Tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mở ra cánh cửa lớn cho các doanh nghiệp Việt có thể thâm nhập vào các thị trường lớn của thế giới như Mỹ, Nhật Bản, New Zealand, Úc,...
Tuy nhiên, Hiệp định cũng sẽ mang lại những thách thức không nhỏ
cho doanh nghiệp, trong đó có tình trạng cạnh tranh gay gắt về nguồn lao động,
một khi các doanh nghiệp FDI ồ ạt tràn vào Việt Nam. Đây vốn lại là
những doanh nghiệp vốn có lợi thế rất lớn về chế độ đãi ngộ và lương
thưởng.
Một ví dụ điển hình là trưởng hợp của Samsung.
Tại Việt Nam, tập đoàn này hiện đang trả lương cho người lao động trung
bình khoảng 11 triệu đồng/tháng, công nhân là 6 triệu đồng/tháng. Mức
lương này cao hơn rất nhiều so với con số khoảng 4 triệu đồng/tháng -
mức lương bình quân của người lao động Việt Nam theo báo cáo thống kê từ
CNN đưa ra hồi đầu năm nay.
Bên cạnh đó, Samsung còn đưa ra rất nhiều chế độ đãi ngộ khác cho
người lao động, mà không phải doanh nghiệp Việt nào cũng có khả năng,
như cung cấp hai bữa miễn phí/ngày, ở trong những căn hộ đầy đủ tiện
nghi...
Đây là một trong những lý do quan trọng giải thích vì sao doanh
nghiệp này luôn được đánh giá là một trong những nơi làm việc lý tưởng
tại Việt Nam.
Mặc dù trả lương lao động cao hơn so với mặt bằng, nhưng lợi nhuận hàng năm của Samsung vẫn ở mức "khủng".
Lãnh đạo Samsung cho biết, năng suất lao động của người Việt Nam
bằng 80% năng suất lao động của người Hàn Quốc. Dù họ trả lương cao hơn
doanh nghiệp nội nhưng họ vẫn thu đươc nhiều lợi nhuận hơn, vì lương trả
cho lao động người Việt chỉ bằng 1/4 của người Hàn Quốc trong khi năng
suất chỉ kém hơn có 20%.
Không chỉ Samsung, mà rất nhiều các doanh nghiệp FDI khác cũng đang
được hưởng lợi rất lớn từ nguồn lao động giá rẻ tại Việt Nam. Do vậy,
để có thể thu hút được nguồn lao động chất lượng cao, doanh nghiệp Viêt,
không còn cách nào khác là cần nâng cao khả năng cạnh tranh của mình.
Trao đổi với phóng viên Bizlive, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp
hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, các doanh nghiệp
Việt Nam nên nghiên cứu khả năng của doanh nghiệp FDI về việc trả lương
cao hơn để tạo ra năng suất lao động cao hơn.
"Đây là con đường tất yếu phải đi. Nếu chủ doanh nghiệp “cò kè” về
tiền lương, về điều kiện lao động và sinh hoạt của công nhân thì làm sao
thu hút được người lao động tự nguyện cống hiến sức lực và trí tuệ của
mình cho doanh nghiệp", ông Mại nhấn mạnh.
Theo đó, người đứng đầu VAFIE cho rằng, tiền lương sẽ được nâng lên
nhanh, đời sống của người lao động sẽ được cải thiện nhanh với tiền đề
là năng suất lao động phải tăng cao hơn tốc độ tiền lương để vừa có lợi
cho người lao động và doanh nghiệp.
Tuy vậy, ông Mại cũng lưu ý, "tôi không bao giờ nhấn mạnh tiếp tục
giữ ưu thế về lao động giá rẻ mà nhấn mạnh ưu thế về tiềm năng của người
lao động trong tiếp thu công nghệ và dịch vụ hiện đại để tạo ra năng
suất lao động cao. Điều đó phụ thuộc vào cả một nền giáo dục của đất
nước, trong đó có giáo dục nghề nghiệp và đại học cũng như về tư duy của
các chủ doanh nghiệp trong việc sử dụng lao động".
Theo kết quả nghiên cứu mới đây từ Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính
sách (VEPR), nếu gia nhập TPP, Việt Nam sẽ là quốc gia có mức thay đổi
GDP lớn nhất tính theo phần trăm; đồng thời cũng là nước đạt mức tăng
phúc lợi kinh tế lớn nhất tính theo tỷ lệ thay đổi.
Nghiên cứu này cho rằng, hầu hết các nước tham gia TPP sẽ tăng phúc
lợi kinh tế. Trong trường hợp hàng rào thuế quan giữa các nước tham gia
hiệp định được gỡ bỏ, cùng với cắt giảm 7% hàng rào phi thuế quan trong
khối, Việt Nam sẽ đạt mức tăng phúc lợi theo phần trăm lớn nhất với
5,4%.
Theo Nhịp sống Kinh doanh