|
Liệu Việt
Nam có trở thành công xưởng của thế giới là băn khoăn của nhiều
lãnh đạo - Ảnh: Tư Giang
|
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên
Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bày
tỏ mong muốn này: “Một số tổ chức nhận xét Việt Nam có cơ hội trở
thành trung tâm chế biến, chế tạo mới, gợi ý cho chúng tôi cần phải làm rõ
thêm chúng ta có tiền đề gì để hướng đến xu thế phát triển này. Chúng tôi
cũng phải nhận định nhu cầu chuyển dịch trung tâm chế tạo thế giới như thế
nào? Việt Nam có điều kiện chuyển dịch ra sao?”
Ông Nhân đặt ra hàng loạt câu
hỏi tại Hội thảo "Việt Nam trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo
mới của thế giới sau năm 2015” do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối
hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ngân hàng Thế giới
đồng tổ chức tại Hà Nội hôm nay, ngày 24-10.
Ông Nhân đặt tiếp câu hỏi để
thảo luận: “Vấn đề thứ hai cần đặt ra là người ta đi đâu, vì sao họ đến
các nước đó? Nếu việc chuyển dịch có tính tất yếu 20-30 năm, Việt Nam muốn
tham gia thì có điều kiện gì, gặp khó khăn gì?”
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
Nguyễn Văn Bình khẳng định, trong cơ cấu ngành kinh tế của Việt Nam, ngành
công nghiệp chế biến, chế tạo đóng một vai trò quan trọng, tiếp tục là động
lực trụ cột cho tăng trưởng kinh tế.
Từ đầu năm 2012 đến nay, ngành
công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam luôn thu hút được rất nhiều sự
quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài, góp phần không nhỏ thúc đẩy phát
triển một ngành công nghiệp thịnh vượng, bền vững ở nước ta.
Tỷ trọng ngành công nghiệp chế
biến, chế tạo trong tổng vốn đăng ký của cả nước đã tăng đều trong thời
gian vừa qua (năm 2011 chiếm 50%, năm 2012 chiếm 70%, năm 2013 chiếm
76,6%, năm 2014 chiếm 72%). Có tới 80/101 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự
án FDI tại Việt Nam đã đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp này.
Ông Bình nói: “Như vậy, ngành
công nghiệp chế biến chế tạo tại Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế nổi
bật để có thể trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới.”
Theo bà Victoria Kwakwa, Giám
đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Việt Nam “có cơ hội” trở
thành trung tâm chế biến, chế tạo của thế giới. Tỷ trọng vốn FDI đổ vào
lĩnh vực chế biến, chế tạo của Việt Nam trong 10 năm qua tăng nhanh. Tuy tỷ
trọng này còn nhỏ hơn nhiều quốc gia như Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia
song cơ hội với Việt Nam còn rất rộng mở.
“Việt Nam sẽ tiếp tục có lợi thế
để phát triển nhờ vị trí gần chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, lực lượng lao
động dồi dào, lương và chi phí thấp. Việt Nam cũng đang cởi mở thương
mại, hội nhập, ký nhiều FTA... và là quốc giá có tiềm năng thị trường
lớn, tầng lớp trung lưu đang tăng lên”, bà Victoria Kwakwa phát biểu.
Theo Phó Thống đốc NHNN Việt Nam
Nguyễn Kim Anh, Việt Nam đang hội đủ “thiên thời, địa lợi và nhân hòa” để
trở thành trung tâm chế tạo mới của thế giới trong vòng 20 năm tới.
Về “thiên thời”, theo ông Kim
Anh, làn sóng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam và các nước
Đông Nam Á cho thấy Trung Quốc không còn được xem là công xưởng chính của
thế giới.
Có tới 60% doanh nghiệp Nhật
được khảo sát tại diễn đàn “Xúc tiến đầu tư thương mại Việt Nam - Nhật Bản
2015” cho biết sẽ chuyển dòng vốn đầu tư từ các nước châu Á sang Việt Nam
trong năm 2015 và những năm tiếp theo.
Theo công bố của Bộ Tài chính
Hàn Quốc, trong nửa đầu năm 2015, đầu tư của Hàn Quốc vào Trung Quốc đã
giảm đến 32,1%.
Ông Kim Anh phân tích, sự
chuyển dịch nhà máy ra khỏi Trung Quốc là thực tế khách quan khi mà nước
này đã phát triển đến ngưỡng không còn lợi thế nhân công giá rẻ và chi phí
thuê mặt bằng thấp. Bên cạnh đó, kinh tế vĩ mô tiềm ẩn rủi ro, nguy cơ bong
bóng bất động sản và chứng khoán của Trung Quốc càng làm cho xu hướng rút
vốn ra khỏi nước này rõ nét hơn.
Trong khi đó, Việt Nam hiện đã
tham gia nhiều tổ chức kinh tế, diễn đàn quốc tế quan trọng như WTO, ASEAN
(AFTA), ASEAN + 3, ASEM, APEC, các hiệp định thương mại song phương với các
đối tác kinh tế quan trọng như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đặc biệt, Việt Nam
vừa đàm phán thành công để trở thành thành viên Hiệp định Đối tác Xuyên
Thái Bình Dương (TPP), mở ra cơ hội lớn cho kinh tế Việt Nam phát triển,
tạo ra hiệu ứng tích cực đáng kể đối với đầu tư và xuất khẩu của đất nước.
Về yếu tố “địa lợi”, ông Kim
Anh cho rằng, làn sóng đầu tư của nước ngoài chọn Việt Nam như là vùng
trũng để thực hiện đầu tư. Ngay từ khi mới tập trung đầu tư vào Trung Quốc,
các tập đoàn chế tạo nước ngoài đã chọn Việt Nam là địa chỉ sản xuất phụ để
làm dự phòng khi chuyển hướng chiến lược. Trong số đó, phải kể đến các tập
đoàn lớn như Toyota, Honda của Nhật Bản, Ford của Mỹ, Samsung của Hàn
Quốc.
Việt Nam có biên giới với Trung
Quốc, cùng với bờ biển dài, rất dễ dàng cho chuyển dịch công xưởng từ Trung
Quốc sang cũng như hoạt động xuất nhập khẩu với chi phí vận chuyển thấp.
Bên cạnh đó, dân số Việt Nam
hơn 100 triệu người, trong đó 40% là lao động dưới 25 tuổi, chi phí nhân
công chỉ bằng phân nửa so với Trung Quốc, Thái Lan, Malaixia, Philippines.
Lợi thế về nguồn lao động trẻ dồi dào và chi phí nhân công thấp là thế mạnh
vượt trội của Việt Nam so với các nước trong khu vực.
Dân số đông, thu nhập bình quân
hơn 2.200 đô la Mỹ/người và có xu hướng tăng nhanh thời gian tới, nhất là
tầng lớp trung lưu Việt Nam sẽ tăng trưởng gấp đôi, từ 12 triệu năm 2014
tăng lên 33 triệu trong năm 2020 là một lợi thế lớn. Bên cạnh đó, Việt Nam
đang là thị trường bán lẻ đầy tiềm năng được nhiều nhà đầu tư nước ngoài
quan tâm.
Cuối cùng là yếu tố “nhân
hòa”, theo ông Kim Anh nhận xét, là sự quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước
và các địa phương trong việc xây dựng phát triển các khu công nghiệp, khu
kinh tế, thể hiện qua các Nghị quyết của Đảng, các chiến lược phát triển
kinh tế của Chính phủ từ năm 1986 đến nay.
Theo đó, nhất quán quan điểm
phát triển và khẳng định vai trò của khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế
xuất là một trong những nền tảng quan trọng để thực hiện mục tiêu đến năm
2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Việt Nam đã ban hành luật và các
chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài với nhiều ưu đãi, khuyến
khích. Cùng với thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài là các chính sách
khuyến khích đầu tư trong nước.
Tính đến năm 2014, trên cả nước
có 288 khu công nghiệp, thu hút được trên 4.770 dự án FDI với tổng vốn đầu
tư đã đăng ký hơn 70,3 tỉ đô la Mỹ, vốn đầu tư đã thực hiện đạt 36,2 tỉ đô
la Mỹ. Vốn đầu tư tăng thêm hàng năm của các doanh nghiệp FDI chiếm 25%
tổng vốn đầu tư toàn xã hội và tạo ra hơn 60% tổng giá trị kim ngạch xuất
khẩu. Nhiều tập đoàn sản xuất hàng đầu thế giới như Toyota, Samsung, Honda,
... đã và đang kinh doanh thành công tại Việt Nam.
Về dự án đầu tư trong nước, đã
có trên 5.210 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 464.500 tỉ đồng vào các KCN,
với tổng vốn đầu tư thực hiện đạt 250.000 tỉ đồng. Các khu công
nghiệp, khu kinh tế cả nước đã thu hút trên 2,6 triệu lao động cả trực tiếp
và gián tiếp.
|