Kỳ Liên hoan Kiến trúc Thế giới đầu tiên được tổ chức ở Barcelona (Tây Ban Nha) năm 2008, qua các năm tổ chức, sự kiện này ngày càng thu hút sự quan tâm của giới kiến trúc sư trên khắp thế giới và được coi là một sân chơi lớn, uy tín.
Liên hoan năm 2015 này sẽ được tổ chức ở Singapore trong những ngày đầu tháng 11 tới đây. Vừa qua, danh sách đề cử các công trình ở 30 hạng mục đã được công bố trên trang chủ của liên hoan. Một tin vui là giới kiến trúc Việt Nam có 6 công trình được đề cử ở 5 hạng mục.
Tại liên hoan năm nay có khoảng 200 công trình - dự án kiến trúc được đề cử. Ngoài công trình thắng giải ở từng hạng mục, sẽ có một công trình được trao giải “Công trình Thế giới của năm” - giải thưởng cao quý nhất được trao tại liên hoan.
Cùng chiêm ngưỡng những công trình của Việt Nam được đề cử tại Liên hoan Kiến trúc Thế giới:
Nằm ở thành phố cổ kính Hội An - một điểm đến hấp dẫn của du lịch Việt Nam, nhà cộng đồng Cẩm Thanh nằm ở trung tâm xã Cẩm Thanh - một khu vực có nhiều tiềm năng khai thác du lịch của Hội An.
Nhà cộng đồng Cẩm Thanh được xây dựng lên để là nơi hội họp của người dân với những nhà khoa học, nhà kinh tế, nhà nông nghiệp - những người được mời tới để giúp đỡ người dân xã Cẩm Thanh phát triển du lịch, bảo vệ môi trường và làm kinh tế hiệu quả. Đồng thời, du khách đến Cẩm Thanh có thể coi đây như một điểm dừng chân.
Nhà cộng đồng Cẩm Thanh nằm ở trung tâm xã, được thiết kế để là một công trình đa chức năng, vừa là nơi gặp gỡ, triển lãm, tổ chức sự kiện, vừa là nơi mở thư viện, mở lớp tập huấn - đào tạo, mở căng-tin phục vụ người dân và du khách.
Nhà cộng đồng Cẩm Thanh được xây dựng theo lối kiến trúc của những ngôi nhà cổ Hội An. Ngoài những nhiệm vụ chính, công trình còn có sân chơi cho trẻ em, vườn cây, vườn rau, sân chơi thể thao.
Kết cấu kiến trúc của công trình khá đơn giản, nguyên vật liệu xây dựng chủ yếu lấy từ địa phương. Những hàng cau, giàn nho, mái nhà lợp lá… đưa lại một không gian thực sự thân thiện và mang bản sắc vùng miền.
Ngôi nhà này đã từng không được sử dụng trong suốt 20 năm, bỗng một ngày, chủ nhân muốn về ở lại căn nhà này, nơi bà đã sống những ngày tháng ấu thơ bên cha mẹ. Nhà nằm ở một khu đất khá biệt lập, tĩnh lặng.
Tuy vậy, với một công trình đã có tuổi đời hàng chục năm và còn có 20 năm không hề được quan tâm, chăm sóc, để kết hợp xây dựng nên ngôi nhà mới xinh xắn, đẹp đẽ, từ những gì đã có là cả một thách thức (chủ nhân không muốn hoàn toàn đập bỏ căn nhà).
Cuối cùng, ngôi nhà cũ được giữ lại gần như toàn bộ. Để bảo vệ công trình đã trải qua nhiều nắng mưa, năm tháng này, kiến trúc sư quyết định “bọc” ra ngoài ngôi nhà một lớp chất liệu bảo vệ trong suốt. Chủ nhân ngôi nhà sẽ vẫn thấy những nét xưa cũ của công trình, cả từ bên trong và bên ngoài, mà công trình lại không phải trực tiếp chịu đựng mưa nắng thêm nữa.
Ý tưởng này rất phù hợp với thói quen trồng cây của chủ nhân, đồng thời lại tạo thêm không gian cho gia đình, ngoài không gian của ngôi nhà cũ. Bố cục không gian bên trong ngôi nhà cũ cũng được giữ nguyên. Đối với những công trình kiến trúc xây theo kiểu “cũ - mới” này, xúc cảm đặt vào công trình luôn đưa đến những ý tưởng bất ngờ.
Công trình có cái tên rất đơn giản - Chùa (Pagoda) - được xây dựng ở Nha Trang. Đây là một nơi tu hành giản dị vô cùng, để từ đó làm toát lên sự thanh tịnh, tránh xa mọi “tham, sân, si” trong cuộc đời, để thực sự là một nơi tu hành lý tưởng, trở về với cội rễ của Phật giáo, gợi nhắc hình ảnh Đức Phật giác ngộ chân lý dưới tán bồ đề.
Ý tưởng của công trình là đưa lại một không gian làm việc thân thiện, mang màu sắc thiên nhiên, tạo thành những tầng lớp kiến trúc chuyển đổi từ trong ra ngoài, làm nên những chuyển cảnh nhẹ nhàng, mềm mại cả về cảnh vật, ánh sáng, thời tiết…
Văn phòng này nằm trong một khu công nghiệp, vì vậy, công trình được thiết kế để làm sao lọc được tiếng ồn, mở ra những góc nhìn dễ chịu với cây lá và ánh nắng. Khu vườn nhỏ nằm bên trong công trình khiến người làm việc tại đây sẽ luôn cảm thấy thoải mái khi không gian văn phòng và không gian thiên nhiên nằm gần kề nhau, giao thoa nhau.
Người làm việc ở đây có thể kết nối với thiên nhiên bất cứ lúc nào họ muốn, ngay cả khi đi lại dọc các hành lang trong khu văn phòng. Bất cứ lúc nào bước ra khỏi phòng làm việc, họ cũng có thể nhìn thấy khu vườn nhỏ với cây cối, ánh nắng, mưa gió… thay đổi theo ngày, theo mùa.
Sống giữa TPHCM hiện đại hôm nay, có những người vẫn “nhớ nhung” nếp nhà thị thành của những thập niên trước - một phong cách kiến trúc cổ điển, cũ kỹ, nhưng chưa hề bị lãng quên. Công trình Nhà Sài Gòn thể hiện sự hoài niệm bằng một phong cách kiến trúc “giả cổ”, là tình yêu dành cho một thành phố lãng mạn của mưa và nắng thất thường.
Lấy cảm hứng từ những tổ mối, công trình được thiết kế với một không gian trung tâm phục vụ cho các sinh hoạt chung như nấu nướng, ăn uống, giải trí, tiếp khách. Từ không gian chung này mới tỏa ra các “ngóc ngách” dẫn tới những phòng biệt lập hơn như phòng thờ, phòng ngủ, phòng tắm. Các không gian được kết nối khá nghệ thuật và thoải mái.
Các bức tường được thiết kế với nhiều lỗ hổng được tính toán kỹ để vừa có tường ngăn giữa các khu vực sinh hoạt chung, vừa để người ở phòng này vẫn có thể trò chuyện với người ở phòng khác một cách dễ dàng, bởi tường có lỗ hổng vừa tạo góc nhìn vừa truyền âm thanh.
Tường xây bằng gạch nung lại có nhiều lỗ hổng giúp khí trong nhà luôn được luân chuyển. Ngoài ra, với chất liệu gạch nung, khi cường độ ánh sáng tự nhiên và ánh sáng đèn điện thay đổi, màu gạch cũng như thay đổi theo, tạo nên những vẻ đẹp khác biệt cho công trình. Về tối, cả ngôi nhà trông từ bên ngoài như thể một chiếc đèn lồng khổng lồ.
Bích Ngọc
Theo World Architect Festival/Arch Daily