩu ước đạt 345,9 tỷ USD, tăng 16,5%.
Trong bức tranh xuất nhập khẩu của Việt Nam ghi nhận những kết quả tích cực mặc dù tình hình kinh tế thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Các yếu tố như xung đột quân sự và bất ổn chính trị tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, nhưng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các Bộ ngành, trong đó có công tác xúc tiến thương mại qua công nghệ số, kinh tế Việt Nam nói chung, hoạt động xuất khẩu nói riêng đã duy trì đà tăng trưởng tích cực.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo các chuyên gia, Việt Nam là nước hướng đến xuất khẩu, song hiện giờ hình thức chủ yếu vẫn thông qua phương thức truyền thống (hội chợ thương mại, các nhà nhập khẩu nước ngoài)…, trong khi xuất khẩu qua thương mại điện tử tương đối mới, do vậy, khi chuyển từ mô hình truyền thống sang mô hình tiên tiến hơn, ứng dụng nhiều công nghệ mới của thế giới thì gặp nhiều rào cản. Do đó, cần sự vào cuộc của các bộ, ban, ngành nhằm tạo ra các chính sách thúc đẩy doanh nghiệp đi lên.
Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp thông qua các chương trình tư vấn cung cấp thông tin sâu, cập nhật về thị trường, dự báo các thay đổi về chính sách thương mại, các tiêu chuẩn, quy định, thị hiếu tiêu dùng của các thị trường, qua đó, góp phần tạo thế chủ động, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp cận thị trường quốc tế; đào tạo về kỹ năng xúc tiến thương mại, ứng dụng công nghệ thông tin vào xúc tiến thương mại.
Bên cạnh đó, triển khai xúc tiến thương mại góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chú trọng xúc tiến thương mại các sản phẩm kinh tế xanh, thân thiện với môi trường, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới, tham gia sâu và hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Ánh Dương - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội - cho biết, Hà Nội sẽ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến xuất khẩu, xúc tiến thương mại và kết nối giao thương, tham gia hệ thống phân phối tại nước ngoài; khai thác hiệu quả các phương thức xúc tiến thương mại truyền thống, đồng thời, đổi mới, đa dạng hóa các phương thức xúc tiến thương mại thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động này.
Tác giả: Thanh Hà