Thứ nhất, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô theo hướng ngày càng vững chắc để cộng đồng DN yên tâm phát triển sản xuất kinh doanh. Kiểm soát lạm phát; giảm lãi suất; ổn định tỉ giá; đảm bảo cán cân thương mại, dự trữ ngoại hối, giá trị đồng tiền VN ổn định… Đạt mức tăng trưởng kinh tế năm 2014 là 5,8%, các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ có bước phát triển ổn định, bền vững.
Tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; bảo đảm quyền tự do kinh doanh, quyền dân chủ trong kinh tế, DN được kinh doanh tất cả các lĩnh vực mà pháp luật không cấm; thực hiện bình đẳng, công khai, minh bạch trong kinh doanh. Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về môi trường kinh doanh như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Phá sản…
Chính phủ tập trung chỉ đạo cải cách hành chính, đặc biệt là đẩy mạnh cải cáchthủ tục hành chính trong các lĩnh vực đăng ký thành lập DN, thuế, hải quan, tiếp cận đất đai, thanh tra, kiểm tra…
Thứ hai, là hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn, tín dụng, Thủ tướng yêu cầu: Ngân hàng Nhà nước VN chỉ đạo, hướng dẫn các ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi để các DN tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, đồng thời đảm bảo chất lượng tín dụng, cơ cấu lại các khoản vay với lãi suất cao trước đây; Đưa Quỹ phát triển DNNVV thành lập theo Quyết định số 601/QĐ-TTg ngày 17/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ sớm đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả; Phát triển nguồn vốn thông qua thị trường chứng khoán để DN huy động được các nguồn vốn trung, dài hạn cho đầu tư phát triển.
Thứ ba, đối với vấn đề tái cấu trúc DN, Chính phủ tiếp tục ban hành các cơ chế chính sách, tạo mọi điều kiện và thông qua các hiệp hội DN để hỗ trợ cần thiết, đúng pháp luật cho DN. Về phần mình các DN phải chủ động vươn lên, thực hiện tái cơ cấu, tổ chức lại hoạt động sản xuất kinh doanh để hoạt động hiệu quả, có năng suất lao động cao hơn, chi phí thấp hơn, khả năng cạnh tranh lớn hơn; hết sức chú trọng ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị DN, đặc biệt là trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực ngày càng sâu rộng và cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Thứ tư, đối với hỗ trợ tiếp cận thị trường. Tại thị trường trong nước sẽ xây dựng hàng rào kỹ thuật bảo hộ sản xuất trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế. Tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Người VN dùng hàng VN”; các DN, các hiệp hội phối hợp với các cơ quan chức năng, quyết liệt trong hoạt động phòng chống buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng. Chính phủ sẽ làm hết sức để tăng tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng thông qua đầu tư công, tăng tín dụng, tạo thị trường, sức mua cho DN…
Đối với thị trường nước ngoài, Chính phủ tích cực đàm phán các hiệp định thương mại quốc tế để mở rộng thị trường ngoài nước, tạo điều kiện để hàng hóa VN thâm nhập mạnh hơn vào thị trường nước ngoài. Cung cấp thông tin để DN tham gia, tham vấn trong quá trình đàm phán, kí kết, khai thác tối đa những thuận lợi các hiệp định tạo ra.
Đặc biệt, để tạo ra chuyển biến thực sự trong mối quan hệ giữa Chính phủ với DN, Thủ tướng Chính phủ giao cho Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) theo dõi việc thực hiện Kế luận Hội nghị, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết các kiến nghị của DN, định kỳ hằng tháng báo cáo Thủ tướng Chính phủ, hằng quý báo cáo Chính phủ.