Giá vàng đảo chiều giảm giá trong phiên giao dịch 28/1 do chịu tác động do sự lạc quan của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Sau phiên họp chính sách đầu tiên của năm, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ thuộc Fed (FOMC) cho biết, nền kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục đà tăng trưởng bất chấp bất ổn tại các thị trường khác trên thế giới. Điều này khiến các nhà đầu tư tin rằng, Fed sẽ sớm nâng mức lãi suất trong năm nay.
Giá mở cửa ở thị trường New York là 1.290,20 USD/ounce và giảm dần trong phiên, chốt ở mức 1.283,30 USD/ounce, giảm 8,8 USD (-0,68%). Giá vàng giao tháng 2 trên sàn Comex cũng giảm 5,8 USD/ounce (-0,45%), xuống 1.285,9 USD/ounce.
Việc Fed lạc quan vào nền kinh tế Mỹ khiến vai trò trú ẩn của vàng giảm đi. Ngoài ra, việc Fed đi ngược lại xu hướng chung của các Ngân hàng Trung ương trên thế giới khiến đồng bạc xanh tăng mạnh và gây sức ép trở lại với giá vàng.
Tuy nhiên, đà giảm của giá vàng được hãm lại do nỗi lo Hy Lạp vẫn còn hiện hữu. Giới đầu tư đang theo dõi cuộc gặp của tân Thủ tướng Hy Lạp và các bộ trưởng tài chính Liên minh châu Âu để bàn về các điều khoản gói cứu trợ nước này. Nếu giữa Chính phủ mới của Hy Lạp và các nhà tài trợ có xung đột, nhiều khả năng lĩnh vực ngân hàng của nước này sẽ gặp rủi ro và nhiều khả năng sẽ lây lan ra khu vực.
Bước vào phiên giao dịch hôm nay (29/1) trên thị trường châu Á, giá vàng tiếp tục xu hướng giảm. Đầu phiên, giá vàng giao dịch ở khoảng 1.283,3 USD/ounce, sau đó giảm dần xuống dưới mức 1.280 USD/ounce, thậm chí xuyên qua mốc 1.275 USD/ounce. Tính lúc 16h21 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 8,4 USD (-0,65%), xuống 1.274,93 USD/ounce.
Dù đang chịu áp lực giảm giá, nhưng các chuyên gia đánh giá, vàng sẽ có điểm tựa để tăng trở lại. Ông Howie Lee, nhà phân tích đầu tư tại Phillip Futures cho rằng, trong ngắn hạn, vàng không thể xuống dưới 1.250 USD/ounce do sức mua của Trung Quốc khi nước này bước vào mua mua sắm Tết Âm lịch.
Tại thị trường trong nước, giá vàng cũng giảm theo đà giảm của giá vàng thế giới. Đầu giờ sáng nay, giá vàng SJC niêm yết giá vàng mua vào - bán ra ở mức 35,34 - 35,44 triệu đồng/lượng, giảm 20.000 ở cả hai chiều so với chiều qua. Về cuối ngày, giá vàng SJC giảm thêm 30.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng, xuống 35,31 - 35,41 triệu đồng/lượng. Giá vàng PNJ-DAB của Vàng bạc đá quý Phú Nhuận chốt ngày cũng giảm 50.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng, xuống 33,77 - 34,12 triệu đồng/lượng. Vàng miếng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Mình Châu thậm chí còn giảm mạnh hơn khi mất 90.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều so với đầu giờ sáng, xuống 32,94 - 33,39 triệu đồng/lượng vào cuối ngày.
Trên thị trường ngoại hối, dù trên thị trường quốc tế, đồng USD tăng giá so với phần lớn các đồng tiền khác do đánh giá lạc quan của Fed về triển vọng kinh tế Mỹ và khả năng Fed tăng lãi suất trong năm nay, nhưng nhưng trong nước, giá USD không có nhiều thay đổi.
Tỷ giá USD ngân hàng do Vietcombank niêm yết ở mức 21.320 - 21.380 đồng/USD (mua vào - bán ra), không đổi so với ngày 28/1. Trong khi trên thị trường tự do, tỷ giá USD cũng gần như không đổi, đứng ở mức 21.395 - 21.400 đồng/USD ở chiều mua vào và 21.410 - 21.415 đồng/USD ở chiều bán ra.