Vai trò Doanh nhân trẻ Việt Nam trong phát triển kinh tế và hội nhập

Để ghi nhận vai trò của doanh nhân trẻ Việt Nam tiêu biểu và đặc biệt là các doanh nhân Sao Đỏ 2014 trong phát triển kinh tế và hội nhập, vào lúc 9h30 sáng nay (8/9/2014), tại Hà Nội, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Vai trò Doanh nhân trẻ Việt Nam trong phát triển kinh tế và hội nhập”.
Đúng 9h30, buổi tọa đàm bắt đầu.

Tới dự buổi Tọa đàm có ông Bùi Văn Quân - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam; ông Đàm Quang Thắng - Tổng giám đốc Agricare Việt Nam; ông Chu Đức Lượng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Mỹ; Bà Đoàn Thu Nga - Giám đốc Công ty Luật TNHH Lawpro.

- Các anh/chị bình luận thế nào về khẩu hiệu hành động của Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam lần thứ V: “Tiên phong đổi mới – vững vàng hội nhập”?

Ông Bùi Văn Quân - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam
  Anh Bùi Văn Quân - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam: Để có được khẩu hiệu “Tiên phong đổi mới – vững vàng hội nhập”, Hội đã phải phát động một cuộc thi trước Đại hội 3 tháng và rất nhiều anh chị đã gửi ý tưởng về cho BTC. Sau đó BTC tổng hợp và đưa ra 5 khẩu hiệu bỏ phiếu kín. Và khẩu hiệu này đã được số phiếu cao nhất. Tác giả của khẩu hiệu này chính là anh Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT Công ty CP ôtô Trường Hải.

Chúng tôi nghĩ DN các nước trên thế giới đã phát triển rất lâu còn với Việt Nam thì hoàn toàn mới mẻ. Do vậy, để chúng ta phát triển được thì bắt buộc phải có nhiều đổi mới. Chúng tôi nghĩ DN trẻ phải là người tiên phong trong quá trình đổi mới này. Tuy nhiên, nếu đổi mới mà không vững vàng, không bền vững thì sẽ khó phát triển được.

Anh Đàm Quang Thắng – Tổng giám đốc Agricare Việt Nam: Tôi đánh giá cao khẩu hiệu của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam lần thứ V đưa ra. Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tôi thấy rõ giá trị về vai trò và ý nghĩa của khẩu hiệu này. Trên thực tế, lĩnh vực nông nghiệp đang được nhà nước hỗ trợ rất nhiều. Trong thời kỳ hội nhập, lĩnh vực nông nghiệp cũng cần phải đổi mới rất nhiều cả về công nghệ và sản xuất. Bản thân doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, chúng tôi luôn trăn trở làm sao để đổi mới được nền nông nghiệp Việt Nam.


Anh Đàm Quang Thắng – Tổng giám đốc Agricare Việt Nam

Đổi mới để phát triển hội nhập nhiều hơn nữa là xu hướng không thể tránh khỏi. Với thực trạng hiện nay thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam chưa được biết đến nhiều. Vì thế đang đặt ra cho các doanh nghiệp trẻ những cơ hội và thách thức trong quá trình hội nhập quốc tế.

Bản thân tôi khi đọc câu khẩu hiệu này cảm thấy rất tâm đắc, vừa có giá trị cao kinh tế và kinh doanh đối với các ngành nghề nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng.

Chị Đoàn Thu Nga – Giám đốc Công ty Luật TNHH Lawpro:

Công ty của tôi có cơ hội được tiếp xúc và tư vấn cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nên chúng tôi thấu hiểu vấn đề hội nhập và cảm nhận sâu sắc ý nghĩa của khẩu hiệu hành động của Hội DNT Việt Nam: “Tiên phong đổi mới – vững vàng hội nhập”. Tôi cho rằng, đối với nền kinh tế, DN đóng vai trò lực lượng nòng nốt, then chốt. DN phải đổi mới thì nền kinh tế mới thay đổi, phát triển được. Đặc biệt, thế hệ DN trẻ sẽ là lực lượng tiên phong trong việc đổi mới sáng tạo đó, để tạo đà cho nền kinh tế phát triển, kéo theo cả nền kinh tế phát triển theo. Theo tôi, đây là khẩu hiệu, tiêu chí lớn.

Chị Đoàn Thu Nga – Giám đốc Công ty Luật TNHH Lawpro
Chính phủ đã và đang phải đàm phán với các quốc gia để Việt Nam có thể hội nhập kinh tế sâu và rộng theo những lộ trình nhất định. Chúng ta đang sống trong môt thế giới phẳng, việc kinh doanh không thể tính đến biên giới, địa lý. Đặc biệt 2015 tới, mọi rào cản, cửa mở đều mở rộng, nới rộng các cuộc đàm phán. DN của chúng ta đã định hướng chắc chắn sẽ hội nhập. Nếu chúng ta bị động, chúng ta sẽ không thể có bước tiến để sáng tạo được. Để vững vàng chắc chắn chúng ta phải chủ động. 

Quảng cáo

DN trẻ như chúng tôi vô cùng thấu hiểu vai trò và ý nghĩa của khẩu hiệu này. Tôi nghĩ, cần phải truyền thông mạnh để cộng đồng DN trẻ chủ động về thị trường, thách thức, cơ hội kinh doanh. Chúng ta phải là người đi tiên phong hàng đầu sáng tạo, qua đó đóng góp thêm động lực mạnh mẽ để phát triển nền kinh tế nước nhà.



Ông Chu Đức Lượng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Cty CP Tập đoàn Phú Mỹ 
Anh Chu Đức Lượng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Cty CP Tập đoàn Phú Mỹ: Thế nào là đổi mới, thế nào vững vàng: ở góc nhìn của doanh nhân thì rất dễ dàng. Đổi mới nó rất đơn giản vì thế chúng ta đừng nghĩ nó là cái gì đó viển vông. Chúng ta nên nghĩ đổi mới một cách đơn giản ở những việc chúng ta đang làm. Bây giờ chúng ta có công nghệ nên chúng ta muốn mua một cái gì đó thì đơn giản chỉ cần online là mua được. Năng suất lao động phát triển nhờ công nghệ vì thế chúng ta đừng nghĩ những người đi trước đã lấy hết những ý tưởng của người đi sau. Chúng ta phải có cách làm của mình.

- Doanh nhân trẻ, doanh nhân thế hệ 3.0 đã và đang ngày càng mạnh mẽ. Ở góc độ "người trong cuộc", các anh, chị nhận xét gì về thế hệ doanh nhân trẻ hiện nay?

Anh Bùi Văn Quân: Nói về DN trẻ thì tuổi phải từ 45 trở lại, quá 45 chúng tôi không gọi là doanh nhân trẻ. Sau khi phân tích, bản thân chúng tôi cho rằng cần thành lập hội của những người trẻ tuổi chứ không phải doanh nghiệp trẻ để đi sâu hơn vào các thế hệ doanh nhân trẻ. Theo tôi, một doanh nhân trẻ phải là người năng động, tiên phong, mạnh mẽ và phải là người dám chấp nhận những rủi ro.


Anh Đàm Quang Thắng: Nếu chiểu theo định nghĩa về thế hệ 1.0, 2.0, 3.0 thì lớp doanh nhân như chúng tôi thuộc thế hệ 2.0. So sánh với thế hệ 3.0 tôi thấy có sự khác biệt khá xa. Sự cách biệt được thể hiện đó là: các bạn doanh nhân trẻ 3.0 là những người dám nghĩ, dám làm; hành trang vào đời của các bạn được trang bị đầy đủ, chu đáo, cẩn thận; được học tất cả những cái gì mà chúng tôi đã trải qua, được gặp gỡ giao lưu và chia sẻ thực tế với các doanh nhân của thế hệ đi trước. Nếu các bạn biết tận dụng những ưu thế đó, trang bị và trau dồi những kỹ năng mềm thì các bạn sẽ giỏi hơn chúng tôi rất nhiều. 

Anh Chu Đức Lượng: Năng lực của một DN để hội nhập quốc tế đó là năng lực của người lãnh đạo DN. So với quy mô doanh nghiệp thế giới thì DN của ta còn quá bé. DN hàng trăm năm của thế giới cũng có thể ra đi. Chúng ta nên hội nhập một cách tự tin với năng lực của mình.

- Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến giới doanh nghiệp: Nộp thuế tốt được thưởng, xuất khẩu thành tích tốt cũng được thưởng, rồi còn có giải thưởng Sao Đỏ, Sao Vàng Đất Việt, Tài năng trẻ kinh doanh giỏi…, đặc biệt ngày 13/10/2004, Ngày Doanh nhân Việt Nam đã chính thức ra đời. Xin hỏi, việc có thêm Ngày Doanh nhân Việt Nam có ý nghĩa như thế nào, thưa các anh/chị?

Chị Đoàn Thu Nga: Trong vấn đề này, tôi nghĩ đây là một điểm mốc mang tính bước ngoặt. Việc doanh nghiệp - doanh nhân được ghi nhận trong Hiến pháp là một khẳng định cao nhất về quyền, vị trí trong xã hội của doanh nghiệp, doanh nhân.

Tôi cho rằng đây là ghi nhận lớn đối với cộng đồng doanh nhân nói chung. Đây không chỉ là động lực mà còn là trách nhiệm đặt lên vai các anh chị em doanh nhân. Như tôi đã nói trước đó, nền kinh tế phụ thuộc vào sự phát triển của DN. Doanh nghiệp không thể nói chung chung, mà bản chất cối lõi là con người, là doanh nhân điều hành đơn vị đó. 

Việc doanh nhân được ghi nhận trong cộng đồng chung là bước ngoặt quan trọng, là sự ghi nhận cao nhất về vai trò của doanh nhân từ trước tới nay, để doanh nhân nhìn vào đó thấy động lực để thúc đẩy nền kinh tế phát triển và vững vàng trong hội nhập.



- Trong bản tham luận gửi đến Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam vừa diễn ra, Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương Trần Đình Thiên đã chỉ ra 6 yếu tố còn thiếu của doanh nghiệp Việt Nam như: thiếu nền tảng tri thức, thiếu năng lực, thiếu tầm nhìn, chiến lược… Nếu tiếp tục như trên, doanh nghiệp Việt Nam khó có thể tiến xa trong cuộc đua tranh phát triển toàn cầu. Các ông nghĩ sao về vấn đề này?

Anh Chu Đức Lượng:  Tôi nghĩ đường lối và chủ trương phụ thuộc vào mỗi con người. Con người trên thế giới cũng như con người ở Việt Nam đều phải có những chủ trương. Doanh nhân VN thì phải đi theo con đường của Việt Nam. Mỗi người đều phải có một hòai bão, một ước mơ. Ví dụ: Người Hàn Quốc có ước mơ xuất khẩu kim chi đi khắp thế giới.

Chị Đoàn Thu Nga: Trước 6 yếu tố đưa ra, tôi cho rằng ông Trần Đình Thiên đánh giá có ý đúng, nhưng cá nhân tôi cho rằng chưa đúng hoàn toàn bởi trên thực tế, người Việt Nam chúng ta rất giỏi. Nếu nhìn nhận tại các cuộc thi quốc tế, cá nhân người Việt Nam được đánh giá rất cao. Cá nhân người doanh nhân vận hành doanh nghiệp thì ai cũng có tầm nhìn và năng lực. Theo tôi, mấu chốt ở đây chính là chúng ta đang thiếu sự đồng bộ, sự phù hợp trong cả thệ thống lớn (thể chế quản lý nhà nước), và hệ thống nhỏ (sự đồng bộ trong doanh nghiệp). 

Trung Quốc có thể trở thành công xưởng của thế giới như hiện nay bởi doanh nghiệp được miễn thuế đầu ra, đầu vào,… nên giá đầu ra luôn thấp khiến cho các DN nước khác không thể cạnh tranh được. Còn việc DN Việt Nam nói chung, DNNVV nói riêng được hỗ trợ, tạo điều kiện như thế nào và việc tiếp cận nó lại rất khó. 

Đối với nội bộ DN, để tập hợp được những đội ngũ cộng sự giỏi, thực hiện mục tiêu và chương trình hành động của DN, để đảm bảo được chiến lược, biến tầm nhìn của lãnh đạo thành hiện thực, thành gã khổng lồ thì lại là thách thức lớn. Tôi cho rằng, Việt Nam đang thiếu tính kiên nhẫn, ổn định. Mỗi một anh/chị giỏi đến một tầm nào đấy sẽ muốn bay cao, bay xa, muốn tạo lập một cái riêng. Việt Nam thiếu tính tập đoàn, liên kết ở chỗ đó. Đây là trăn trở rất lớn không chỉ riêng tôi mà còn là của rất nhiều anh/chị doanh nhân khác. Việc để có được cả một hệ thống, ê kíp có thể làm điểm tựa, mang tính cạnh tranh cao là cả một thách thức.
Các bạn sinh viên trong các câu lạc bộ khởi nghiệp giao lưu cùng khách mời

Anh Đàm Quang Thắng: Theo tôi, đánh giá của anh Trần Đình Thiên về cơ bản đúng, nhưng vẫn phải nhìn nhận và trao đổi thêm. Tôi không đồng ý việc anh Thiên nói chúng ta thiếu nền tảng trí thức. Tôi cho rằng con người Việt Nam rất giỏi, có rất nhiều người giữ những vị trí chủ chốt ở các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới và được đánh giá cao. 

Về năng lực, theo tôi phụ thuộc rất nhiều vào hỗ trợ nhà nước. Doanh nghiệp của tôi hoạt động tới bây giờ chưa nhận được sự hỗ trợ nào từ Nhà nước trong chính sách đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Con người chúng tôi có, kỹ thuật chúng tôi có nhưng thiếu hỗ trợ đồng bộ, thành ra có lúc chúng tôi bị thất bại ngay trên sân nhà, cũng bị chèn ép của các tập đoàn đa quốc gia.

Về tầm nhìn, chúng tôi không ngại và không sợ, nhưng để làm được thì phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Cái cần nhất là Nhà nước, Chính phủ cần có cái nhìn tổng thể khái quát hơn về thực trạng của doanh nghiệp, để làm sao doanh nghiệp Việt Nam có sân chơi tốt nhất trên sân nhà.

- Bạn Bùi Thái Sơn Hùng - Email: [email protected] - Mobile: 0945.778.419 hỏi: Các doanh nhân trẻ nghĩ như thế nào khi đã bao nhiêu năm phát triển, đất nước ta vẫn căn bản "xuất thô nhập tinh" trên hầu hết các mặt hàng kể cả những sản phẩm là ưu thế sẵn có của chúng ta? Các vị có suy nghĩ và hướng giải pháp như thế nào về chuyện này?

Anh Đàm Quang Thắng: Đây là một câu hỏi và mang tầm chiến lược từ Chính phủ. Nhưng dưới góc nhìn của doanh nghiệp, chúng tôi cũng luôn trăn trở làm sao để phát triển bền vững nền nông nghiệp Việt Nam, làm sao để áp dụng công nghệ nước ngoài vào phát triển sản phẩm nông nghiệp. 

Anh Bùi Văn Quân: Đất nước Việt Nam trong vòng hơn chục năm nay đã phát triển, đời sống nhân dân ngày càng cải thiện. Giờ đây chúng ta không còn khái niệm đủ ăn mà là ăn ngon. Một số thành phố như Đà Nẵng, Sài Gòn, Nha Trang, Hà Nội đã thay đổi, tốc độ phát triển nhanh. Tôi nghĩ, mỗi một người có một góc nhìn khác nhau nhưng nếu bảo chúng ta chưa phát triển thì cái nhìn đó chưa toàn diện.


Anh Chu Đức Lượng: Tất cả những bài toán bán tinh hay bán thô thì chúng ta nên nghĩ là phải bán thế nào cho nó hiệu quả. Chứ chúng ta đừng vẽ một bức tranh đẹp mà không có một ai mua. 

- Bạn Lê Bích Thùy: Em được biết lựa chọn ban đầu của chị từ khi còn trên ghế nhà trường không phải nghề luật, vậy cơ duyên nào đã đưa chị đến với nghề này?

Chị Đoàn Thu Nga: Gia đình tôi là gia đình nhà giáo, nên ngay từ nhỏ, tôi đã luôn mơ ước trở thành nhà giáo. Năm 1996, tôi phải đứng giữa lựa chọn phải trở thành sinh viên luật hay sư phạm. Chính vì muốn được thay đổi, muốn được làm khác đi, tôi đã lựa chọn ngành luật. Trong quá trình là sinh viên học luật, tôi chỉ nghỉ là những người học luật chỉ được làm công việc trong ngành tòa án. Sau khi ra trường, tôi hiểu rằng lựa chọn của tôi không bao giờ được trở thành người trong ngành tòa án. Đây là là cơ duyên để tôi trở thành lãnh đạo Cty TNHH Luật Lawpro như hiện nay.

Trước khi trở thành lãnh đạo công ty luật, tôi đã có 2 năm trải nghiệm ở Bộ Tư pháp, rồi hoạt động cung cấp văn bản luật ở Văn phòng Quốc hội, báo điện tử Vietnamnet. Đây là cả một hành trình đam mê và có chiến lược của tôi. Tất cả các giai đoạn này đã tạo lập kinh nghiệm cho tôi khi tạo lập doanh nghiệp như hiện nay. 

- Bạn Tường An: Hiện nay nhiều bạn sinh viên bỏ học hoặc học nửa chừng để khởi nghiệp, và có nhiều trường hợp đã thành công. Vậy có nên tiếp tục hoàn thành học để theo đuổi bằng cấp hay ra khởi nghiệp để học từ trường đời rồi tiếp tục học sau?


Anh Chu Đức Lượng: Bằng đại học hay không bằng đại học thì quan trọng nhất là bạn học được cái gì trong đầu. Bill Gate đã bỏ học giữa chừng nhưng ông vẫn thành công bởi vì ông ấy quá giỏi. Cái  quan trọng nhất vẫn là chính bạn, bạn sẽ làm gì cho tương lai của mình.

Chị Đoàn Thu Nga: Tôi được biết, việc các bạn sinh viên hiện nay mong muốn có thể bỏ giữa chừng để khởi nghiệp bởi vì các bạn hiện được tiếp cận thông tin quá nhiều, quá mạnh mẽ. Các bạn thường lấy dẫn chứng Bill Gate không học đại học mà vẫn thành công, vẫn trở thành "gã khổng lồ" trong lĩnh vực công nghệ. Tôi cho rằng, việc chúng ta tự đánh giá được năng lực bản thân, sức khỏe và đam mê là quá lớn. Đôi khi, chúng ta đặt tiêu chí chúng ta phải thành công, phải trở thành một gã khổng lồ mà quên mất mình là ai, có đủ năng lực, sức khỏe, có thể làm được không. 

Theo tôi, bất kể thời điểm nào các bạn cảm thấy đủ tự tin, đủ năng lực để có thể triển khai ý tưởng thành công thì hãy làm ngay, chứ đừng chờ đợi lúc ra trường, đủ bằng cấp mới làm, sẽ tuột đi mất cơ hội. Tuy nhiên, giữa kiến thức và tri thức, chúng ta phải tự đặt câu hỏi với năng lực cá nhân, nếu chưa đủ điều kiện chín muồn để làm được điều đó, các bạn nên thận trọng. Các bạn phải biết cần trang bị cho mình những gì cần thiết và cần theo đuổi mục tiêu lớn. Nếu đã đủ, có thể làm. 

Tôi cũng biết chúng ta vẫn có những khó khăn và cản trở trong trường học. Công ty tôi chỉ lấy sinh viên luật có tố chốt và tư duy, sau đó đào tạo từ đầu. Do vậy, cuộc đời có thể có 2 cách để nhận bài học: Có những người luôn lắng nghe, hiểu và thay đổi; nhưng cũng có những người thích trải nghiệm, cứ lao đầu vào, vấp ngã, sau đó sửa đổi. Tôi cho rằng, cách nào cũng được, miễn là các bạn cảm nhận được đâu là con đường thành công để các bạn đi.


Anh Bùi Văn Quân: Có người hỏi tôi là là em bỏ học đại học có được không? Bản thân tôi cũng là người bỏ Đại học năm thứ 3. Thực tế, nhà nước đã sinh ra các trường nên các bạn đừng nghĩ là thừa. Các bạn lúc trẻ cần phải học, lúc nhiều tuổi học sẽ khó vào. Khi có cớ hội các bạn hãy bứt phá.

Anh Đàm Quang Thắng: Xuất phát từ kinh nghiệm của bản thân, tôi cho rằng bạn An đang nhầm ở hai khái niệm tri thức bằng cấp và tri thức cho cá nhân. Ở mỗi ngành nghề kinh doanh đều cần có những kiến thức khác nhau. Trong kinh doanh cũng có nhiều loại hình rất nhiều và có những loại hình kinh doanh không phải học bằng cấp. 

Kinh doanh là cơ hội mà cơ hội thì không phải lúc nào cũng có. Tôi không khuyên các bạn bỏ học đi kinh doanh nhưng nếu có cơ hội thì hãy nắm bắt. Bạn cũng không cần quá chú trọng học bằng được bằng cấp nhưng phải luôn trau dồi kiến thức, kỹ năng cho bản thân. Ngay như bản thân tôi vẫn luôn phải học. Đến một giai đoạn nào đó bạn cũng như tôi, cũng có nhu cầu đòi hỏi phải học nhiều hơn nữa, nếu mình thấy đam mê để phát triển.

Bạn Nguyễn Trọng Hậu – Chủ nhiệm CLB 3T: Khởi nghiệp có bằng hay không có bằng không quan trọng. Theo em cần có định hướng đúng đam mê, làm ở lĩnh vực nào, ý tưởng nào khả thi nhất thì mới có thể làm được.

Bạn Đức Mạnh: Kinh nghiệm quản lý nhân sự cần có kỹ năng gì, thưa các anh, chị?

Anh Đàm Quang Thắng: Hiện nay tôi đang sử dụng lao động được xem là tốt nhất trong lĩnh vực của tôi.  Nếu các bạn hoạt động theo mô hình góp vốn thì điều bền vững nhất là việc miếng bánh phải rõ ràng ngay từ đầu. Tôi thường hay nói đùa, có 4 phép tính thì 3 phép chia là khó nhất.
Nếu bạn làm chủ và thuê nhân công, phải tính đến việc hài hòa lợi ích với người lao động vì rõ ràng người chủ sử dụng lao động đều muốn trả lương thấp, chất lượng lao động cao...., còn người lao động lại mong muốn lương cao và được hưởng các lợi ích tốt nhất về chế độ bảo hiểm xã hội.... Nếu giải quyết được vấn đề này thì doanh nghiệp mới phát triển được. Vấn đề quản lý nhân sự là rất lớn. Nếu bạn quan tâm có thể qua công ty tôi, tôi chia sẻ cụ thể với bạn. 

- Anh chị có thể chia sẻ phương hướng hoạt động vai trò đỡ đầu trong hoạt động Khởi nghiệp?


Anh Bùi Văn Quân: Các bạn qua văn phòng ở Hội DN trẻ VN chúng tôi sẽ chia sẻ cho các bạn tất cả những thắc mắc như: Bạn cần gì để khởi nghiệp, chương trình đào tạo khởi nghiệp…Tôi nghĩ, sự chân thành, nhiệt tình và sẵn sàng cho nhân viên hưởng những gì nhiều hơn họ nghĩ thì chắc chắn họ sẽ gắn bó với mình.

Ông Phạm Ngọc Tuấn - Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp: Có một chương trình các bạn trẻ có thể tham gia. Đó là Chương trình Khởi nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khởi xướng, chủ trì. Chương trình đã bước sang năm thứ 12 và được sự bảo trợ, phối hợp triển khai của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục – Đào tạo và các địa phương trên cả nước. 

Chương trình là chuỗi các hoạt động tổng thể hỗ trợ khởi nghiệp, bao gồm xây dựng nhận thức kinh doanh, đào tạo kỹ năng khởi nghiệp, cuộc thi khởi nghiệp, tư vấn và kết nối đầu tư... Chương trình nhằm tạo cơ hội phát huy sức sáng tạo, ý chí tự lập, bản lĩnh kinh doanh... trong tầng lớp thanh niên, sinh viên. Đến nay, đã có hơn 2.300 dự án tham gia chương trình và hàng chục vạn lượt các bạn thanh niên – sinh viên trong và ngoài nước tham gia các hoạt động khác của chương trình.
Các bạn có thể tìm hiểu thông tin tại www.khoinghiep.org.vn.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang soạn thảo Luật hỗ trợ DNVVV. Điều này có ý nghĩa thế nào với các doanh nghiệp khởi nghiệp? Điều các anh chị đặc biệt quan tâm là gì?

Anh Chu Đức Lượng: Theo quan điểm của tôi, doanh nghiệp muốn nhà nước quan tâm thì phải đúng đối tượng và tiếp cận chính sách một cách nhanh chóng, tránh một chính sách hỗ trợ chỉ là trên lý thuyết, không áp dụng vào thực tiễn. Chúng ta cần phải có những chính sách thật thiết thực với cuộc sống. Quá trình tiếp xúc những chính sách này rất khó khăn nên cần có định hướng sớm và kịp thời, đó là cái mà doanh nhân mong muốn.

Anh Đàm Quang Thắng: Hiện nay, tôi cho rằng môi trường kinh doanh Việt Nam đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các chính sách nhiều khi còn hạn chế từ khâu ra Luật tới việc ban hành các Thông tư để thực hiện. Đối với các DNNVV như chúng tôi cần có môi trường kinh doanh ổn định, thống nhất chuẩn từ trên xuống dưới để doanh nghiệp thực hiện. 

Khi có Luật hỗ trợ DNNVV, mong muốn lớn nhất của tôi là khi soạn thảo rồi phải có sự công bố minh bạch công khai, có hệ thống và thông báo rộng rãi tới tất cả các doanh nghiệp. Chúng tôi hay nói vui là những thông tin bây giờ đang ưu ái cho các doanh nghiệp lớn hơn. Các DNNVV tiếp cận còn rất hạn chế.

Chị Đoàn Thu Nga: Cá nhân tôi là một người làm vai trò cầu nối đưa văn bản nhà nước tới các DN. Tôi cho rằng không nhất thiết phải xây dựng Luật hỗ trợ DNVVV mà nên đưa ra một chương trình hành động cụ thể, những chính sách họ được hưởng là gì? Hỗ trợ vốn vốn như thế nào? Áp dụng thu thế như thế nào? BHXH có được giảm không?... và hãy tiến hành làm luôn để doanh nghiệp trực tiếp được hỗ trợ từ phía cơ quan nhà nước. 

Hiện nay, doanh nghiệp đang có 2 gánh nặng đó là thuế và chính sách xã hội. Nặng nhất là bảo hiểm xã hội, chiếm 32% lương cơ bản. Không cần biết DN kinh doanh lỗ lãi thế nào, nhưng hàng tháng, chúng tôi đều phải chi tiền cho những khoản này.

-  Các cánh cửa hội nhập như: FTA, TPP... đang dần mở rộng. Các anh chị đã nhận ra thách thức và cơ hội của những "cánh cửa" này?

Anh Chu Đức Lượng: Một số chính sách của chúng ta đi ngược với WTO. Tất cả các chính sách đều phải đi trước khi chúng ta tham gia hội nhập. Khi chúng ta gia nhập ASEAN thì đó cũng là thách thức của mỗi doanh nghiệp khi tham gia hội nhập. Chúng ta nên sửa những cái chính thức, tránh sửa chữa đi theo kiểu vòng vèo. Điều đó sẽ làm mất uy tín của chúng ta nói chung và uy tín của doanh nghiệp nói riêng. Để có một doanh nghiệp phát triển bền vững, chúng ta có 3 trụ cột chính: Sản phẩm cốt lõi của doanh nghiệp; Tiềm lực con người và tài chính; Mặt bằng đất đai…

Anh Đàm Quang Thắng: Chúng tôi có tới 1.000 lý do đang được tập hợp lại kiến nghị. Thực tế, việc gia nhập TPP thiệt thòi nhất vẫn là lĩnh vực nông nghiệp. Nhưng chúng ta không thể không gia nhập, các doanh nghiệp Việt phải hội nhập quốc tế, thị trường Việt phải đưa thương hiệu Việt vươn ra thế giới. 

Bản thân tôi lúc nào cũng ủng hộ việc tham gia các hiệp định thương mại. Khi gia nhập TPP doanh nghiệp chúng tôi cũng bị ảnh hưởng bởi phần quản lý nhà nước. Do đó, chúng tôi cần một lộ trình từ cơ quan nhà nước để chuẩn bị mà hiện nay chưa có.  

Bạn Vũ Văn Vượng: Các doanh nhân trẻ có trách nhiệm xoá đói giảm nghèo, xoá lạc hậu, xoá tham nhũng không? Các doanh nhân trẻ sẽ làm gì và làm như thế nào với các vấn đề đó của đất nước, thể hiện niềm tin gì vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong chặng đường 10,15 năm tiếp theo của đất nước?

Anh Bùi Văn Quân: Doanh nhân thể hiện điều này qua các vấn đề chính như: tạo công ăn việc làm cho lao động, hàng năm doanh nhân trẻ nộp thuế hàng trăm tỷ, đóng góp hàng trăm tỷ đồng cho các chương trình như xây nhà tình nghĩa, ủng hộ đồng bào bão lũ…Tình hình xã hội hiện tại sẽ là điều kiện tốt để doanh nhân nói chung và doanh nhân trẻ nói riêng có cơ hội đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.

Anh Chu Đức Lượng: Đã là DN khi sản xuất thành công thì doanh nghiệp đó đã có trách nhiệm với XH. Chúng ta đang kêu gọi những doanh nghiệp thành công có sự hỗ trợ cho những vùng xâu vùng xa. Khi doanh nghiệp hoạt động tốt thì nộp thuế, BHXH cho công nhân cũng là trách nhiệm đối với xã hội.

Chị Đoàn Thu Nga: Tôi đồng ý với anh Quân, anh Lượng. Cá nhân tôi rất thích khi anh Lượng nhắc đến DN cần làm việc đúng pháp luật. Đây cũng cách thể hiện TNXH. TNXH của DN còn thể hiện ở việc tạo công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp cho ngân sách nhà nước và tham gia các hoạt động thiện nguyện.
Đặc biệt, việc DN thực hiện đúng pháp luật đã là đóng góp TNXH rất lớn, bởi thực hiện đúng luật sẽ đảm bảo an toàn cho bản thân DN, các CBCNV và gia đình của chính họ. Ngoài ra, việc bảo vệ chăm sóc con người là yếu tố quan trọng và cũng là TNXH. Việc các DN đào tạo ra lớp nhân sự kế cận cũng là TNXH rất lớn.

- Thời gian vừa qua niềm tin trong kinh doanh của doanh nghiệp bị khủng hoảng. Các anh, chị có thể chia sẻ cảm nhận của mình về niềm tin vào môi trường kinh doanh trong thời gian tới?

Anh Chu Đức Lượng:  Kinh doanh như một thực thể sống của trái đất. Kinh doanh ổn định ở đây là cân bằng động. Chúng ta đang phát triển hay rất phát triển thì chúng ta cần cân bằng động. Ổn định ở đây là chính sách và hỗ trợ chứ không phải ổn định kinh doanh.

Anh Đàm Quang Thắng: Tôi thực sự đặt niềm tin vào kinh doanh trong tương lai. Niềm tin đó được thể hiện nhất là khi vai trò của các hiệp hội, hội chuyên ngành đang ngày càng có tiếng nói rất lớn với chính sách của Chính phủ. Chúng ta cũng đang có những cơ chế hỗ trợ nhất định để phát triển thị trường; đồng thời cũng có những trường đào tạo về khởi nghiệp, các kỹ năng kinh doanh. Với bản thân tôi kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp nếu như có sự ổn định về chính sách thì tôi tin tưởng với doanh nghiệp của tôi, ngành nông nghiệp sẽ phát triển.

Chị Đoàn Thu Nga: Tôi đồng ý với anh Quân, anh Lượng. Cá nhân tôi rất thích khi anh Lượng nhắc đến DN cần làm việc đúng pháp luật, đây cũng cách thể hiện TNXH. TNXH của DN còn thể hiện ở việc tạo công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp cho ngân sách nhà nước và tham gia các hoạt động thiện nguyện.

Đặc biệt, việc DN thực hiện đúng pháp luật đã là đóng góp TNXH rất lớn, bởi thực hiện đúng luật sẽ đảm bảo an toàn cho bản thân DN, các CBCNV và gia đình của chính họ. Ngoài ra, việc bảo vệ chăm sóc con người là yếu tố quan trọng và cũng là TNXH. Việc các DN đào tạo ra lớp nhân sự kế cận cũng là TNXH .

Tôi cho rằng trong bối cảnh sắp tới, chúng ta gặp rất nhiều thách thức khó khăn, khi hết 2014, sang 2015, phần lớn các rào cản WTO đã được gỡ bỏ. Các cánh cửa như FTA, TPP... cũng đang dần mở rộng. Thách thức lớn nhất của DN chúng ta phải đối mặt đó là tính liên kết của các SME Việt Nam trước các gã khổng lồ của DN nước ngoài trong việc gia nhập thị trường quốc tế. DN cần phải tìm ra thị trường ngách hoặc bước đi đặc trưng nào đó cho mảng kinh doanh của mình. Phải chủ động nhìn thấy khó khăn, thách thức và tìm ra phương án khả thi và phù hợp.

Giai đoạn này là giai đoạn thách thức đầy gian nan. Đây cũng là công cuộc sàng lọc của DN thực chất. Giai đoạn dành cho DN thực sự có năng lực sẽ đi vào thực chất, còn DN trước đây “núp bóng”, hình thức sẽ bị loại bỏ.

Anh Bùi Văn Quân: Tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến của các anh chị. Trong thời gian tới thách thức cũng nhiều mà cơ hội cũng nhiều. Giai đoạn này phải dành cho việc chọn đúng ngành mình tập trung. Tôi muốn chia sẻ với các bạn một kinh nghiệm: Thách thức khó khăn không làm cho ta nản bước. Thách thức khó khăn sẽ tạo cho ta sự đam mê.


Nhóm PV Kinh tế - Báo DĐDN

Theo

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - P.Thanh Xuân Trung - Q. Thanh Xuân - TP.Hà Nội

ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Email: [email protected]

Website: vacod.vn

Các đơn vị trực thuộc

Văn phòng Vacod miền trung - Tp Đà Nẵng

Địa chỉ: Số 278/4 Nguyễn Văn Linh - Thành phố Đà Nẵng
ĐT: 0236.3652692 - Fax: 0236.3653208

Văn phòng Vacod miền nam - Tp Hồ Chí Minh

Địa chỉ: Số 6A Phạm Đình Toái, Phường 6, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
ĐT: 0983358188

Công ty TNHH MTV Vacod

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Viện nghiên cứu phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Cơ quan ngôn luận: Tạp chí Thương Gia

Địa chỉ: Số 14, Khu 249A Thụy Khuê, Quận Tây Hồ, Hà Nội
ĐT: 0879 504 666 - Email: [email protected]
Website: https://thuonggiaonline.vn/