Thị trường xuất khẩu tiềm năng
Trong những năm qua, nông, lâm, thuỷ sản Việt Nam đã phát triển với tốc độ khá nhanh với trình độ chế biến được nâng cao, sản phẩm phong phú, được khách hàng nhiều nước tin dùng. Kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2014 của ngành đạt 20,2 tỷ USD (tăng 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái).Các mặt hàng nông lâm thuỷ sản của Việt Nam đã có mặt ở trên 160 quốc gia và vùng lãnh thổ.Trong đó, Nhật Bản là một trong những thị trường đầy tiềm năng đang phát triển mạnh mẽ.
Theo thống kê của Bộ Công thương, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang Nhật Bản 8 tháng đầu năm 2014 đạt 9,74 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều mặt hàng nông lâm thuỷ sản của Việt Nam hiện được người Nhật Bản vô cùng ưa chuộng.
Tuy nhiên, ông Đào Văn Hồ cho biết, hiện nay lượng hàng hoá nông sản của Việt Nam xuất sang Nhật Bản vẫn còn chiếm tỷ trọng thấp so với nhu cầu nhập khẩu thực tế từ phía Nhật Bản. Nguyên nhân là do các rào cản kỹ thuật, hệ thống phân phối đa dạng và sự cạnh tranh gay gắt từ một số quốc gia khác. Hiện tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản giữa Việt Nam và Nhật Bản chỉ chiếm 1,65% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Nhật Bản. Để khắc phục tình trạng này, đôi bên đang cùng nỗ lực nhằm thúc đẩy giao thương, qua đó góp phần phát triển thương mại hai nước.
Đẩy mạnh hợp tác song phương
Trong quá trình phát triển kinh tế nói chung và lĩnh vực nông nghiệp nói riêng, Việt Nam luôn coi trọng sự hợp tác toàn diện của Nhật Bản về thương mại và đầu tư. Những năm qua, Nhật Bản luôn dành nguồn viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, đồng thời hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo cán bộ, cũng như chuyển giao khoa học, công nghệ.
Tại Hội nghị Giao thương Doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản được tổ chức ở Hà Nội vừa qua, các DN Nhật Bản và Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, chế biến, xuất nhập khẩu nông, lâm, thuỷ sản đã trực tiếp trao đổi nhằm tìm hiểu, tiếp cận và tìm kiếm đối tác.
Hầu hết các đơn vị tham gia Hội nghị giao thương lần này đều có lịch sử phát triển lâu đời tại Nhật Bản với các loại sản phẩm máy móc, thiết bị đa dạng. Ông Kennichi Takashima, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất máy móc nông nghiệp Nhật Bản cho biết, sau 75 thành lập, hiện nay, Hiệp hội đã có cơ sở tại Trung Quốc và Thái Lan. Hy vọng trong tương lai sắp tới Hiệp hội sẽ xây dựng nhà máy tại Việt Nam. Ông Shibata, đại diện Công ty sản xuất máy Keibunsya cũng chia sẻ: Công ty mong muốn thông qua việc tiếp xúc, giao thương trực tiếp. Công ty có thể đẩy mạnh việc hợp tác, tiếp tục nghiên cứu, sản xuất ra những loại máy móc phù hợp với thị trường và tình hình sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.
Có thể nói, Nhật Bản là thị trường có sức tiêu thụ cao, nhu cầu nhập khẩu lớn, nhất là về nông lâm thuỷ sản. Bởi vậy, tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực nông nghiệp còn rất lớn. Để thắt chặt hơn nữa sự gắn kết này, đôi bên cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, giao dịch và mua sắm một cách hiệu quả; đồng thời cần đặt ra những chính sách ưu đãi phù hợp giúpdoanh nghiệp hai nước có cơ hội cùng phát triển.
Lâm Hoa