Mới đây, Công an tỉnh Phú Thọ bất ngờ đột kích, khám xét khẩn cấp xưởng sản xuất và kho hàng của Công ty TNHH Famimoto Việt Nam tại địa chỉ Khu Đồng Đồi, xã Thụy Vân, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Tại đây, cơ quan công an đã phát hiện, tạm giữ hơn 71 nghìn lít dầu ăn, khoảng 40 tấn mì chính, 22 tấn hạt nêm, 9 tấn bột canh giả.
Đáng chú ý, qua quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định các sản phẩm hàng giả trên đã được Công ty TNHH Famimoto Việt Nam bán cho các bếp ăn tại các khu công nghiệp, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ của người lao động. Được biết, hiện riêng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 4 khu công nghiệp và hơn 20 cụm công nghiệp đang hoạt động với hàng trăm nghìn người lao động đang làm việc.
Cơ quan điều tra bước đầu xác định, Công ty TNHH Famimoto Việt Nam đã tiêu thụ ra thị trường 144 tấn dầu ăn, 118 tấn bột canh, 363 tấn hạt nêm giả.

Ngoài ra, tại hiện trường, cơ quan công an còn tạm giữ gần 84 tấn phụ gia các loại dùng để sản xuất, san chiết các loại mì chính, hạt nêm, bột canh giả nói trên và hơn 1.593.513 vỏ bao bì, can nhựa đựng sản phẩm cùng dây chuyền sản xuất đóng gói.
Theo dữ liệu từ Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty TNHH Famimoto Việt Nam là công ty TNHH MTV được thành lập từ ngày 29/3/2019, trụ sở chính tại ngõ 378, đường Nguyễn Tất Thành, đội 12, xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Doanh nghiệp này do Nguyễn Văn Hưng làm Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật.
Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Văn Hưng, Giám đốc công ty khai nhận, mì chính và dầu ăn nguyên liệu mua của Công ty TNHH thương mại Quang Thanh, địa chỉ tại quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội sau đó tiến hành san chia, đóng gói cho vào 2 loại bao bì mang nhãn hiệu “Bột ngọt Boat Brand - thương hiệu xuất xứ Singapore”, và “Bột ngọt Famimoto - nhãn hiệu bột ngọt hàng đầu Việt Nam, Công nghệ Nhật Bản”.
Với mặt hàng dầu ăn, sau khi mua về, Công ty TNHH Famimoto Việt Nam tiến hành sang chiết, rót vào chai thành hai loại là “Dầu ăn thượng hạng Boat Brand - thương hiệu xuất xứ Singapore” và “Dầu thực vật Fami Gold - sản xuất từ 100% nguyên liệu nhập khẩu Singapore”.
Về nguyên liệu để sản xuất “Bột canh cao cấp Hà Nội” và “Hạt nêm Bếp Hồng Việt”, Công ty TNHH Famimoto Việt Nam mua nguyên liệu từ nhiều đơn vị khác nhau, sau đó phối trộn với tỉ lệ nhất định, thực hiện một số công đoạn như tạo hạt, sấy khô… rồi đóng trong các túi nilon với quy cách 400g/túi đối với bột canh và 5 kg/túi đối với hạt nêm.
Tất cả các sản phẩm trên, Công ty TNHH Famimoto Việt Nam tiến hành tự công bố sản phẩm. Theo kết quả trưng cầu giám định của Viện khoa học hình sự - Bộ Công an Giám định về thành phần, định lượng, định tính giá trị dinh dưỡng trong các sản phẩm mì chính, dầu ăn, bột canh cao cấp và hạt nêm nói trên do Công ty TNHH Famimoto Việt Nam đóng gói và sản xuất đều không đạt so với các chỉ tiêu Công ty công bố hoặc chỉ tiêu ghi trên nhãn sản phẩm.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục điều tra mở rộng. Trước đó, qua công tác trinh sát, nắm tình hình địa bàn, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Phú Thọ phát hiện Công ty TNHH Famimoto Việt Nam thực hiện sang chiết, san chia, đóng gói nhiều sản phẩm mì chính, dầu ăn, hạt nêm, bột canh có dấu hiệu sản xuất hàng giả.
Với quyết tâm ngăn chặn không để các loại hàng giả, hàng kém chất lượng nhất là các sản phẩm thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, tính mạng của người dân, Đại tá Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh khẩn trương điều tra, nhanh chóng bắt giữ các đối tượng có liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đối với hành vi sản xuất, buôn bán, kinh doanh hàng giả đến mức phải xử lý theo Luật Hình sự, doanh nghiệp sẽ bị xử lý theo quy định trong Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017:
Điều 193: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm
… 6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau: Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng; Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng; Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 18.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm;
Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm.