(DĐDN) - Việc ồ ạt đưa cả vạn chiếc tàu cá ra Biển Đông sau những lệnh “cấm biển” và hạ đặt giàn khoan trái phép, Trung Quốc đã bộc lộ hoàn toàn bản chất muốn xâm chiếm trọn Biển Đông cho cả thế giới biết.
Trung Quốc muốn thâu tóm chủ quyền đến gần 90% Biển Đông.
Biển Đông là khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên với nguồn dầu khí và thủy sản phong phú, là nơi vận chuyển hàng hóa với giá trị 5.000 tỷ USD mỗi năm. Những nguồn lợi to lớn này đang khiến Trung Quốc bất chấp tất cả, coi thường pháp luật quốc tế, coi thường những quy tắc phát triển của xã hội để lao vào “chiếm biển”. Với tuyên bố ngang ngược và phi lý, Trung Quốc tự tuyên bố chủ quyền đối với khoảng gần 90% diện tích Biển Đông, gồm cả những vùng biển gần các nước láng giềng Đông Nam Á.
Ý đồ “chiếm Biển Đông” của Trung Quốc bắt đầu được thể hiện rõ từ năm 1999. Bằng việc Trung Quốc hằng năm đều tự ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, nơi Trung Quốc tự cho là thuộc chủ quyền của mình bất chấp phản ứng của các quốc gia có chủ quyền với vùng biển của mình theo pháp luật quốc tế như Việt Nam, Philippines... Lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông của Trung Quốc đã bị rất nhiều quốc gia khác trên thế giới phản đối và lên án.
Cùng với lệnh cấm này, cảnh sát biển Trung Quốc cùng các lực lượng ngư chính, hải giám thường xuyên tăng cường tuần tra trên Biển Đông, nếu gặp tàu cá nước ngoài họ thường quấy nhiễu tịch thu tàu thuyền, ngư cụ và thủy hải sản trên tàu. Từng bước, từng bước, mưu đồ chiếm Biển Đông ngày càng leo thang. Đến tháng 1/2014, chính quyền tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) cũng đã đơn phương thực hiện "Luật ngư nghiệp của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”. Theo đó, yêu cầu tàu nước ngoài đi vào vùng biển do tỉnh Hải Nam quản lý để đánh bắt cá hoặc thực hiện các hoạt động điều tra tài nguyên ngư nghiệp tại đây phải được sự cho phép của cơ quan quản lý có liên quan thuộc Chính phủ Trung Quốc.
Theo ông Trần Cao Mưu - Tổng thư ký Hội nghề cá Việt Nam, việc cấm đánh bắt cá hàng năm vào mùa vụ cá sinh sản, cá đẻ và cá di cư thì quốc gia nào cũng có kế hoạch, có thời gian và có vùng cấm của mình để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Trung Quốc năm nào họ cũng cấm, đấy là việc của họ. Tuy nhiên, họ cấm không chỉ vùng biển của họ mà cấm cả vùng biển Việt Nam và một số nước, thì đây là vi phạm chủ quyền một cách nghiêm trọng các quốc gia khác.
Hành động “mượn gió bẻ măng” của Trung Quốc được nhiều học giả và chuyên gia phân tích chính trị thế giới chỉ ra mưu đồ muốn độc chiếm Biển Đông của họ. Họ đang muốn thâu tóm chủ quyền đến gần 90% Biển Đông. Hành động này của Trung Quốc đưa ra trong bối cảnh quốc tế đang vô cùng quan ngại về việc Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Mặc dù, Trung Quốc đã rút giàn khoan ra khỏi vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, song mưu đồ độc chiếm Biển Đông thì đã quá rõ ràng. Điều này hoàn toàn trái ngược với những luận điểm mà Trung Quốc đã “lu loa” rằng họ không xâm phạm chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào.
Tiến sĩ Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ nhận xét, Trung Quốc tuyên bố về mặt ngoại giao thì rất hay nhưng hành động thì hoàn toàn trái ngược. Trung Quốc liên tục có những hành động phi lý, ngang ngược, nguy hiểm, coi thường luật pháp quốc tế, coi thường dư luận.
Có thể nói, những hành động ngang ngược vừa qua của Trung Quốc đã đi ngược lại với các công ước quốc tế, tuyên bố về chính trị về song phương, đa phương và những điều khoản mà chính Trung Quốc đã cam kết. Trung Quốc đã quay trở lại với chủ nghĩa bá quyền nước lớn, đẩy khu vực và thế giới vào nhiều nguy cơ mất ổn định.
Đô đốc Hải quân Nguyễn Văn Hiến khẳng định trong vùng biển 200 hải lý tính từ đất liền ra, chiến hạm của Hải quân Việt Nam thường xuyên tuần tra bảo vệ tàu cá của ngư dân Việt Nam, cũng như đuổi tàu nước ngoài không cho vào khai thác thủy sản. Đô đốc Hải quân Việt Nam kêu gọi ngư dân vẫn tiếp tục đánh bắt cá bình thường.
Bá Tú