Nơi duy nhất trồng được phật thủ cũng chỉ có vùng đất Đắc Sở (Hoài Đức, Hà Nội). Giống Phật thủ Đắc Sở do ông Nguyễn Phú Thủy trực tiếp nhập giống trồng từ Yên Bái cách đây hơn một thập kỷ.
Chính vì thế, những gia đình kỹ tính vẫn đặt mua những trái phật thủ rừng tại Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai. Ưu điểm của Phật thủ rừng là quả to, bền và đẹp do lớn trong môi trường tự nhiên, do đó, giá đương nhiên cũng cao hơn. Theo giá cách đây 2 năm, mỗi quả phật thủ mua từ Yên Bái, Lào Cai đã có giá 500.000-700.000 đồng và lên tới tiền triệu khi về đến Hà Nội do công vận chuyển và bảo quản công phu.
Đối với phật thủ trồng, giá của mỗi quả dao động từ 150.000 đồng tới vài triệu đồng, phụ thuộc vào thế quả, độ căng bóng của lớp vỏ ngoài, độ dày và dài của các múi. Một quả phật thủ trở nên đặc biệt quý khi có số ngón đạt trên 20 ngón, ngón cuối cùng phải nằm ở chữ… “Thịnh”, theo cách đếm: “Thịnh – Suy – Vi – Thái”.
Với những khách hàng kỹ tính, quả Phật thủ còn cần hội tụ đủ các yếu tố “âm dương ngũ hành” và mức giá đương nhiên sẽ lên đến vài triệu đồng.
Quả phật thủ này có giá 4 triệu đồng, đã được đặt mua trước Tết vài tháng. Chủ vườn buộc dây, đánh dấu và chăm sóc cẩn thận, chờ ngày giáp Tết khách sẽ xuống hái về.
Quả phật thủ có giá 2 triệu đồng tại vườn nhà anh Thạch (làng Đắc Sở, Hoài Đức, Hà Nội)
Theo kinh nghiệm của chị Thủy, chuyên bán Phật thủ tại Hoàng Quốc Việt (Hà Nội), quả Phật thủ vòng bên ngoài chụm vào, ở giữa xòe ra là dáng được ưa chuộng nhất.
Giá dao động từ 150.000-300.000 đồng/quả. Mức giá này được cho là khá phù hợp khách hàng phổ thông khi giá một quả bưởi hoặc nải chuối đẹp cho mâm ngũ quả cũng lên tới gần 200.000 đồng ngày cận Tết.
Chủ sạp hàng hoa quả trên đường Minh Khai (Hà Nội) cho biết, giá quả phật thủ từ đầu tháng chạp đến 20 Tết chỉ khoảng vài chục nghìn nhưng đến giáp Tết lại đội giá khá cao. Năm ngoái, khoảng 800 quả đặt mua từ Đắc Sở đều được bán hết. Trong ảnh, một khách hàng đang tự tay lựa 4 quả phật thủ từ trong vườn cho ban thờ ngày xuân.
Ngoài ý nghĩa tâm linh, quả phật thủ được ưa chuộng còn bởi phật thủ tỏa ra mùi thơm dịu, đặt lên bàn thờ tỏa hương thơm ngát cả gian phòng.
Một đặc tính khá “ưa” của phật thủ là tươi lâu. Thông thường, phật thủ sau khi rời cành vẫn căng mọng và đầy hương cho tới tận 7-8 tháng sau.
Một lý do khác khiến phật thủ được ưa chuộng bởi công dụng chữa bệnh của loại quả. Sau khi hạ ban, phật thủ được trảy ngâm rượu, Theo Đông y, phật thủ có vị cay, đắng và chua, tính ấm, đi vào hai kinh phế và tỳ, có tác dụng hành khí chỉ thống, hóa đờm, kiện vị, chỉ khái, hỗ trợ tiêu hóa, cầm nôn mửa, chữa ho, giã rượu…
Như vậy, giá phật thủ cao bởi giá trị của loại quả và số lượng hạn chế của loại quả kén đất này. Ngoài ra, phật thủ cũng đòi hỏi công chăm sóc hơn các loại cây cho quả khác do có tính hàn song lại không chịu được lạnh. Chị Thạch, chủ một vườn phật thủ ở Đắc Sở cho biết: “Thời tiết ấm thì chiết cành, sau đó cắm xuống đất để cây bén rễ rồi trồng vào luống. Từ lúc trồng đến lúc ra quả khoảng 6-8 tháng. Năm nay lạnh nên nhiều cây không sai quả bằng năm ngoái”.
Đến nay, 80% số dân tại làng Đắc Sở sống nhờ loại cây này. Diện tích trồng trong làng đã lên tới 20 ha, chưa kể một số người còn sang xã bên cạnh là Yên Sở để khai thác, do quỹ đất ngày càng eo hẹp.
An Hương