Tài sản trong các quỹ phòng vệ chia theo khu vực trên thế giới.
Nối tiếp đà tăng trưởng 30% trong năm 2014, ngành quỹ phòng hộ tại châu Á tiếp tục mở rộng hoạt động mạnh mẽ trong năm 2015, báo cáo của trang phân tích tài chính Anh Quốc - Market Oracle nhận xét.
Tính riêng trong 2 quý đầu năm, các quỹ phòng vệ của châu Á – Thái Bình Dương ghi nhận tỷ suất lợi nhuận 5,14%, vượt trội so với tỷ lệ 1,19% của khu vực Bắc Mỹ, thậm chí -0,11% tại châu Âu.
Mặc dù các chỉ số hoạt động duy trì đà khởi sắc, quy mô của tài sản trong các quỹ phòng hộ tại châu Á - Thái Bình Dương chỉ chiếm 4,8% so với toàn cầu.
Tuy nhiên trong thời gian tới, lịch sử hoạt động ấn tượng cộng hưởng với tăng trưởng kinh tế trong khu vực sẽ tiếp tục hỗ trợ hoạt động của các quỹ tại châu Á, báo cáo dự đoán.
Lựa chọn thay thế lý tưởng
Riêng với Việt Nam, tăng trưởng kinh tế sẽ được tiếp sức nhờ hai yếu tố nổi trội. Một là đàm phán hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) có Việt Nam tham gia sắp kết thúc. Hai là nghị định nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại một số lĩnh vực vượt 49% có hiệu lực trong tháng Chín. Đây cũng là nhân tố trọng yếu giúp nâng hạng Việt Nam từ thị trường cận biên lên nhóm các thị trường mới nổi trong thời gian tới, Market Oracle chỉ ra.
Đặc biệt, khi triển vọng đầu tư tại nước láng giềng Trung Quốc chuyển từ tích cực sang tiêu cực sau động thái phá giá bản tệ bất ngờ và kinh tế giảm tốc, Việt Nam sẽ vươn lên trở thành lựa chọn thay thế sáng giá tại châu Á, báo cáo nhận xét.
Việt Nam là điểm đến lý tưởng cho các nhà sản xuất muốn giảm chi phí hoạt động. Theo thống kê của ngân hàng Standard Chartered, các công ty đa quốc gia có thể tiết kiệm khoảng 19% chi phí hoạt động khi chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Thêm vào đó, tỷ suất thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam cũng hấp dẫn hơn, hướng tới giảm xuống còn 20% vào năm 2016, thấp hơn 5% so với Trung Quốc.
Còn đối với các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận, Việt Nam cũng được xem như địa điểm tiềm năng với một loạt mã cổ phiếu có tỷ lệ P/E dưới 10%, ROE và tỷ suất cổ tức cao.
Có thể kể đến một số mã cổ phiếu nổi bật như HPG của Tập đoàn Hòa Phát với tỷ lệ P/E tại 6,7, tỷ suất cổ tức 10%. Lợi nhuận ròng liên tục tăng trưởng kể từ năm 2012, doanh thu ròng tăng 60,9% trong năm 2014.
Cổ phiếu PVD của Tổng công ty cổ phần khoan và dịch vụ khoan dầu khí duy trì tỷ lệ P/E tại 6, lợi tức cổ phiếu đạt 15%. Lợi nhuận ròng duy trì đà tăng từ năm 2010, bất chấp giá dầu thô đổ dốc gần đây.
Cổ phiếu VNM của Công ty cổ phần sữa Việt Nam được khối ngoại "săn đón" với P/E 17,3 lần. Nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng trả thêm 20% trị giá cổ phiếu để giành quyền sở hữu.
Chú trọng giá trị
Các quỹ đầu tư tại Việt Nam áp dụng phương pháp đầu tư ưu tiên giá trị đạt được thành công đáng kể trong thời gian qua. Đây là nền tảng vững chắc tạo niềm tin cho các quỹ phòng vệ có ý định thâm nhập thị trường.
Báo cáo điểm mặt một số quỹ được cho là lựa chọn tốt cho các nhà đầu tư như quỹ Vietnam Emerging Equity, tỷ lệ sở hữu khối ngoại trong quỹ tương hỗ này đang ở mức 52,5%.
Quỹ Asia Frontier Capital sở hữu tỷ suất lợi nhuận tới 39,67%, theo đuổi chiến lược đầu tư vào các công ty được định giá thấp và tỷ suất cổ tức cao kể từ khi vào Việt Nam năm 2013.
Các nhà đầu tư muốn khai thác quỹ đầu tư đóng với mức chiết khấu cao, có thể xem xét hai quỹ Vietnam Holding Ltd. và VinaCapital Vietnam Opportunities Fund với mức chiết khấu lần lượt tại 17,33% và 18,35%. Cả hai quỹ đều được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán London.
Theo nhịp sống kinh doanh