Việt Nam thúc đẩy hợp tác, tạo động lực cho tăng trưởng bền vững

Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 với chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế - Thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII” diễn ra từ ngày 22-26/8 tại Hà Nội.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Bên lề Hội nghị, phóng viên TTXVN có cuộc trao đổi với một số cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đánh giá về tiềm năng hợp tác kinh tế của Việt Nam.

Cơ hội tiếp cận của hàng hóa Việt Nam

Từ khi chính thức được thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992 đến nay, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đã phát triển nhanh chóng và toàn diện.

Với việc thiết lập quan hệ đối tác toàn diện vào năm 2001, việc nâng cấp thành "Đối tác hợp tác chiến lược" năm 2009, quan hệ hai nước đã bước vào giai đoạn phát triển về chất, đặc biệt là về kinh tế - thương mại.

Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư lớn nhất ở Việt Nam với gần 5.000 dự án, trị giá gần 50 tỷ USD, đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Trung Quốc và Mỹ) với kim ngạch 2015 là 37 tỷ USD và dự kiến đạt 70 tỷ năm 2020.

Quan hệ kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc trong thời gian qua phát triển toàn diện, nhất là trên các lĩnh vực đầu tư, thương mại, lao động, du lịch.

Nhấn mạnh việc hai nước thông qua và thực hiện Hiệp định thương mại tự do song phương Việt - Hàn (VKFTA) sẽ đưa lại nhiều lợi ích kinh tế, Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Phạm Hữu Chí cho biết Hiệp định thương mại tự do song phương Việt - Hàn sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Hiệp định thương mại tự do song phương Việt - Hàn sẽ thúc đẩy đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam, kèm theo nguồn công nghệ, trình độ quản lý và cơ hội tiếp cận thị trường thứ ba.

Nguồn vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam có cơ cấu tương đối tích cực, trong đó tỷ trọng đầu tư vào lĩnh vực chế biến, chế tạo chiếm tới 57,6% (hết năm 2014).

Hàn Quốc là một trong những nước có trình độ công nghệ hàng đầu trên thế giới, nhất là về năng lượng, cơ khí, điện tử. Việc tăng cường thu hút đầu tư của Hàn Quốc sẽ giúp chuyển giao công nghệ, nâng cao trình độ công nghệ và năng lực sản xuất của Việt Nam.

Nhận định về cơ hội tiếp cận thị trường Hàn Quốc cho hàng hóa Việt Nam, Đại sứ Phạm Hữu Chí cho rằng theo Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA), Hàn Quốc dành cho Việt Nam ưu đãi cắt, giảm thuế quan, tạo cơ hội xuất khẩu mới quan trọng đối với các nhóm hàng nông, thủy sản chủ lực như tôm, cua, cá, hoa quả nhiệt đới; hàng công nghiệp như dệt may, đồ gỗ, sản phẩm cơ khí...

Việt Nam là đối tác hiệp định thương mại tự do đầu tiên được Hàn Quốc mở cửa thị trường đối với những sản phẩm nhạy cảm với thị trường trong nước bạn như tỏi, gừng, mật ong, khoai lang... (thuế suất các mặt hàng này rất cao từ 241-420%).

Do đó Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc tạo có hội cạnh tranh đáng kể cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh khác như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan...

Ví dụ riêng về tôm, Hàn Quốc miễn thuế cho Việt Nam với lượng hạn ngạch 10.000 tấn/năm và nâng dần trong 5 năm lên mức 15.000 tấn/năm. Hiện Việt Nam chỉ tận dụng được 2.500 tấn/năm miễn thuế trong tổng số 5.000 tấn/năm dành cho 10 nước ASEAN.

Chỉ ra những thách thức không nhỏ mà Việt Nam cần đối phó và xử lý, Đại sứ Phạm Hữu Chí cho biết việc cắt giảm thuế quan với Hàn Quốc sẽ tạo thêm sức ép cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước, giảm nguồn thu từ thuế nhập khẩu cho ngân sách nhà nước.

Do sự khác biệt về cơ cấu xuất nhập khẩu giữa hai nước, khả năng nhập siêu từ Hàn Quốc sẽ gia tăng. Các cam kết về thủ tục, quy tắc và thể chế tuy không tạo ra các nghĩa vụ pháp lý mới nhưng đòi hỏi các cơ quan quản lý Nhà nước phải tiếp tục kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực cán bộ nhằm thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo hướng vận hành theo thông lệ quốc tế, tăng cường cải cách, đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp


Trong những năm qua, quan hệ giữa Việt Nam và Australia đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, vào năm 2009, hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện; năm 2015 đã nâng cấp quan hệ thành Đối tác toàn diện tăng cường. Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư những năm gần đây đã khởi sắc.

Đại sứ Việt Nam tại Australia Lương Thanh Nghị cho biết nền kinh tế của Việt Nam và Australia có tính bổ sung lẫn nhau. Hiện nay hai nước đang là thành viên của Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN với Australia và New Zealand (AANZFTA).

Từ 1/1/2010, khi Hiệp định thương mại này có hiệu lực, tốc độ tăng trưởng thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Australia phát triển rất nhanh, trên 10%/năm.

Hiện nay, hầu hết hàng hóa của Việt Nam sang Australia cũng như hàng hóa của Australia sang Việt Nam đều được hưởng thuế suất 0%. Do vậy vấn đề thuế trong thương mại hai chiều không đặt ra nữa. Vấn đề ở đây là Việt Nam phải có đủ điều kiện tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu mà Australia là một trong những mắt xích quan trọng.

Đối với những ngành da giày, dệt may được phía Australia rất ưu tiên và đang đầu tư vào Việt Nam, các doanh nghiệp của Australia đang cung cấp nguyên liệu sợi len cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Ngoài ra, khuôn khổ Hiệp định này còn liên quan đến các vấn đề đơn giản hóa thủ tục hải quan, đầu tư công, cải tạo môi trường đầu tư văn hóa. Đây đều là những động lực để thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Australia tăng trưởng nhanh hơn trong thời gian tới.

Cũng theo Đại sứ Lương Thanh Nghị, hiện mỗi năm kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Australia đạt từ 5-7 tỷ USD. Việt Nam xuất siêu sang Australia với mặt hàng chính là dầu thô.

Trong thời gian vừa qua, giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm nên kim ngạch thương mại hai chiều của hai nước cũng giảm theo. Tuy nhiên, ngoài dầu thô, Việt Nam cũng xuất khẩu các mặt hàng thủy sản đông lạnh. Bên cạnh đó, cà phê Việt Nam hiện nay chiếm tới 60% tổng lượng cà phê nhập khẩu của phía Australia, hạt tiêu chiếm tới 90%.

Ngoài ra, sau 12 năm đàm phán, từ năm 2015, Việt Nam đã xuất khẩu vải thiều sang thị trường Australia. Đặc biệt, sau bảy năm đàm phán, bắt đầu từ tháng 8/2016, Việt Nam được phép xuất khẩu xoài Cát Chu, xoài cát Hòa Lộc sang thị trường Australia. Có thể nói đây là những tín hiệu đáng mừng cho nông dân Việt Nam.

Việc hàng hóa nông sản Việt Nam, đặc biệt là rau quả xâm nhập được vào thị trường khó tính nhất thế giới sẽ tạo động lực cho việc mở rộng thị trường rau quả của Việt Nam sang các thị trường khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản, New Zealand...

Mặc dù thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Australia đang có bước phát triển rất mạnh mẽ, theo Đại sứ Lương Thanh Nghị, hiện vẫn còn một số rào cản kỹ thuật từ phía Australia như vấn đề kiểm dịch khắt khe, vệ sinh an toàn thực phẩm và những vấn đề khác.

“Quan trọng là hàng hóa trong nước phải đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật của phía Australia. Trên thực tế, trước những yêu cầu này, các cơ quan trong nước, người nông dân, doanh nghiệp, các nhà khoa học cần thay đổi tư duy về sản xuất nông nghiệp để từ đó Việt Nam có thể sản xuất được hàng hóa có chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của những thị trường như Australia,” Đại sứ Lương Thanh Nghị nói.

Nền kinh tế bổ trợ cho nhau, tạo tiềm năng hợp tác

Đánh giá về tiềm năng hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Singapore, Đại sứ Việt Nam tại Singapore Nguyễn Tiến Minh cho biết hai nước có quan hệ đối tác chiến lược, có nền kinh tế bổ trợ cho nhau, tạo ra tiềm năng hợp tác giữa hai bên. Singapore có vốn, kinh nghiệm về phát triển nền kinh tế. Việt Nam có nguồn nhân lự dồi dào, tài nguyên phong phú và cũng có vị trí địa lý rộng.

Trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do được hình thành và phát triển trong khu vực Cộng đồng kinh tế ASEAN và lớn hơn nữa là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương do đó không gian hợp tác rất lớn. Hai bên có thể hợp tác với nhau đưa ra những sản phẩm đa dạng phong phú đạt tiêu chuẩn của Singapore nhằm hướng tới thị trường rộng lớn.

Để hỗ trợ hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước, Đại sứ Nguyễn Tiến Minh cho biết Đại sứ quán luôn tích cực hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp xúc với doanh nghiệp Singapore để tìm những điểm chung tiến tới liên doanh và liên kết. Điều đó giúp tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập với khu vực và nền kinh tế toàn cầu.

Đại sứ quán cũng kết nối đưa những doanh nghiệp Việt Nam sang Singapore quảng bá hàng hóa, tiềm năng của mình và tìm đối tác ở Singapore.

Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore phối hợp với Liên đoàn doanh nghiệp Singapore tổ chức các đoàn doanh nghiệp của Singapore thăm một số tỉnh trọng tâm và đang hướng tới nhiều tỉnh thành khác của Việt Nam. Bằng cách đó sẽ góp phần tăng cường cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm của Việt Nam.

Thời gian tới, tình hình quốc tế sẽ tiếp tục vận động, phức tạp và đa chiều hơn với các đặc trưng cơ bản là tốc độ, đổi mới, kết nối, hội nhập và phát triển bền vững. Việt Nam cần nắm bắt kịp xu hướng đó, tận dụng cơ hội to lớn để tranh thủ hợp tác, liên kết, tạo ra những động lực mới cho tăng trưởng bền vững và vươn lên mạnh mẽ hơn.




Theo TTXVN

Theo

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - P.Thanh Xuân Trung - Q. Thanh Xuân - TP.Hà Nội

ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Email: [email protected]

Website: vacod.vn

Các đơn vị trực thuộc

Văn phòng Vacod miền trung - Tp Đà Nẵng

Địa chỉ: Số 278/4 Nguyễn Văn Linh - Thành phố Đà Nẵng
ĐT: 0236.3652692 - Fax: 0236.3653208

Văn phòng Vacod miền nam - Tp Hồ Chí Minh

Địa chỉ: Số 6A Phạm Đình Toái, Phường 6, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
ĐT: 0983358188

Công ty TNHH MTV Vacod

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Viện nghiên cứu phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Cơ quan ngôn luận: Tạp chí Thương Gia

Địa chỉ: Số 14, Khu 249A Thụy Khuê, Quận Tây Hồ, Hà Nội
ĐT: 0879 504 666 - Email: [email protected]
Website: https://thuonggiaonline.vn/