Thông tin này được đưa ra trong báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu được WEF công bố hôm 3/9. Theo đó, Việt Nam đứng thứ 68 toàn cầu và đứng thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines.
Tại Việt Nam, tình hình được đánh giá gần như không đổi. Một số tiêu chí có cải thiện như kinh tế vĩ mô (hạng 75), các tổ chức công (85), độ hiệu quả của thị trường (91), chống tham nhũng (109)… tuy nhiên vẫn còn thấp. Hệ thống tài chính ngân hàng được đánh giá dễ bị tổn thương, mức độ phát triển trong hoạt động của doanh nghiệp còn kém.
Năm nay, có 4 nước bị loại ra khỏi danh sách xếp hạng là Ecuador, Bosnia & Herzegovina, Liberia và Benin có thứ hạng thấp hơn Việt Nam. Vì thế mà Việt Nam được tăng 2 bậc so với năm ngoái và đứng ở vị trí 68.
Trên thế giới, nền kinh tế cạnh tranh nhất năm nay vẫn là Thụy Sỹ, tiếp theo là Singapore, Mỹ, Phần Lan, Đức…
Theo nhận định của WEF, các quốc gia đứng đầu đều có những yếu tố chung giúp nâng cao năng lực cạnh tranh. Đó là “tập trung vào việc phát triển, tiếp cận và tận dụng nhân tài sẵn có, cũng như chú trọng vào các khoản đầu tư có thể đẩy mạnh đột phá. Các khoản đầu tư thông minh, có mục đích này có hiệu quả nhờ phương pháp tiếp cận dựa trên sự phối hợp giữa khu vực nhà nước và tư nhân”.
Dù vậy, WEF cảnh báo kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều rủi ro, dù các nước đã cải tổ và nới lỏng tiền tệ nhiều năm nay. Cơ quan này nhận thấy “việc thực hiện cải tổ không đều giữa các khu vực và trình độ phát triển khác nhau là thách thức lớn nhất trong duy trì tăng trưởng toàn cầu”.