Điển hình như trong năm 2014, kim ngạch XK mặt hàng điện thoại vào thị trường EU chiếm 40%, giày dép chiếm 30%, dệt may gần 17%, trong tổng kim ngạch XK các mặt hàng này.
Điều đáng chú ý là tuy EU chưa phải đối tác lớn nhất của Việt Nam nhưng lại là đối tác mang lại cho Việt Nam thặng dư thương mại lớn. Trong năm 2014 thặng dư thương mại từ thị trường này là gần 19 tỉ USD.
Theo ông Lê Kỳ Anh, lí do giúp Việt Nam tăng trưởng mạnh XK tại thị trường EU ngoài sự năng động của DN trong việc đáp ứng những yêu cầu của thị trường này và đặc tính bổ sung từ hai khu vực kinh tế, Liên minh châu Âu còn được đánh giá là khá hào phóng khi cho Việt Nam hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) ngày từ khi hai bên mới chỉ kí Hiệp định hợp tác khung từ năm 1996.
Mặc dù vậy, DN Việt Nam vẫn chưa khai thác hết ưu đãi GSP từ EU. Theo thống kê của Bộ Công Thương, tỉ lệ hưởng ưu đãi GSP cao nhất của DN Việt Nam mới chỉ đạt 40% trong khi đó DN Thái Lan đã khai thác được tới 68%.
“Lợi thế từ ưu đãi thuế của thị trường EU sẽ được khai thác triệt để hơn sau khi FTA Việt Nam- EU được kí kết. Tuy nhiên, Hiệp định là cơ hội còn thành công hay không còn phụ thuộc vào các doanh nghiệp (DN). Do vậy, DN cần có sự chuẩn bị cao nhất thì mới có thể tận dụng được lợi thế từ Hiệp định này”, ông Lê Kỳ Anh cho biết.
Riêng đối với mặt hàng nông thủy sản, ông Nguyễn Văn Giáp, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tuy thị trường EU đã chiếm tới 18,6% tổng kim ngạch XK hàng hóa của Việt Nam nhưng tỉ trọng hàng nông, thủy sản XK vào thị trường này còn rất hạn chế (kim ngạch XK hàng nông thủy sản vào EU mới chỉ chiếm trên 10% tổng giá trị XK nhóm hàng này), tập trung chủ yếu là thủy sản và cà phê.
Theo ông Giáp, khi FTA Việt Nam – EU được kí kết các ngành có hàm lượng chế biến sẽ có ưu thế khi thuế XK của Việt Nam vào EU giảm về 0%. Tuy nhiên, các mặt hàng sơ chế, thô, và nguyên liệu lại không được hưởng lợi. Bên cạnh đó, các yêu cầu nghiêm ngặt về tiếp cận thị trường liên quan đến an toàn và sức khỏe người tiêu dùng, yêu cầu về môi trường, chất lượng... của EU sẽ là những thách thức không nhỏ đối với hàng hóa Việt Nam vì dù có thuế tốt nhưng nếu không đáp ứng được các yêu cầu này thì cũng sẽ không vào được thị trường.
Vì vậy, để tiếp cận hiệu quả, các DN cần chủ động yêu cầu hỗ trợ về kĩ thuật, thông tin tiêu chuẩn, thông tin thị trường, thị hiếu khách hàng... từ chính nhà phân phối để đảm bảo sản phẩm mình làm ra phù hợp với quy định chung của EU, phù hợp với yêu cầu của nhà NK và được người tiêu dùng chấp nhận.
Bên cạnh đó, các DN cũng nên tính đến việc hợp tác với các nhà phân phối từ khâu sản xuất đối với các mặt hàng chưa đủ năng lực xây dựng nhãn mác riêng...
Theo Báo Hải Quan