Đó là nhận định của Ông Hoàng Quang Phòng - Trưởng ban Ban Hội viên và Đào tạo - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Giải thưởng Chất lượng Quốc gia: Dấu ấn những chặng đường” do báo điện tử Chất lượng Việt Nam tổ chức ngày 11/7 vừa qua.
Theo ông Hoàng Quang Phòng, trước những tồn tại này, là thành viên hội đồng giải thưởng chất lượng quốc gia, VCCI đã tham gia tích cực vào công tác tuyên truyền về giải thưởng, các ấn phẩm truyền thông của VCCI đều đăng tải thông tin về giải thưởng, lãnh đạo VCCI đã trực tiếp thông tin về giải thưởng tới doanh nghiệp, tới các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đề nghị tuyên truyền và động viên doanh nghiệp tích cực và mạnh dạn gửi hồ sơ tham dự thông qua hệ thống gần 500 Hiệp hội, Hội, Câu lạc bộ doanh nghiệp trong cả nước.
Ông Hoàng Quang Phòng - Trưởng ban Ban Hội viên và Đào tạo tại buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Giải thưởng Chất lượng Quốc gia: Dấu ấn những chặng đường”
VCCI cũng đã đề nghị nâng cấp hội đồng sơ tuyển từ cấp sở là Chủ tịch hội đồng lên thành cấp tỉnh, thành (đề nghị lãnh đạo tỉnh, thành trực tiếp là Chủ tịch hội đồng sơ tuyển), đề nghị sở, ngành chuyên môn và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phổ biến động viên doanh nghiệp có sản phẩm chất lượng cao tham gia giải thưởng. Và thực tế có doanh nghiệp ở tỉnh xa trung tâm lớn đã tham gia và đoạt giải thưởng như ở Bạc Liêu.
Ông Hoàng Quang Phòng cho biết thêm, các doanh nghiệp khi tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc gia sẽ được tôn vinh, khen thưởng ở cấp quốc gia do Thủ tướng Chính phủ ký quyết định tặng; Xây dựng được một chuẩn mực trong hoạt động quản lý và trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng và xã hội; Tạo lòng tin với khách hàng, đối tác, cơ quan quản lý nhà nước; Nâng cao uy tín, hình ảnh và thương hiệu của mình trên thị trường; Đồng thời, có thể nhận diện một cách rõ nét những điểm yếu, điểm mạnh để tạo cơ hội cho doanh nghiệp tự hoàn thiện hệ thống quản lý của mình thông qua các yêu cầu của tiêu chí giải thưởng.
Mục tiêu của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm nay là tôn vinh, khen thưởng các doanh nghiệp đạt những thành tích xuất sắc và thành tựu nổi bật trong việc cải tiến, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội. Quá trình đánh giá giải thưởng được tiến hành qua 2 cấp hội đồng: hội đồng sơ tuyển và hội đồng quốc gia. Thành viên Hội đồng là đại diện cho các cơ quan quản lý, tổ chức, cơ quan có uy tín tại địa phương và trung ương, những người am hiểu về lĩnh vực quản lý chất lượng và nắm vững các tiêu chí và yêu cầu của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia. Hội đồng sẽ thành lập các đoàn đánh giá để xem xét, đánh giá hồ sơ và đánh giá tại doanh nghiệp tham dự.
Về vấn đề này, ông Trần Văn Vinh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nhấn mạnh: Giải thưởng không phụ thuộc vào quy mô của doanh nghiệp to hay nhỏ, mà điều quan trọng nhất là doanh nghiệp đó có xứng đáng được trao giải hay không vì theo qui định các yêu cầu, tiêu chí đòi hỏi doanh nghiệp phải đáp ứng là khá cao theo các tiêu chí chung phù hợp với thông lệ quốc tế.
Mặc dù Giải thưởng Chất lượng Quốc gia là phần thưởng cao quý nhất về chất lượng, được luật định nhưng vẫn còn tồn tại hạn chế chủ yếu như: Giải thưởng Chất lượng Quốc gia chưa thực sự cuốn hút sự quan tâm của doanh nghiệp, chưa trở thành một công cụ tác động tích cực, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp là tập đoàn, tổng công ty lớn tham gia còn chưa nhiều.
“Chúng tôi nhận thấy, một trong những nguyên chính của hiện tượng này công tác tuyên truyền, quảng bá về Giải thưởng Chất lượng Quốc gia chưa nhiều, chưa đáp ứng được yêu cầu; chưa huy động sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức trong quá trình triển khai hoạt động Giải thưởng Chất lượng Quốc gia.”, ông Vinh thẳng thắng thừa nhận.
Duy Anh