Triển lãm được tổ chức trong chuỗi hoạt động "Những ngày văn hóa Nga tại Việt Nam 2013" hướng tới kỉ niệm 96 năm Cách mạng tháng Mười Nga và sự kiện Tổng thống Putin sang thăm Việt Nam, góp phần củng cố, tăng cường hơn nữa mối quan hệ giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Liên bang Nga trong thời gian tới.
Triển lãm trưng bày gần 200 hiện vật, trong đó có những bức ảnh về những phụ nữ Nga với các bộ trang phục ở trên khắp đất nước Nga từ thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX cùng với những tác phẩm thủ công tiêu biểu của các vùng miền nước Nga.
Triển lãm "Những người đẹp Nga" dành riêng cho vẻ đẹp của phụ nữ Nga tới từ 158 dân tộc trong trang phục truyền thống. Một người phụ nữ ở vùng trung tâm Nga, tỉnh Moskovskaya đầu thế XX.
Những trang phục dân gian của phụ nữ Nga cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX. Các trang phục này có đặc điểm chung là nhiều lớp do nước Nga nằm ở vùng khí hậu khắc nghiệt. Tùy từng vùng mà trang phục có nhiều điểm khác nhau và vào dịp lễ hội, nghi lễ thường có thêm nhiều bộ trang sức tôn thêm vẻ đẹp của người phụ nữ Nga.
Natalia Petrovna Shabelskaya trong bộ trang phục nữ miền Bắc nước Nga, tỉnh Arkhangelsk.
Những vẻ đẹp của phụ nữ Nga ở các vùng miền khác nhau.
Bên cạnh triển lãm "Những người đẹp Nga" còn có triển lãm "Tâm hồn dân tộc" giới thiệu những sản phẩm thủ công thể hiện sự công phu, tinh tế của các nghề thủ công truyền thống lâu đời ở Nga, tiêu biểu cho văn hóa dân gian Nga.
Các hộp, khay gỗ sơn mài được trang trí rất tinh tế bằng những bức tranh đẹp mắt. Những bức tranh trang trí trên mỗi tác phẩm mô tả về cuộc sống, những câu chuyện văn học, cổ tích, sử thi hay những bài hát. Tất cả đều thể hiện sự khéo léo, tinh tế của những người thợ thủ công Nga.
Búp bê Matryoshka là sản phẩm tiêu biểu cho dân tộc Nga. Đây gồm những búp bê rỗng ruột có kích thước từ lớn đến nhỏ có số lượng từ 3 đến 12 con. Trên thân mỗi một con búp bê có những hình trang trí liên quan tới nhau, có thể ghép thành một bức tranh lớn hay diễn tả lại một câu chuyện hay theo chủ đề.
Đồ gốm Gzhel là loại gốm sứ truyền thống của nước Nga nổi tiếng từ thế kỉ XVIII. Những đồ gốm sứ này không chỉ sử dụng cho mục đích dân dụng mà còn hướng đến tính nghệ thuật trong từng tác phẩm. Trong ảnh là một chiếc đĩa có nắp đậy là hình một cô hầu gái.
Lọ đựng gia vị có hình hai đầu bếp rất thú vị.
Bộ búp bê gỗ "Điệu nhảy Vologda"
Triển lãm thu hút khá nhiều người lớn tuổi từng có thời gian công tác, học tập tại nước Nga tới tham quan.
Các bạn trẻ cũng khá tò mò trước triển lãm về dân tộc Nga. Đây là cơ hội để những người trẻ tiếp cận với những giá trị văn hóa từ nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống của người dân Nga, hiểu sâu hơn về sự sáng tạo nghệ thuật cũng như đời sống tinh thần của nhân dân Nga.
Bác Hoàng Hữu Nguyên, cựu sinh viên ngành Lâm nghiệp từng học ở Nga thời kì 1960 - 1969 đang viết cảm tưởng về buổi triển lãm. Bác chia sẻ: "Những hiện vật tại đây tạo cho tôi cảm giác gần gũi, quen thuộc khi nhớ về thời từng học tập, gắn bó với con người Nga, dân tộc Nga"
Theo Hiền Anh