Hà Nội quyết đầu tư đường ống mới và tìm doanh nghiệp thay thế Vinaconex trong việc cấp nước sinh hoạt cho người dân Thủ đô...
Đường ống dẫn nước sông Đà của Vinaconex liên tục bị vỡ khiến cuộc sống người dân Hà Nội bị đảo lộn.
Sau khi đường ống dẫn nước bị vỡ lần thứ 9 vào ngày 12/7 vừa qua, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã khẳng định "mất niềm tin và hết kiên nhẫn" với chủ đầu tư là Tổng công ty Vinaconex.
Ngay sau khi đường ống dẫn nước sông Đà phục vụ sinh hoạt cho khoảng hơn 70.000 hộ dân Hà Nội bi vỡ lần thứ 9 vào rạng sáng ngày 12/7, ngay trong buổi chiều cùng ngày, Phó chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã triệu tập cuộc họp khẩn với các đơn vị liên quan để tìm giải pháp khắc phục.
Đại diện đơn vị quản lý đường ống, Phó tổng giám đốc Vinaconex Dương Văn Mậu, cho biết ngay sau khi xảy ra sự cố, đơn vị đã tiến hành khắc phục hậu quả, dự kiến sẽ cấp nước trở lại sau 12 giờ. Tuy nhiên, trên thực tế, đến sáng nay (14/7), một số khu vực của Hà Nội vẫn chưa có nước trở lại.
Tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, đây là lần thứ 9 tuyến đường ống nước sông Đà bị vỡ, gây đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt của hàng vạn hộ dân Thủ đô, và cũng không ai khẳng định đường ống sẽ không vỡ nữa.
“Thành phố không thể để hơn một triệu dân, tương đương 70.000 hộ bị ảnh hưởng, tiếp tục phải chịu đựng cảnh mất nước do vỡ đường ống. Một triệu dân không thể phụ thuộc đường ống nước của một công ty, một tuyến đường ống luôn xảy ra sự cố vỡ như vậy. Chúng ta không thể đem người dân ra làm trò đùa được. Vì vậy, thành phố chỉ đạo sở Xây dựng, Giao thông Vận tải, Công ty nước sạch Hà Nội, các đơn vị liên quan, tập trung tối đa nguồn lực để chủ động có giải pháp mới cung cấp nước sạch ổn định cho nhân dân”, Phó chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.
Sau khi nghe các sở ngành hiến kế, tìm giải pháp, Phó chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng chỉ đạo, thành phố quyết định đầu tư xây dựng gấp tuyến đường ống mới, chạy nổi song song với tuyến đường ống cũ, nằm về phía Bắc đại lộ Thăng Long, dài khoảng 28 km từ Hòa Lạc về đường Vành đai 3.
Phó chủ tịch Hà Nội giao Sở xây dựng chủ trì với tư cách làm chủ đầu tư cùng các đơn vị liên quan lên phương án để sớm triển khai thực hiện dự án. Tuyến đường nước mới do thành phố đầu tư sẽ chủ động cấp nước sạch cho 70.000 hộ dân với công suất 100.000m3 nước/ngày đêm. Khi đưa vào sử dụng dự kiến vào cuối tháng 8/2014 sẽ góp phần giảm tải cho đường ống nước sông Đà của Vinaconex hiện nay.
"Sẽ không có sự lãng phí, chồng chéo vì tuyến ống khẩn cấp trước mắt để bảo đảm an toàn cấp nước cho thành phố, sau này khi có tuyến số 2 của Vinaconex, có thể sử dụng để truyền tải 80.000m3 còn thừa của nhà máy nước sông Đà và sử dụng cho nhà máy nước mặt sông Hồng đang chuẩn bị đầu tư", ông Hùng nói.
Trong khi đó, theo một lãnh đạo thành phố Hà Nội, đó là giải pháp trước mắt, còn về lâu dài, thành phố đã chỉ đạo Vinaconex lập dự án đầu tư giai đoạn 2 dự án cấp nước từ Hòa Bình về Hà Nội, trong đó ưu tiên đầu tư tuyến ống truyền dẫn cấp nước mới từ Hòa Lạc về đường vành đai 3 để triển khai từ tháng 9/2014.
Trường hợp Vinaconex không đủ năng lực và điều kiện thực hiện, thành phố sẽ chỉ đạo Công ty Nước sạch Hà Nội phối hợp với các doanh nghiệp đủ năng lực tài chính thu hút xã hội hóa đầu tư tuyến truyền dẫn từ Hòa Lạc về đường vành đai 3 và thành phố sẽ mua nước sạch của Vinaconex từ Hòa Lạc để cung cấp về trung tâm thành phố; bảo đảm nguồn nước sạch cung cấp ổn định cho nhân dân vào mùa hè năm 2015.
Quá trình đầu tư thi công tuyến đường ống truyền dẫn số 2 từ Hòa Lạc về vành đai 3, thành phố sẽ chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư trong việc giám sát, kiểm tra từ khâu thiết kế, thi công, nghiệm thu công trình để bảo đảm chất lượng công trình và bảo đảm an toàn trong quá trình vận hành.
Bên cạnh đó, thành phố cũng đã chỉ đạo Công ty Nước sạch Hà Nội lập dự án triển khai đầu tư xây dựng nhà máy nước mặt sông Hồng tại huyện Đan Phượng; phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để huy động nguồn vốn vay ODA từ Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) để triển khai dự án.
Theo VnEconomy