Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) cuối cùng đã đạt được thỏa thuận sau thời gian dài đàm phán. Dẫn lời Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trả lời tại buổi họp báo kết quả đàm phán TPP tại Hoa Kỳ cho biết ngành dệt may đóng góp quan trọng vào nền kinh tế Việt Nam. Tham gia vào TPP, ngành dệt may của Việt Nam có thể phát triển nhanh hơn qua đó mang lại lợi ích cho người nghèo. Ngành dệt may đang mang lại công ăn việc làm cho hàng triệu lao động phổ thông.
40% giá trị xuất khẩu ngành thuộc về doanh nghiệp nội địa
Số liệu thống kê của Tổng Cục Hải Quan Việt Nam cho thấy, 8 tháng đầu năm xuất khẩu dệt may cả nước đạt 14,9 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu dệt may sang Hoa Kỳ đạt 7,34 tỷ USD, tăng 13,4%; sang EU đạt 2,72 tỷ USD, tăng 3,5%; sang Nhật Bản đạt 1,77 tỷ USD, tăng 5,9%.
Không chỉ ngành hàng xuất khẩu có giá trị lớn thứ 2 sau xuất khẩu điện thoại và linh kiện, dệt may đang có vị thế kinh tế quan trọng. Bởi, trong khi, ngành xuất khẩu điện thoại, giá trị được tạo ra bởi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hàm lượng FDI trong nhóm hàng xuất khẩu điện thoại lên đến 99,9%; thì ngành dệt may có 40% giá trị xuất khẩu đang thuộc về các doanh nghiệp Việt.
Mặc dù, các nhà sản xuất hàng dệt may xuất khẩu nước ngoài, các nhà cung ứng nguyên liệu đầu vào cho ngành dệt may của thế giới đã bắt đầu đầu tư mở rộng sản xuất tại Việt Nam từ năm 2012 để tận dụng các lợi thế khi TPP được thực hiện đầu đủ. Tuy nhiên, kể từ thời điểm đó, tỷ lệ xuất khẩu hàng dệt may của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn quanh mức 40% cho thấy tốc độ tăng trưởng giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp nội địa và FDI gần như ngang bằng nhau.
Kỳ vọng vào thị trường Hoa Kỳ
3 thị trường lớn Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản đang chiếm đếm 77% giá trị xuất khẩu hàng dệt may. Theo VITAS và AmCham, thuế của Hoa Kỳ đánh vào hàng dệt may của Việt Nam là từ 5-25%; thuế suất bình quân là 17%. Về phía thị trường Nhật Bản, Việt Nam đã ký Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) với Nhật Bản vào 2010. Do đó, thuế đối với hàng xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào Nhật Bản đã được đưa về 0% từ trước.
Xuất khẩu dệt may Việt Nam sang Hoa Kỳ 8 tháng đầu năm 2015 tăng trưởng 13,4% theo Hải Việt Nam, và tăng đến 15% theo Hoa Kỳ. Theo số liệu thống kê của Hoa Kỳ, cân đối thương mại giữa Việt Nam – Hoa Kỳ, ngành dệt may đang mang lại thặng dư thương mại cho Việt Nam gần 5 tỷ USD.
Nguồn: Thống kê Hoa Kỳ
Hiện thị phần hàng dệt may Việt Nam tại Hoa Kỳ đạt 9,83%, quy mô thị trường dệt may Hoa Kỳ 111,34 tỷ USD. Rõ ràng khi TPP có hiệu lực đầy đủ nhiều loại thuế liên quan đến dệt may sẽ được bỏ hoàn toàn trong điều kiện lộ trình tăng lương cơ bản không có đột biến, ngành dệt may Việt Nam sẽ có cơ hội phát triển nhanh hơn nhờ lợi thế thị trường tiêu thụ.
Theo Khối phân tích của Công ty Chứng khoán HSC, ngành dệt may của Việt Nam sẽ là nhóm được hưởng lợi lớn nhất từ TPP.
Hàng dệt may và quần áo sẽ được chia làm 3 nhóm sản phẩm để áp thuế: Nhóm A – ít nhạy cảm nhất, thuế quan sẽ giảm về 0% ngay khi TPP có hiệu lực; Nhóm B – nhạy cảm hơn, thuế sẽ giảm dần về 0% trong 5 năm; Nhóm C – nhạy cảm nhất, thuế sẽ chỉ giảm một chút sau khi TPP có hiệu lực. Sau đó giữ nguyên trong 10 năm tiếp theo đối với hàng dệt kim và 15 năm đối với hàng dệt sợi.
Quy định xuất xứ sẽ có mặt hàng ngoại lệ?
Đứng từ góc độ của Việt Nam, một thách thức cho ngành đã được đề cập bấy lâu là quy định xuất xứ, quy định “từ sợi trở đi”. Quy định này sẽ buộc Việt Nam phải dùng vải và sợi từ các nước thuộc TPP. Điều này là nhằm phát huy các chuỗi giá trị và đầu tư trong nội bộ khối TPP.
TPP đưa ra một hệ thống các quy định về xuất xứ để xác định một mặt hàng có đảm bảo quy định xuất xứ và đủ điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế theo TPP hay không. Những quy định này sẽ căn cứ theo các sản phẩm cụ thể.
HSC cho rằng, những mặt hàng ngoại lệ trong quy tắc “từ sợi trở đi” sẽ được lập “danh sách nguồn cung thiếu hụt”, Việt Nam đang lập danh sách này và hiện vẫn chưa hoàn tất.
Thay lời kết, năm ngoái, AmCham dự báo xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào Hoa Kỳ có thể đạt tới 22 tỷ USD vào năm 2020 nếu TPP được thông qua. Với con số trên, thị phần của Việt Nam khoảng 20%. Hiện Trung Quốc đang nắm giữ 39% thị phần, nếu Việt Nam tận dụng được các lợi thế của mình, giấc mơ về khả năng chia lại miếng bánh thị phần tại Hoa Kỳ với Trung Quốc là trong tầm tay. Loại bỏ dần các mức thuế cao sẽ là cuộc chơi “được - mất” đối với các ngành công nghiệp trong nước trong việc nâng vị thế cạnh tranh so với các công ty nước ngoài, điều này buộc họ phải làm việc hiệu quả hơn nếu không muốn bị đánh bật ra khỏi cuộc chơi.