Phát biểu tại hội thảo, bà Palma Costi, Giám đốc Sở Công nghiệp vùng Emilia-Romagna, cho biết hiện kim ngạch xuất khẩu của vùng Emilia-Romagna sang Việt Nam đạt 121 triệu euro, trong đó mặt hàng máy móc chiếm 40% và hiện có 10 doanh nghiệp của Vùng đang đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.
Tuy số liệu này còn khiêm tốn, nhưng tăng trưởng xuất khẩu của Vùng sang Việt Nam đang gia tăng đáng kể, trong đó năm 2013 đã tăng 27% so với năm 2012.
Bà Costi cũng khẳng định vùng Emilia-Romagna chọn Việt Nam là một trong những ưu tiên phát triển quan hệ của Vùng, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong cả trung và dài hạn.
Quan hệ hợp tác giữa vùng Emilia-Romagna với tỉnh Bình Dương đã có những bước phát triển đáng kể trong những năm gần đây, đặc biệt là kể từ 2013 đến nay, hai bên đã trao đổi nhiều chuyến thăm và làm việc giữa lãnh đạo, doanh nghiệp.
Vùng Emilia-Romagna mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác với tỉnh Bình Dương trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, đào tạo và y tế.
Việc vùng Emilia-Romagna chuẩn bị thành lập Phòng Thương mại tại tỉnh Bình Dương sẽ hỗ trợ tốt hơn và thúc đẩy doanh nghiệp của vùng đầu tư, kinh doanh tại Bình Dương, giúp triển khai có hiệu quả các thỏa thuận đã ký kết giữa hai bên.
Bà Costi cũng bày tỏ mong muốn Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp của vùng Emilia-Romagna đã, đang và sẽ đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng.
Bà Laura Barberi, Vụ trưởng chính sách quốc tế và xúc tiến thương mại của Bộ phát triển kinh tế Italy, khẳng định quan hệ hai nước phát triển tích cực gần đây cả về kinh tế, chính trị và các lĩnh vực khác.
Việt Nam là điểm đến của doanh nghiệp châu Âu và Italy, kim ngạch thương mại hai chiều không ngừng tăng và ngày càng nhiều doanh nghiệp Italy đến Việt Nam.
Italy xác định lĩnh vực ưu tiên hợp tác với Việt Nam là tiêu dùng, dệt may và giày da.
Chính phủ Italy đã kêu gọi, khuyến khích nhiều doanh nghiệp chế biến đồ da đầu tư và chuyển giao các dây chuyền chế biến, sản xuất đồ da tại Việt Nam, triển khai hệ thống công nghệ hỗ trợ ngành giày da Việt Nam.
Hiện Italy đang khảo sát để lập trung tâm công nghệ hỗ trợ dệt may của Italy tại Việt Nam, chuẩn bị ký bản ghi nhớ về thành lập trung tâm này để mang những sản phẩm chất lượng cao của Italy đến Việt Nam.
Tại hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Italy, Nguyễn Hoàng Long đã trao đổi các thông tin liên quan đến môi trường đầu tư hợp tác giữa Việt Nam và Italy nói chung cũng như với tỉnh Bình Dương nói riêng.
Đại sứ khẳng định cả Việt Nam và Italy đều bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính gần đây, nhưng đây lại là cơ hội cho cả hai bên vì Italy đang nỗ lực tìm kiếm thêm thị trường mới ở các thị trường mới nổi, trong khi Việt Nam cũng phải thay đổi mô hình phát triển từ phát triển về số lượng sang tập trung vào chất lượng. Do đó, đây chính là điểm tựa để thúc đẩy quan hệ giữa hai bên.
Đại sứ Nguyễn Hoàng Long cũng nhấn mạnh vùng Emilia-Romagna và tỉnh Bình Dương có nhiều tương đồng về sự năng động trong phát triển kinh tế, nên có nhiều điều kiện để tăng cường quan hệ.
Qua thực tế phát triển quan hệ giữa hai vùng trong những năm gần đây, hai vùng cần khởi động và huy động tối đa các cơ chế của cả hệ thống từ trung ương đến địa phương để thúc đẩy quan hệ hợp tác, đưa quan hệ hợp tác giữa hai vùng trở thành hình mẫu trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Italy.
Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, ông Trần Văn Nam nhấn mạnh Bình Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng kinh tế năng động, phát triển nhất Việt Nam, là trung tâm công nghiệp, thương mại, tài chính hàng đầu cả nước với giá trị xuất khẩu của vùng đạt 70 tỷ USD, chiếm gần 40% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Trong năm 2014, Bình Dương thu hút 171 dự án đăng ký mới và 145 dự án điều chỉnh tăng vốn, với tổng số vốn đầu tư là 1,74 tỷ USD.
Bình Dương chú trọng quy hoạch và phát triển đồng bộ, hiện đại cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, đô thị, thông tin viễn thông, điện, cấp thoát nước, môi trường, đặc biệt là kết cấu hạ tầng kỹ thuật, kết nối với trung tâm và vùng kinh tế trọng điểm.
Thời gian tới, Bình Dương chú trọng các lĩnh vực đầu tư có hàm lượng kỹ thuật cao, sản phẩm có sức cạnh tranh mạnh trên thị trường trong và ngoài nước, nhất là hàng điện tử, điện, cơ khí và đặc biệt là ngành công nghiệp phụ trợ.
Tổng Thư ký Liên minh các phòng thương mại vùng Emilia-Romagna, ông Claudio Pasini cho biết buổi hội thảo diễn ra rất thành công, hiệu quả, có nhiều thông tin hữu ích từ cả hai phía.
Trong thời gian gần đây, đã có 200 doanh nghiệp Italy đã tìm đến văn phòng thương mại Việt Nam tại Emilia-Romagna để tìm hiểu thông tin về Việt Nam.
Ông Pasini khẳng định quan hệ giữa vùng Emilia-Romagna với Việt Nam đã bước sang một trang mới với việc thiết lập Văn phòng thương mại của Vùng tại Bình Dương vào tháng Sáu.
Ông Pasini cũng hy vọng sự kiện này sẽ góp phần thúc thiết thực thúc đẩy quan hệ giữa vùng Emilia-Romagna với Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng.
Theo TTXVN