Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tam Thanh, cán bộ phúc lợi tổ chức động vật châu Á cho hay, mặc dù là một nước phát triển nhưng đối với không ít người Hàn Quốc món thịt chó vẫn được coi là món ăn khoái khẩu.
Theo ông Thanh, thống kê từ các tổ chức bảo vệ động vật tại Hàn Quốc thì mỗi năm có tới hàng triệu con chó bị giết thịt.
Ảnh minh họa. |
"Người Hàn Quốc vẫn ăn thịt chó. Theo báo cáo của Viện Phúc Lợi Động Vật (Animals Welfare Institue) 2 triệu con chó bị giết hàng năm để lấy thịt và hơn 100.000 tấn thịt chó được tiêu thụ mỗi năm với doanh thu lên tới cả tỷ USD.
Đó là con số rất lớn", ông Thanh nói
Còn Bà Phan Thùy Trinh, đại diện truyền thông của tổ chức động vật châu Á cũng bày tỏ, trước khi trở thành món ăn thì những con chó này đã phải chịu những cảnh giết hại đau đớn và tàn nhẫn.
Theo bà Trinh, những cá thể chó thường bị vận chuyển qua các chặng đường dài, đôi khi kéo dài ngày. Chúng thường bị nhồi chặt trong các lồng, cũi chật hẹp mà không được ăn uống, nghỉ ngơi.
Thậm chí, thường phải chịu đựng bệnh tật và đối xử tàn bạo. Cách giết mổ những con chó này cũng rất tàn bạo theo cách đập vào đầu, cắt cổ hay mổ bằng dao lớn...
Bà Oh Keum-il chuẩn bị chế biến thịt chó tại nhà hàng Daegyo (Hàn Quốc). Ảnh: AP |
"Nhiều ý kiến cho rằng, chúng tôi phản đối việc ăn thịt các loại động vật nhưng không phải là vậy.
Khái niệm đầu tiên của phúc lợi động vật không phải là không sử dụng mà làm thế nào để các con vật khi sống không bị đau đớn, bệnh tật và không giết một cách dã man, tàn bạo.
Chúng tôi kịch liệt phản đối việc trước khi bị đưa lên bàn ăn hàng triệu con chó ở Hàn Quốc đã bị giết hại một cách đau đỡn, tàn nhẫn.
Đó là những hành động gây ra sự chịu đựng, nỗi đau đớn không cần thiết cho động vật", bà Trịnh nhấn mạnh.
Mỗi năm người Việt ăn thịt khoảng 5 triệu con chó
Cũng theo đại diện tổ chức động vật châu Á, giống như Hàn Quốc, thịt chó cũng là món ăn được rất nhiều người Việt Nam yêu thích.
Và đại diện tổ chức này cũng dẫn con số được Liên minh bảo vệ chó châu Á cung cấp, theo đó, mỗi năm, có khoảng 5 triệu con chó bị giết thịt ở Việt Nam.
Ngành kinh doanh thịt chó ở Việt Nam chủ yếu dựa vào việc buôn bán chó nuôi, bắt trộm chó và buôn lậu bất hợp pháp.
Đại diện tổ chức động vật châu Á cũng nhấn mạnh, chính vì nguồn lợi khổng lồ thu được từ hoạt động kinh doanh này mà nạn buôn lậu chó và vấn nạn trộm chó đang diễn ra ở Việt Nam.
Và nguồn gốc các loài chó được buôn lậu bất hợp pháp vào Việt Nam chủ yếu đến từ các nước Thái Lan, Campuchia và Lào.
Thêm vào đó, vì bị vận chuyển qua nhiều chặng đường dài, bị nhồi nhét chặt trong các lồng, cũi, lại không được cho ăn ăn uống, nghỉ ngơi nên những các cá thể chó bị đối xử rất thô bạo, mang bệnh tật.
Rất nhiều cá thể chó đã chết vì nghẹt thở, sốc nhiệt... trước khi đến các lò mổ.
Cũng như ở nhiều nước, việc giết thịt chó ở Việt Nam cũng diễn ra hết sức tàn nhẫn, thô bạo bằng nhiều dụng cụ khác nhau. Chưa kể, những cá thể chó thường bị giết ngay trước mặt các cá thể chó khác.
Một điều nữa là việc buôn bán thịt chó đã góp phần giúp lan tràn nhiều bệnh dịch, trong đó, có bệnh dại, các bệnh truyền nhiễm.
"Chúng tôi biết rằng, việc đưa ra những ý kiến phản đối liên quan đến vấn đề thịt chó sẽ có nhiều phản hồi như đối với lễ hội chém lợn.
Nhưng việc từ khai thác, buôn bán, đến giết mổ chó đều rất dã man, vi phạm phúc lợi động vật và không được kiểm soát chặt chẽ...
Chúng tôi kịch liệt phản đối những hành động đối xử dã man, tàn bạo đối với động vật nói chung và chó nói riêng", bà Trinh bày tỏ.
Ông Phạm Thành Long, đại diện Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, theo số liệu thống kê của Bộ Y tế trong giai đoạn từ năm 1991- 2010 đã có hơn 8,8 triệu người nghi bị chó dại cắn, trong đó có hơn 3.500 ca tử vong. Cục Thống kê Trung ương ước tính, năm 2012 số cá thể chó ước tính trên toàn quốc khoảng 10 triệu con. Đáng nói trong những năm qua tình trạng nhập lậu chó từ các nước lân cận vào Việt Nam đang có xu hướng gia tăng. Đại diện Cục Thú y Thái Lan, ông Kasichon đã đưa ra thống kê số vụ bắt giữ chó buôn lậu từ năm 2010 - 2013 là 64 vụ, với tổng số 12.154 cá thể chó. Đáng lo ngại là riêng 6 tháng đầu năm 2013, số lượng chó buôn lậu bị phát hiện lên tới hơn 3.000 cá thể. |
(Theo Đại Lộ)