VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

Chứng khoán ngày 17/12 tiếp tục với diễn biến không mấy tích cực. VN-Index bật tăng nhẹ ngay đầu phiên trước sự nâng đỡ của một số cổ phiếu. Tuy nhiên, đà tăng không duy trì được lâu khi dòng tiền vẫn đứng ngoài, lực cầu yếu.

Chỉ số của sàn HOSE nhanh chóng lùi xuống dưới mốc tham chiếu trước áp lực từ nhóm cổ phiếu trụ. Điều này cũng thể hiện thông qua mức giảm của VN30-Index luôn duy trì cao hơn VN-Index.

Có thời điểm chỉ số của sàn HOSE bật tăng trở lại nhưng đa phần chỉ là hồi kỹ thuật trong phiên. Dòng tiền đứng ngoài khiến biên độ tăng những nhịp bật lên không mấy tích cực. Áp lực bán nhanh chóng lấy lại sự áp đảo trên toàn thị trường. Sang đến phiên chiều, giao dịch vẫn không có nhiều cải thiện. Lực cầu yếu vẫn là nguyên nhân chính khiến các chỉ số tiếp tục xu hướng giằng co.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index đứng ở mức 1.261,72 điểm, tương ứng giảm 2,07 điểm (-0,16%) so với phiên trước. Toàn sàn HOSE chỉ có 147 mã tăng, trong khi có 232 mã giảm và 78 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,15 điểm (-0,07%) xuống 226,89 điểm, với 76 mã tăng, 73 mã giảm và 64 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,13 điểm (0,14%) lên 92,77 điểm.

Thanh khoản thị trường vẫn ở mức rất thấp. Tổng khối lượng giao dịch trên HOSE chỉ đạt hơn 502 triệu cổ phiếu, giảm 6,8% so với phiên trước, tương ứng giá trị giao dịch là 12.086 tỷ đồng, giảm 5,7%. Ở chiều ngược lại, giao dịch thỏa thuận vẫn diễn ra sôi động trên sàn HOSE với 3.366 tỷ đồng. Như vậy, nếu chỉ tính khớp lệnh, giá trị giao dịch trên sàn này chỉ đạt 8.720 tỷ đồng.

Giá trị giao dịch trên HNX đạt hơn 605 tỷ đồng, tăng nhẹ 3%. Trong khi đó, giá trị giao dịch ở UPCoM tăng 134% lên mức 1.099 tỷ đồng. Sàn UPCoM tiếp tục ghi nhận giao dịch thỏa thuận đột biến hơn 700 tỷ đồng, chủ yếu là VSF (367 tỷ đồng) và SEA (242 tỷ đồng).

Dòng tiền vẫn theo chiều hướng tập trung vào một số cổ phiếu vốn hóa nhỏ. Trong đó, YEG được kéo lại lên mức giá trần 15.600 đồng. Bên cạnh đó, các mã như ABS, GSP, HVH… cũng được kéo lên mức giá trần bất chấp việc dòng tiền chung suy yếu.

Trong khi đó, các cổ phiếu vốn hóa lớn đa phần giằng co dưới tham chiếu. Sắc đỏ áp đảo trong nhóm VN30 gây áp lực lớn lên VN-Index. Các mã được chú ý ở nhóm bluechip như FPT, VPB, MWG, VNM… đều chìm trong sắc đỏ.

FPT bất ngờ giảm gần 1,3% ở phiên hôm nay bất chấp thông tin lợi nhuận tháng 11 tăng trưởng 11%. VHM, PLX, HDB, MBB và ACB là 5 mã hiếm hoi trong VN30 duy trì được sắc xanh. Nhóm cổ phiếu Viettel cũng gây bất ngờ khi đi ngược thị trường chung, với VTP tăng 2,54%, VGI tăng 1,57%, CTR tăng 1,1%.

Tại nhóm bán lẻ, MWG giảm 1,15%. Bên cạnh đó, các mã như PET, PNJ và FRT cũng đóng cửa trong sắc đỏ. Đáng chú ý, DGW là hiếm hoi trong nhóm này giữ được sắc xanh khi tăng 1,7%.

anh-chup-man-hinh-2024-12-17-luc-200736.png
Diễn biến chỉ số VN-Index trong thời gian qua

Ưu tiên nắm giữ danh mục

Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI)

VN-Index đóng cửa giảm điểm nhẹ sau phiên tăng nhẹ hôm qua. Biên độ biến động không quá lớn và thanh khoản có chiều hướng sụt giảm dần. Mốc điểm hiện tại của VN-Index đang dao động quanh ngưỡng 1.260 điểm mà chưa có sự bùng nổ đáng chú ý nào. Đây đã là phiên thứ 8 VN-Index đi ngang sau phiên bùng nổ mạnh ngày 5/12/2024 trước đó.

Xu hướng của thị trường vẫn chưa thoát khỏi kênh Sideway, tích lũy và dường như đang thử thách sự kiên nhẫn của nhà đầu tư. Chúng tôi vẫn duy trì kỳ vọng vào sự tích cực của thị trường, nên ưu tiên quan điểm nắm giữ danh mục.

Việc tăng thêm tỷ trọng và mở thêm vị thế mua mới ở ngưỡng hỗ trợ 1.260 điểm trong các phiên trước đó đến hiện tại chưa có ưu thế quá rõ ràng nên chúng ta tạm thời hạn chế việc mua thêm.

Có thể tăng tỷ trọng cổ phiếu đang có vận động tích lũy chặt chẽ

Chứng khoán AIS

Chỉ số VN-Index tiếp tục diễn biến giằng co trong biên độ hẹp với thanh khoản thấp. Điều này cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư vẫn chưa có sự thay đổi.

Quảng cáo

Diễn biến này có thể được lý giải bởi tuần này sẽ diễn ra một số sự kiện quan trọng như: Các cuộc họp để đưa ra quyết định lãi suất của một số ngân hàng trung ương lớn (Mỹ, Anh, Nhật Bản), đáo hạn phái sinh và hạn cuối thực hiện cơ cấu danh mục của Quỹ Vaneck và FTSE vào ngày 20/12.

Trong một vài phiên tới, dự kiến VN-Index sẽ tiếp tục tích lũy trong biên độ hẹp để kiểm chứng động lực quanh vùng hỗ trợ 1.250-1.260 điểm (vùng hợp lưu của các đường xu thế MA200, MA50 và MA20 ngày).

Chúng tôi tiếp tục khuyến nghị nhà đầu tư nắm giữ danh mục. Đồng thời, có thể gia tăng tỷ trọng vào những cổ phiếu đang có vận động tích lũy chặt chẽ và triển vọng kinh doanh tích cực trong quý 4/2024.

Giải ngân từng phần đối với các mã thể hiện được động lực ổn định

Chứng khoán Vietcombank (VCBS)

Hiện tại thị trường vẫn chưa có diễn biến đáng chú ý so với các phiên gần đây. Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư tranh thủ cơ cấu danh mục đối với những mã cho tín hiệu suy yếu hoặc nỗ lực vượt kháng cự thất bại đi cùng sự gia tăng của áp lực bán.

Mặt khác, nhà đầu tư cũng có thể tận dụng nhịp rung lắc để giải ngân từng phần đối với các mã thể hiện được động lực ổn định khi vận động trên đường MA20, không phá vỡ xu hướng tăng mà có tín hiệu tạo nền tích lũy mới ở vùng giá cao hơn.

Tăng thêm một phần vị thế trading khi cổ phiếu mục tiêu lùi về hỗ trợ

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)

Chỉ số VN-Index trải qua một phiên giao dịch ảm đạm với thanh khoản tiếp tục suy yếu. Dù áp lực bán không có dấu hiệu gia tăng đột biến, nhưng diễn biến điều chỉnh phân hóa với biên độ nhỏ cũng chưa thể kích hoạt dòng tiền đang quan sát vào bắt đáy, cho thấy vùng giá hiện tại tạm thời đang tạo tâm lý lưỡng lự cho 2 bên.

Với tín hiệu trên, không loại trừ khả năng chỉ số mất lực đỡ và rơi vào trạng thái phân phối mạnh. Tuy nhiên, VN-Index vẫn có cơ hội lấy lại đà hồi phục tại quanh vùng hỗ trợ gần khi xu hướng tăng ngắn hạn chưa đánh mất.

Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục trải lệnh, gia tăng thêm một phần vị thế trading khi chỉ số hoặc các mã cổ phiếu mục tiêu lùi về hỗ trợ.

Tập trung các cổ phiếu đầu tư dài hạn có nền tảng cơ bản

Chứng khoán Asean

Chúng tôi cho rằng thị trường sẽ có xu hướng tiếp diễn khó lường và không loại trừ khả năng có thể tiếp tục giảm điểm nhẹ trong quá trình tái tích lũy trước khi đảo chiều trở lại đà tăng, hướng tới vùng đỉnh cũ 1.300 điểm. Ngưỡng hỗ trợ quan trọng 1.255 điểm khi đây là vùng hợp lưu của nhiều yếu tố kỹ thuật.

Theo đó, nhà đầu tư nên có phương án quản trị danh mục và phòng ngừa rủi ro phù hợp, tập trung các cổ phiếu đầu tư dài hạn có nền tảng cơ bản và triển vọng kinh doanh tích cực. Chỉ nên giải ngân khi xu hướng hồi phục được xác nhận rõ ràng với khối lượng giao dịch gia tăng tốt trở lại và cổ phiếu đang có mức định giá hấp dẫn

Chỉ số có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

Chứng khoán BIDV (BSC)

Với thanh khoản sụt giảm, VN-Index có thể tiếp tục quán tính giảm trong những phiên tới và lùi xuống dưới đường SM50. Trong trường hợp tiêu cực, chỉ số có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm.

Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.

Theo https://thuonggiaonline.vn/ Copy

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - P.Thanh Xuân Trung - Q. Thanh Xuân - TP.Hà Nội

ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Email: [email protected]

Website: vacod.vn

Các đơn vị trực thuộc

Văn phòng Vacod miền trung - Tp Đà Nẵng

Địa chỉ: Số 278/4 Nguyễn Văn Linh - Thành phố Đà Nẵng
ĐT: 0236.3652692 - Fax: 0236.3653208

Văn phòng Vacod miền nam - Tp Hồ Chí Minh

Địa chỉ: Số 6A Phạm Đình Toái, Phường 6, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
ĐT: 0983358188

Công ty TNHH MTV Vacod

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Viện nghiên cứu phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Cơ quan ngôn luận: Tạp chí Thương Gia

Địa chỉ: Số 14, Khu 249A Thụy Khuê, Quận Tây Hồ, Hà Nội
ĐT: 0879 504 666 - Email: [email protected]
Website: https://thuonggiaonline.vn/