Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể cung cấp linh kiện cho Samsung, Canon thậm chí cho sản phẩm Iphone 6 (Apple). Ảnh: TL
Có thể cung cấp cho Iphone nhưng…
Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam và bản thân doanh nghiệp của ông hoàn toàn có đủ khả năng cung cấp linh kiện cho các tập đoàn, công ty như Samsung, Canon thậm chí những linh kiện của chiếc Iphone 6.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Tuấn cũng cho biết, việc làm được và cung cấp được cho các doanh nghiệp nước ngoài là khác nhau.
“Doanh nghiệp của tôi và nhiều doanh nghiệp khác có thể cung cấp linh kiện cho Iphone 6 nếu quyết tâm làm nhưng quan trọng là làm thế nào. Nếu cố tình làm, làm chế tác vẫn làm được nhưng nếu bằng cách này chỉ nên đi sản xuất hàng mỹ nghệ thay vì công nghiệp”, ông Nguyễn Anh Tuấn nói.
Theo đó ông Tuấn cho rằng, các doanh nghiệp trên thế giới đầu tư vào việc phát triển công nghệ hiện đại, có trình độ quản trị tốt, sản xuất hàng hóa đạt chuẩn, đạt chất lượng cao, có chế độ tốt cho công nhân, người lao động, không gây ảnh hưởng môi trường…
Cũng theo ông Anh Tuấn, sở dĩ doanh nghiệp vẫn loay hoay chưa làm được những sản phẩm đáp ứng yêu cầu trong chuỗi giá trị toàn cầu không phải do chúng ta kém mà do thiếu sự liên kết với nhau.
“Doanh nghiệp Việt hoàn toàn làm được, các doanh nghiệp cũng phải tự cứu mình thay vì trông chờ chính sách, ưu đãi. Chờ thuế giảm, đất rẻ mới thuê nhà máy,... sẽ không bao giờ chúng ta có được kết quả”, ông Nguyễn Anh Tuấn kết luận.
Việt Nam làm tốt bao bì trước khi nghĩ đến thứ khác
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh lại đặt vấn đề, Việt Nam nên đóng vai trò là người dẫn dắt giá trị toàn cầu hay loay hoay tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu là tốt. Nếu Việt Nam đã cung cấp được vỏ, bao bì cho các tập đoàn lớn, Việt Nam hãy làm tốt việc này thay vì nghĩ đến ốc vít, tai nghe.
Sở dĩ câu chuyện làm bao bì hay ốc vít đặt ra trong bối cảnh thời gian vừa qua đại diện Samsung (Hàn Quốc) cho biết không thể tìm được các nhà cung cấp các sản phẩm linh phụ kiện sản xuất điện thoại tại Việt Nam, những sản phẩm nghe đơn giản như sạc pin, tai nghe.
Tương tự, Canon cũng cho biết dù đã tạo nhiều điều kiện nhưng đến nay các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ cung cấp được các linh kiện đơn giản như hộp carton, thùng đóng sản phẩm mà chưa cung cấp được băng dính để đóng thùng…
Bên cạnh những ý kiến cho rằng doanh nghiệp Việt không đủ mạnh, yếu về công nghệ, kỹ thuật, vốn, trình độ… để có thể trở thành nhà cung ứng cho Samsung, Canon, có ý kiến cho rằng do Samsung, Canon ưu tiên những doanh nghiệp “con” của họ thay vì doanh nghiệp Việt Nam.
Ở một phương diện khác, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể sản xuất được ốc vít cho Samsung nhưng điểm mấu chốt nếu doanh nghiệp Việt sản xuất được ốc vít doanh nghiệp Việt sẽ vẫn chỉ loay hoay, cố gắng tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu thay vì hoàn toàn có thể ở vị trí dẫn dắt giá trị toàn cầu.
Vì vậy, TS Vũ Đình Ánh cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam khi đã làm được bao bì, thùng carton cho các tập đoàn như Samsung, Canon là lợi thế tương đối của Việt Nam doanh nghiệp làm bao bì thật tốt thay vì tìm cách để làm ốc vít.
“Riêng con ốc vít đã rất đau đầu nếu tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu với tư cách ốc vít chúng ta sẽ nằm ở những con ốc thấp nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu”, TS Vũ Đình Ánh nói.
TS Ánh cũng nhắc lại thực tế khiến dư luận băn khoăn suốt thời gian qua vì sao Việt Nam phải nhập khẩu cả cây kim, sở dĩ theo ông Việt Nam hoàn toàn sản xuất được.
“Người Việt không làm được kim không phải không có khả năng làm được. Chỉ cần nhập công nghệ người Việt ấn một nút đơn giản vô cùng có thể tạo ra cây kim nhưng vấn đề chúng ta có làm tốt hơn người khác hay không. Quan trọng là chúng ta dựa trên lợi thế nào để tính làm cái gì, làm như thế nào và bán cho ai”, TS Vũ Đình Ánh khẳng định.
Theo BizLive