Ông Lê Văn Lợi - Viện trưởng Viện tin học doanh nghiệp (VCCI) chia sẻ về những khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và vừa khi ứng dụng CNTT
Hội thảo là một trong các hoạt động trong khuôn khổ dự án “Chương trình hỗ trợ các làng nghề và nghệ nhân ứng dụng thương mại điện tử đẩy mạnh bán hàng và xuất khẩu sản phẩm” do VCCI thực hiện.
Khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và vừa khi ứng dụng CNTT
Tại hội thảo, ông Lê Văn Lợi - Viện trưởng Viện tin học doanh nghiệp (VCCI) cho biết, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) là những doanh nghiệp có quy mô nhỏ bé về mặt vốn, lao động hay doanh thu. Doanh nghiệp nhỏ và vừa chia thành ba loại căn cứ vào quy mô đó là doanh nghiệp siêu nhỏ (micro), doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa. Nếu tính về số lượng doanh nghiệp thì SME chiếm một tỷ trọng rất lớn. Ví dụ ở Việt Nam SME chiếm trên 97%, còn ở Nhật Bản SME chiếm 99,7%. Về ứng dụng CNTT trong cộng đồng SME, theo ông Lợi, do từng doanh nghiệp là nhỏ hoặc siêu nhỏ nên việc đầu các giải pháp CNTT gặp khó khăn. “Về vấn đề nhân lực CNTT vì số lượng các doanh nghiệp là trên 500.000 và nếu chúng ta kỳ vọng mỗi doanh nghiệp có ít nhất 1 người có chuyên môn CNTT thì đội ngũ chuyên môn CNTT của Việt Nam ít nhất phải có 500.000 người. Hiện nay chúng ta chưa đủ nguồn nhân lực này. Thông thường các doanh nghiệp phải chọn giải pháp đào tạo ngắn hạn để có hiểu biết ở mức cơ bản và sơ đẳng về CNTT” - ông Lợi cho biết.
Cũng theo ông Lợi, về đầu tư vào CNTT của các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn gặp nhiều khó khăn do các chủ doanh nghiệp thường quan niệm bỏ vốn đầu tư vào một khoản mục nào đó thì phải thấy được kết quả đem lại đo được bằng tiền mà đầu tư CNTT không thuộc loại này. Hơn nữa, doanh nghiệp thường quan niệm người có chuyên môn CNTT là người biết tất cả mọi thứ về CNTT và biết rất sâu. Đây là quan niệm không đúng bởi trong CNTT có rất nhiều chuyên ngành và những người có chuyên môn sâu về CNTT họ thường tìm đến các doanh nghiệp chuyên về CNTT để tìm kiếm việc làm.
Các giải pháp nâng cao hiệu quả làm việc cho doanh nghiệp
Tại hội thảo, đại diện phía Google, ông Trịnh Quang Chung - Đại diện Google Châu Á Thái Bình Dương dẫn kết quả điều tra cho biết, Việt Nam là nước đang phát triển và tỷ lệ sử dụng internet rất cao, hơn cả Singapore, Malaysia… Người Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực về thời gian sử dụng internet, thậm chí thời gian người Việt truy cập internet gần bằng thời gian xem tivi. “Có thể thấy vai trò của internet là rất lớn trong thời đại CNTT hiện nay” - ông Chung khẳng định.
Ông Chung cũng chia sẻ một số công cụ hữu ích cho doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam như: Google Trends (tìm hiểu về xu hướng), Google Market Finder (Công cụ trực tuyến miễn phí giúp doanh nghiệp tìm hiểu nhu cầu sản phẩm ở thị trường nước ngoài và tính toán “hệ số cơ hội” tại mỗi thị trường), Google Adwords, Keyword Planner (quảng cáo tìm kiếm)…
Từ những lợi ích mà CNTT mang lại, ông Chung nhấn mạnh ngay từ bây giờ doanh nghiệp cần phải làm 4 việc như: Sở hữu trang web riêng cho doanh nghiệp (với thông tin hữu ích, thân thiện trên di động và mang tính quốc tế hoá); tìm kiếm thị trường và khách hàng tiềm năng; quảng bá trang web doanh nghiệp đến với các khách hàng tiềm năng; và thường xuyên đo lường hiệu quả để tối ưu hoá.
Ông Trịnh Quang Chung - Đại diện Google Châu Á Thái Bình Dương chia sẻ tại hội thảo
Cũng tại hội thảo, một ứng dụng công nghệ khác được cộng đồng doanh nghiệp ứng dụng nhiều trong công việc hiện nay như Google Translate đã được ông Đinh Đức Hùng - Thành viên đại diện Hiệp hội Internet Việt Nam đề cập. Theo ông Hùng, Google Translate cung cấp các công cụ chính như: Phiên dịch nội dung văn bản, trang web; dịch kết quả tìm kiếm... Theo đó, doanh nghiệp chỉ cần nhập text và URL là Google translate sẽ cung cấp bản dịch sang ngôn ngữ khác trong 60 ngôn ngữ. Kết quả không chính xác tuyệt đối nhưng có thể chấp nhận được.
Ngoài ra, để giúp học tiếng Anh khi sử dụng công cụ Google Translate, ông Hùng cho biết người dùng cần phải dịch xuôi, dịch ngược thường xuyên các đoạn văn bản hoặc tự dịch văn bản từ bản gốc, sau đó so sánh với bản dịch của Google Translate. “Đây là một công cụ rất phù hợp cho những người tự học tiếng Anh hoặc phải sử dụng tiếng Anh cho công việc” - ông Hùng khẳng định.
Cũng trong khuôn khổ hội thảo, một cuộc thảo luận bàn tròn “Bộ công cụ Google trong tác nghiệp của doanh nghiệp Việt Nam” đã được tổ chức. Các doanh nghiệp có cơ hội tiếp xúc, thảo luận với đại diện của cơ quan quản lý nhà nước, các tập đoàn CNTT về những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong việc thực hiện các giải pháp CNTT trong kinh doanh. Hội thảo cũng là cơ hội để các doanh nghiệp xác định một chiến lược đầu tư CNTT phù hợp với đặc thù và môi trường kinh doanh của mình.
Lưu Vân