Năm thứ hai liên tiếp, Việt Nam dẫn đầu danh sách nước thu hút lượng vốn FDI mới (greenfield FDI) trong nhóm các thị trường mới nổi. Đó là số liệu vừa được FDI Intelligence – đơn vị trực thuộc tạp chí The Financial Times – công bố sau khi nghiên cứu số liệu về lượng vốn FDI trong năm 2015 ở 14 quốc gia.
Theo đó, Việt Nam ghi được 6,45 điểm. bỏ xa nước xếp thứ hai và thứ ba là Hungary và Romania cũng như các nước trong khu vực là Malaysia và Thái Lan.
Chỉ số này được xây dựng bởi Unctad (Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển, một cơ quan trực thuộc Liên hợp quốc), dựa trên số liệu thống kê về lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và chỉ áp dụng đối với greenfield FDI (tức là trừ đi vốn đầu tư qua các vụ M&A, các khoản vay nội bộ và các dạng đầu tư xuyên biên giới khác).
Theo FT, Việt Nam có được kết quả này là nhờ nhiều năm nỗ lực cải thiện sức hấp dẫn của nền kinh tế trong con mắt nhà đầu tư.
Báo cáo về môi trường đầu tư (Doing Business) mới nhất của Ngân hàng Thế giới cho thấy Việt Nam đã có những cải tiến đáng kể. Các tiêu chí như khả năng tiếp cận nguồn điện, tiếp cận thông tin tín dụng và thanh toán đều tăng hạng, trong khi đó thời gian đăng ký kinh doanh và thuế thu nhập doanh nghiệp đã giảm xuống.
Dẫu vậy, tốc độ dòng vốn đầu tư chảy vào Việt Nam cũng đã chậm lại. Chỉ số của Việt Nam giảm 1,41 so với năm ngoái, mạnh nhất trong 14 nước và tỷ trọng cũng giảm nhẹ từ mức 1,89% xuống còn 1,77%. Số dự án giảm từ 244 của năm 2014 xuống còn 224 dự án.
Tuy nhiên, cùng trong thời gian này, tỷ trọng của kinh tế Việt Nam trên toàn cầu tăng nhẹ từ 0,23% lên 0,24% do GDP anh nghĩa tăng trưởng gần 10% trong năm 2015.
47,8% các dự án FDI mà Việt Nam thu hút được trong năm ngoái thuộc về lĩnh vực chế tạo. Tiếp theo là ngành dịch vụ tài chính và sản xuất linh kiện điện tử.
Đứng thứ hai trong bảng xếp hạng, chỉ số của Hungary tăng 0,65 điểm do lượng vốn FDI tăng 10,7% nhưng GDP lại giảm tới 7,6%.
Trong số 14 nước được thống kê, 10 nước có số điểm lớn hơn 1 và 4 nước có số điểm nhỏ hơn 1. Mức 1 điểm cho thấy tỷ trọng của nền kinh tế nước đó trong kinh tế thế giới phù hợp với lượng vốn FDI mới mà nó thu hút được. Với số điểm 6,45, vốn FDI đổ vào Việt Nam cao gấp hơn 6 lần lượng vốn kỳ vọng dựa trên quy mô nền kinh tế.
Trung Quốc có số điểm thấp nhất (0,41 điểm) và đã ghi nhận năm giảm điểm thứ hai liên tiếp với mức giảm lên tới 0,41 điểm.
Theo Trí thức Trẻ