TS.Võ Trí Thành chia sẻ thông tin về Hiệp định TPP với Doanh nghiệp. Ảnh: Trang Nhung.
Tại Hội thảo Đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP 2014 - Các lợi ích và thách thức mới cho doanh nghiệp, TS Võ Trí Thành đã mở đầu bài phát biểu bằng câu nói: Thế giới này cần phải trao đổi với nhau để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc liên kết giữa các quốc gia trong thời hiện đại.
Các nước trên thế giới đã cùng nhau tham gia WTO để được đảm bảo một điều: tất cả đều có quyền lợi trong hoạt động kinh tế thương mại, tránh được trường hợp phân biệt đối xử giữa các quốc gia, TS.Võ Trí Thành cho biết.
Theo TS.Thành, để tăng cường kết nối hơn với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã tham gia kí kết nhiều hiệp định đối tác thương mại (FTA). Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam đang tiến hành đàm phán là hiệp định khó nhất, chuẩn nhất, cao nhất trên thế giới từ trước đến nay.
Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương là một trong 3 hiệp định lớn nhất thế giới khi chiếm đến 30% GDP và 40% thương mại toàn cầu.
Trong khi đó Hiệp định AFTA của ASEAN+6 chỉ chiếm 30% GDP và 30% thương mại toàn cầu. Còn lại là Hiệp định xuyên Đại Tây Dương Hoa Kỳ - EU.
Giai đoạn đầu Hiệp định TPP chỉ bao gồm 4 quốc gia: Brunei, Singapore, Newzeland, Mexico. Đến giai đoạn 2009 - 2010, Hoa Kỳ tham gia vào hiệp định khiến cả thế giới “rùng mình” quan tâm. Điều đó cũng cho thấy sự xoay chuyển của thế giới khi trọng tâm phát triển được đặt vào khu vực châu Á Thái Bình Dương.
TS.Thành cũng chỉ ra 4 đặc trưng của Hiệp định TPP: Thứ nhất, tham gia vào Hiệp định TPP là tham gia vào một khu vực có sự mở rộng giao lưu với các đối tác về mọi mặt: thương mại, đầu tư, dịch vụ và các nước có sự hợp tác với nhau chặt chẽ nhất.
Đặc trưng thứ 2, Hiệp định TPP không đặt cao vấn đề hợp tác tức là sẽ không có những chênh lệch ưu đãi cho các nước nghèo, kém phát triển.
Đặc trưng thứ 3 chiếm phần lớn các chương trong Hiệp định TPP là việc cắt giảm thuế quan sẽ tác động vào thương mại không nhiều. Thay vào đó là vấn đề nằm trong lòng mỗi quốc gia, phía trong biên giới mỗi nước. Đó là vấn đề phi thuế quan: vấn đề chính sách...
Đặc trưng thứ 4 là những cam kết về các vấn đề “nhạy cảm”: thương mại điện tử, đấu thầu (mua sắm chính phủ), cạnh tranh…
Theo TS.Thành, Hiệp định TPP mang đến cho doanh nghiệp Việt Nam cơ hội về đối tác, thị trường, vốn, kĩ năng… Nhưng cũng có thách thức về khâu thực hiện khi TPP đòi hỏi phải có sự giám sát và tính minh bạch cao.
TS.Thành lấy ví dụ: đối với mặt hàng thịt bò, các doanh nghiệp phải chứng minh được hàng hóa sạch, không phải bò điên, nguyên liệu cũng phải là hàng sạch, và đáp ứng được các điều kiện về yêu cầu sử dụng lao động (không sử dụng trẻ em...).
Với hàng dệt may thì phải đảm bảo cam kết về xuất xứ, hàng hóa sản phẩm phải được làm từ sợi của các nước trong TPP. Nhưng 50% vải Việt Nam lại là hàng Trung Quốc.
Tuy nhiên, TS.Thành đã đưa ra một dự báo mới đó là tính linh hoạt của Hiệp định TPP khi có sự thiếu hụt nguồn cung. Hoa Kỳ có thể sẽ chấp nhận cho Việt Nam trong thời gian đầu nhập nguyên liệu để đầu tư cơ sở sản xuất nguyên liệu ngay tại trong nước.
Theo TS.Thành, Hiệp định TPP còn có rất nhiều quy định khác mà khi tham gia Việt Nam phải đáp ứng: vấn đề thương mại điện tử, môi trường, đầu tư công, công đoàn…
Cuối cùng, TS.Thành cho rằng, những rào cản thách thức trên, nhiều nước như Malaysia, Australia... cũng gặp, không phải riêng Việt Nam. Do vậy, dưới góc nhìn chuyên gia kinh tế, TS.Thành đánh giá, tác động lớn nhất của Hiệp định TPP là dòng vốn thương mại, một sự chuyển dịch về địa thế thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ.
Theo BizLive