Hoạt động xúc tiến thương mại nói chung, kết nối nông sản các tỉnh/thành nói riêng sẽ giúp tạo cơ hội cho doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Mở rộng thị trường tiêu thụ
Khu gian hàng trong nước tại Hội chợ triển lãm Nông nghiệp Quốc tế lần thứ 24 - AgroViet 2024 diễn ra từ ngày 20-23/11 tại Khu Hội chợ triển lãm giao dịch Kinh tế và thương mại (số 489 Hoàng Quốc Việt, Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm, Hà Nội), với sự tham gia của các doanh nghiệp, HTX đến từ 40 địa phương, gồm: Bình Thuận, Thanh Hóa, Bà Rịa Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Ninh Bình, Hưng Yên, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Thừa Thiên Huế,….
Trong đó, Hội chợ trưng bày, giới thiệu nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú với nhiều sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của địa phương, điển hình như: Gạo ST25 én vàng, gạo séng cù Lào Cai, mỹ chũ Bắc Giang, gạo tám Điện Biên, vịt quay Hồng Xiêm, thạch đen Chu Hạnh, Na Chi Lăng, Thịt bò A Lưới, tôm chua Huế, bưởi da xanh Bến Tre, xoài Suối Lớn, bưởi Tân Triều, chè Mường Ảng Vip, chè Tủa Chùa, chanh Việt Bắc, rượu ngô Na Hang, mắm tôm, mắm tép Ba Làng, nước mắm, hải sản Phan Thiết, bí thơm Bắc Kạn, cua Cà Mau, nem chua Thanh Hóa, giò me Nghệ An, bò một nắng Phú Yên, hương trầm Quảng Nam, hành tỏi Lý Sơn, dầu dừa Lương Quới.
Tham dự Hội chợ AgroViet 2024, gian hàng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau giới thiệu các đặc sản tiêu biểu của địa phương như cua thịt, cua gạch Cà Mau, tôm khô sinh thái Tài Thịnh được chế biến từ tôm đất sinh thái 100% sống tự nhiên dưới tán rừng ngập mặn của huyện Năm Căn.
Chị Mai Thị Thùy Trang – Giám đốc GTX Tài Thịnh Pháp Farm - chia sẻ, vượt qua chặng đường gần 2.000km từ đất mũi Cà Mau để đưa các sản phẩm tôm khô giới thiệu đến người dân Thủ đô và du khách. Chúng tôi cũng kỳ vọng sản phẩm sẽ được người dân Hà Nội và cả nước đón nhận. Đồng thời mong muốn được kết nối đưa vào hệ thống các chuỗi cửa hàng, siêu thị.
Tương tự, đến từ TP. Rạch Giá, Kiên Giang, chị Phạm Thị Bạch Thủy – Giám đốc Công ty TNHH thủy sản Thái Thủy đưa đến Hội chợ AgroViet 2024 nhiều sản phẩm chủ lực của công ty như tôm sấy cán cay, cá cơm sấy nước mắm, khô cá cơm, khô cá lìm kìm, cá lìm kìm sấy,… đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao.
Chị Thủy cho hay, thị trường tiêu thụ chủ yếu trong nước cũng như xuất khẩu đến thị trường Nhật Bản, Trung Quốc. Riêng với thị trường Hà Nội, doanh nghiệp chủ yếu phân phối qua kênh bán xỉ và bán hàng online chứ chưa ra bán hàng trực tiếp. Lần đầu tiên tham dự Hội chợ tại Hà Nội, tuy nhiên, ngay trong ngày đầu tiên tham gia Hội chợ khách hàng đặt khá nhiều, do đó, doanh nghiệp cũng rất kỳ vọng vào thị trường Hà Nội cho đầu ra của doanh nghiệp.
Còn tại Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam diễn ra từ ngày 20/11 đến ngày 24/11/2024 tại Quảng trường Trung tâm Thương mại Royal City, Thanh Xuân, Hà Nội, với quy mô 250 gian hàng, thu hút hơn 200 đơn vị, doanh nghiệp của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước tham dự, trưng bày, giới thiệu những sản phẩm đặc trưng, đặc sản của các địa phương. Có thể kể đến: chè Shan Tuyết, cà phê Tây Nguyên, tỏi Lý Sơn, xoài Cát Hòa, thốt nốt An Giang, hồ tiêu Phú Quốc, cua Cà Mau,…
Lần đầu tiên Công ty CP sản xuất thương mại dịch vụ Tiến Phát (Quy Nhơn, Bình Định) đem các sản phẩm đến Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam giới thiệu với thị trường Hà Nội, ngoài các loại thủy hải sản, đặc sản của vùng biển Bình Định, còn có những sản phẩm nông sản chế biến sạch, trồng từ vùng nguyên liệu ở Tây Nguyên như trà (trà khô, trà túi lọc), ca cao, artiso….
Ông Hồ Xuân Thắng - Công ty CP sản xuất thương mại dịch vụ Tiến Phát - cho biết, Công ty có nhà phân phối ở nhiều tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, nên lần này tham gia Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam nhằm mục tiêu mở rộng thị trường ra Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Ngay trong ngày đầu tiên giới thiệu sản phẩm tại hội chợ, đã có nhiều nhà phân phối đến gặp gỡ, tìm hiểu về sản phẩm và hẹn sẽ vào tận nơi sản xuất để tham quan, tìm hiểu để ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.
Còn theo bà Nguyễn Thanh Hiền - Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Tomcare, sản phẩm duy nhất giới thiệu tại hội chợ lần này là tương ớt, ớt xay lên men, được lấy từ nguồn ớt sạch trồng trong nước. Mặc dù sản phẩm tương ớt lên men của doanh nghiệp đã xuất khẩu sang Australia, Mỹ, Canada, Nga… nhưng thị trường phía Bắc, nhất là Hà Nội vẫn là mục tiêu hàng đầu của Tomcare, vì đây là thị trường khó tính nếu chinh phục được là một thành công lớn.
Nói về kết quả tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, bà Vũ Thị Huệ - Phó Chủ tịch Hội nữ doanh nhân tỉnh Yên Bái - chia sẻ, sau nhiều lần tham gia Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam tổ chức, Hội nữ doanh nhân Yên Bái đã xây dựng được mối liên kết với tỉnh Thanh Hoá, Hải Dương, Quảng Ninh, Hưng Yên... tiêu thụ sản phẩm. Hy vọng trong lần tham gia Hội chợ đặc sản vùng miền 2024, doanh nghiệp Yên Bái sẽ có thêm đối tác tiêu thụ hàng hóa trong thời gian tới.
Hỗ trợ kết nối vào kênh phân phối
Thông tin về việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất kết nối với các nhà bán lẻ tiêu thụ sản phẩm, ông Nguyễn Ánh Dương - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố Hà Nội (HPA) - cho hay, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất đặc sản vùng miền khai thác thị trường Hà Nội, trong thời gian diễn ra Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam, HPA tổ chức các hoạt động kết nối doanh nghiệp sản xuất với hệ thống bán lẻ hiện đại như Vinmart, Central Retail Việt Nam, Co.op Mart... và sàn thương mại điện tử Sendo, Voso...
Đặc biệt, HPA còn hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh thành giới thiệu sản phẩm đến các tổ chức, doanh nghiệp, đại sứ quán, văn phòng đại diện thương mại của doanh nghiệp quốc tế trên địa bàn Hà Nội. Không chỉ vậy, trong thời gian diễn ra hội chợ, HPA tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, qua đó giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, thâm nhập hệ thống phân phối, sàn thương mại điện tử…
Còn theo ông Nguyễn Minh Tiến – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, thông qua các hội chợ, triển lãm, trong đó có sự kiện AgroViet 2024, đây là các hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, nhằm thúc đẩy, mở rộng quan hệ hợp tác giao lưu kinh tế quốc tế, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, giao dịch thương mại, tôn vinh những sản phẩm nông, lâm, thủy sản, sản phẩm OCOP, nông đặc sản chất lượng cao của các địa phương trong cả nước; đây đồng thời là cơ hội để các doanh nghiệp, HTX củng cố và khai thác thị trường nội địa và xuất khẩu.
Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam – nhận định, các hoạt động xúc tiến thương mại không chỉ kết nối giao thương hàng hóa từ các tỉnh, thành về Hà Nội mà còn nâng cao sức cạnh tranh cho hàng Việt tại hệ thống bán lẻ truyền thống cũng như hệ thống siêu thị hiện đại. Qua đó, nâng cao nhận thức, lòng tin của người tiêu dùng về văn minh thương mại, chất lượng, giá cả, thương hiệu của sản phẩm Việt.
Tác giả: Thu Phương