Dheeraj Pandey, nhà đồng sáng lập và CEO Nutanix.
Dheeraj Pandey, nhà đồng sáng lập và CEO Nutanix chưa có cơ hội gặp và nói chuyện với Larry Ellison.
Tuy nhiên, 12 năm trước, ông đã từng có 2 năm làm việc tại Oracle - công ty của Ellison. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn đó, Pandey đã bị thuyết phục rằng "Ellison là một trong những nhà lãnh đạo kinh doanh khó hiểu nhất của thời đại".
Vì vậy, khi sáng lập Nutanix và trở thành CEOvào năm 2009, Pandey đã bắt đầu nghiên cứu một cách nghiêm túc về Larry Ellison.
Ông muốn mô phỏng những gì Ellison đã làm để biến Oracle trở thành đế chế hùng mạnh với doanh thu lên tới 38 tỷ USD như ngày nay. Mặc dù, năm ngoái, Ellison đã tuyên bố rời khỏi vị trí CEO của Oracle, nhưng động thái này có vẻ chỉ mang tính biểu tượng. Ở tuổi 71, Ellison vẫn là nhà lãnh đạo chủ chốt của công ty với cương vị Chủ tịch điều hành và Giám đốc kỹ thuật.
Năm 2014, công ty Nutanix của Pandey đã huy động được 312,2 triệu USD và định giá ở mức 2 tỷ USD
Dưới đây là 7 điều mà Pandey chia sẻ rằng ông đã học được từ Larry Ellison và áp dụng thành công vào Nutanix:
1. Ellison bị ám ảnh với các sản phẩm của công ty
Ellison đã ấp ủ ý tưởng về cơ sở dữ liệu của Oracle hơn 30 năm trước. Hiện nay, ông vẫn đảm nhiệm vai trò Giám đốc công nghệ, đóng vai trò quan trọng với hệ thống dữ liệu và nhiều sản phẩm khác của Oracle.
Theo Pandey, các công ty ngày nay không dễ dàng thay thế hay loại bỏ hệ thống của Oracle.
Larry Ellison, cựu CEO Oracle
2. Gần gũi với các kỹ sư - những người đang xây dựng sản phẩm (SMEs), và kém ông 3-5 cấp bậc.
Khi công ty phát triển, các nhân viên cấp thấp khó có cơ hội tiếp xúc với CEO. Nhưng Larry Ellison lại loại bỏ các rào cản về cấp bậc và rất gần gũi với nhân viên.
Và quan trọng hơn, ông trả lương cho họ rất hậu hĩnh.
3. Ellison không sợ nuôi dưỡng những 'kẻ nổi loạn' trong công ty
"Ellison không bao giờ tuyển dụng toàn những người chỉ biết nói Có", Pandey cho biết.
Những người nổi tiếng từng làm việc cho Oracle như Marc Benioff của Salesforce, Tom Siebel của Siebel Systems, Craig Conway của PeopleSoft hay cựu Chủ tịch HP - Ray Lane.
"Cuối cùng, họ lại trở thành đối thủ cạnh tranh của Oracle, nhưng nếu không có họ, Oracle không thể thành công như ngày hôm nay", Pandey thừa nhận.
4. Ellison không khoan nhượng trong các cuộc đua
Đó là Larry Ellison mà hầu hết chúng ta biết - người đàn ông không khoan nhượng với các đối thủ, và thậm chí có thể kiện họ nếu cần thiết.
5. Ellison có 'niềm tin mãnh liệt" khi theo đuổi các chiến lược kinh doanh của mình
Ông đã mất 18 tháng giằng co quyết liệt để hoàn tất thương vụ sáp nhập PeopleSoft.
Ngay cả khi Bộ Tư pháp vào cuộc ngăn chặn vụ sáp nhập thì Ellison vẫn chiến đấu quyết liệt và cuối cùng ông đã giành phần thắng.
6. Ellison cũng sẵn sàng nhận lỗi và thay đổi chiến lược
Có niềm tin mãnh liệt để theo đuổi những điều bạn mong muốn là một chuyện. Nhưng việc thay đổi khi nhận thấy mình sai lại là chuyện khác.
Ellison đã không ít lần thay đổi chiến lược của công ty khi thấy cần thiết.
7. Chinh phục các thị trường lớn và khó
"Oracle là công ty hiểu Nhật Bản và Trung Quốc hơn hầu hết các doanh nghiệp khác, kể cả Microsoft". Đặc biệt, Ellison rất yêu thích Nhật Bản.
Và Oracle cũng được đáp trả tình yêu đó. Năm 2000, ngay sau khi bong bóng Internet bùng nổ, chi nhánh của Oracle tại Nhật Bản đã huy động được 7,5 tỷ USD trên thị trường chứng khoán Tokyo.
Theo NDH