VACOD và HBA khảo sát môi trường đầu tư kinh doanh tại Hải Dương
Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam - VACOD và Hiệp
hội Doanh nghiệp thành phố Hà Nội - HBA đã cùng các lãnh đạo các cơ quan Trung
ương, chuyên gia cao cấp và hơn 50 doanh nghiệp tổ chức đoàn khảo sát về thực
tế sản xuất, kinh doanh tại tỉnh Hải Dương vào ngày 16/6/2023 và làm việc với
lãnh đạo UBND tỉnh về môi trường kinh doanh cùng cơ hội đầu tư tại địa
phương...
Cuộc làm việc lần này được thực hiện theo văn bản hoả tốc số 4186/VPCP-KSTT ngày 7/6/2023 của Văn phòng Chính phủ về việc đề nghị VACOD và HBA tổng hợp, cung cấp những khó khăn, vướng mắc, bất cập cũng như kiến nghị, đề xuất cải cách các quy định nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, sản xuất và kinh doanh.
Lãnh đạo Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam - VACOD và Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hà Nội - HBA đã cùng các lãnh đạo các cơ quan Trung ương, chuyên gia cao cấp và hơn 50 doanh nghiệp tổ chức đoàn khảo sát về môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu tỉnh Hải Dương
Khảo sát hai doanh nghiệp tiêu biểu
Chương trình có sự tham gia của nhiều lãnh đạo các cơ quan Trung ương và chuyên gia cao cấp như: PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); ông Mai Xuân Hùng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội; ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội và Thiếu tướng Nguyễn Quốc Dũng - Nguyên Tư lệnh Binh Đoàn 11...
Về phía lãnh đạo VACOD và HBA, dẫn đầu là TS Nguyễn Hồng Sơn - Nguyên Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam - VACOD, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp thành phố Hà Nội – HBA, cùng các Phó Chủ tịch, các vị Uỷ viên Ban Thường vụ, Uỷ viên Ban chấp hành và hơn 50 doanh nghiệp của hai Hiệp hội.
Tại Hải Dương, đoàn đã làm việc với Công ty TNHH Tập đoàn Quang Giáp, Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu, tham quan dự án đầu tư bất động sản của Tập đoàn Quang Giáp.
Tại Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu, TS. Nguyễn Hồng Sơn - Nguyên Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VACOD và HBA cho biết: "Chúng tôi nhận được văn bản hoả tốc số 4186/VPCP-KSTT ngày 7/6/2023 của Văn phòng Chính phủ về việc đề nghị VACOD và HBA khảo sát, tổng hợp, cung cấp những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị đề xuất cải cách các quy định để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về các hoạt động đầu tư, sản xuất và kinh doanh".
Thực hiện tinh thần trên, ngoài việc gửi văn bản lấy ý kiến các doanh nghiệp, các địa phương, hai Hiệp hội tổ chức khảo sát đến từng doanh nghiệp. Bên cạnh báo cáo của các doanh nghiệp, hai Hiệp hội còn muốn lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động.
Đặc biệt, tham gia đoàn khảo sát còn có các lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thể hiện sự quan tâm, sâu sát trong chiến lược xây dựng và phát triển cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng lớn mạnh, kịp thời nắm bắt các vấn đề thực tiễn phát sinh nhằm xây dựng cơ chế chính sách, môi trường kinh doanh thuận lợi, nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp.
"Với tinh thần ấy, chúng tôi chọn Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu (thành viên của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội – Công ty cổ phần HAPRO, thuộc tập đoàn BRG) là một trong hai đơn vị khảo sát lần này. Hiện nay, Chu Đậu đang có những khó khăn và thuận lợi nhất định", TS Nguyễn Hồng Sơn nêu rõ.
Theo Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn, Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu có thể kiến nghị về cơ chế chính sách, những vấn đề liên quan đến sản xuất (người lao động, nguyên liệu đầu vào, phát triển thị trường...) với đoàn khảo sát. Đặc biệt các kiến nghị càng cụ thể, càng sát thực tế, có tác động trực tiếp tới hoạt động của doanh nghiệp được khuyến khích. Đây chính là những kiến nghị mà đoàn muốn tiếp nhận để tổng hợp trình Chính phủ.
Về phía doanh nghiệp, Ban lãnh đạo Công ty Gốm Chu Đậu đã giới thiệu quá trình hình thành và phát triển của dòng gốm cổ Chu Đậu cũng như của Công ty. "Mặc dù đã trải qua thời kỳ khó khăn nhất để phục hưng lại gốm Chu Đậu, đưa sản phẩm trở thành lựa chọn làm quà tặng ngoại giao của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Nhưng để phát triển mạnh mẽ hơn nữa thì Chu Đậu vẫn cần sự góp sức của các cơ quan ban ngành từ Trung ương đến địa phương, Hiệp hội", đại diện công ty Gốm Chu Đậu chia sẻ.
Vị này giãi bày: "Như các quý vị cũng thấy, hôm nay công ty bị cắt
điện, khá nóng nực. Đây cũng là nguyên nhân gây khó khăn cho doanh nghiệp, vì
công ty đã nhận các đơn hàng, nhưng lịch cắt điện tương đối dày chắc chắn sẽ
ảnh hưởng tới sản xuất".
Đại diện công ty Gốm Chu Đậu đề nghị cơ quan chức năng xem xét sửa đổi các quy định về đấu thầu để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. “Hiện nay, cứ các khoản trên 100 triệu đồng là phải tổ chức đấu thầu. Trong khi, thủ tục thầu rất phức tạp, bất cập và mất rất nhiều thời gian. Trong khi đó, 100 triệu là mức khá thấp. Do đó, chúng tôi có đề xuất nâng mức tối thiểu phải tổ chức đấu thầu là 500 triệu đồng", lãnh đạo công ty Gốm Chu Đậu bày tỏ.