Nền kiến trúc của Trung Quốc đang trải qua một thời kỳ phát triển với tốc độ chóng mặt. Quá trình này đã kéo dài trong suốt 30 năm qua. Đặc biệt nếu nhìn lại hai thập kỷ vừa qua, những tòa nhà chọc trời khổng lồ đã mọc lên như “nấm sau mưa” trên khắp các thành phố Trung Quốc.
Trước bối cảnh đó, nền kiến trúc Trung Quốc đã phải gánh chịu hậu quả từ việc phát triển không quy hoạch, đó chính là sao chép kiến trúc một cách trắng trợn. Điều này có thể thấy rõ nhất trong những tòa nhà được xây trong khoảng 10 năm trở lại đây.
Một
công trình copy “sao y bản chính” nằm ở trường Đại học Thương mại Quốc
tế thuộc thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Ngôi trường này đã từng xuất
hiện trên nhiều tờ báo nước ngoài bởi phong cách kiến trúc sao chép hổ
lốn của nó.
Tại đây, bạn có thể tìm thấy kim tự tháp và tượng nhân sư Ai Cập,
tượng những vị thần Hy Lạp, Khải Hoàn Môn của Pháp hay tòa nhà Quốc hội
của Mỹ. Bước vào khuôn viên trường, người ta tưởng như đang bước vào một
công viên kiến trúc thế giới.
Bức
tượng nữ thần Thông thái của Hy Lạp và Khải Hoàn Môn của Pháp xuất hiện
ngay phía trước sân trường Đại học Thương mại Quốc tế Vũ Hán.
Thư viện có hình dáng giống với kim tự tháp nằm trong khuôn viên trường.
Một tòa nhà có thiết kế giống hệt tòa nhà Quốc hội của Mỹ nằm trong khuôn viên trường đại học ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc.
Không chỉ sao chép các công trình kiến trúc nổi tiếng của nước ngoài, Trung Quốc còn “nhân bản” những công trình kiến trúc nổi tiếng ở trong chính nước mình.
Một công trình được xây dựng dựa trên hình ảnh của Quảng trường Thiên An Môn ở thành phố Bắc Kinh. Công trình sao chép vụng về này hiện nằm ở huyện Tuy Trung, tỉnh Liêu Ninh.
Một nghĩa trang nằm ở thành phố Vũ Hán cũng sở hữu tòa nhà trông rất giống với Thiên Đàn (Đàn tế Trời) ở Bắc Kinh.
Ngay cả các công trình nổi tiếng tại Trung Quốc cũng có thể bị sao chép y nguyên.
Một “bộ đồ làm bếp” khổng lồ ở thành phố Thượng Hải. Tổ hợp công trình Trung tâm Thượng Hải, Trung tâm Tài chính Thế giới Thượng Hải và tháp Kim Mậu thường bị người dân Thượng Hải ví như một “bộ đồ làm bếp”.
Các công trình kiến trúc ở Trung Quốc dạo gần đây thường được xây dựng theo phong cách “phóng to sự vật” với những tòa nhà đồng xu khổng lồ, ông Phúc - Lộc - Thọ khổng lồ, chiếc ủng khổng lồ, thậm chí cả… quần đùi khổng lồ…
Một tòa nhà có hình chiếc ủng ở thành phố Thượng Hải.
Một công trình sao chép rất vụng về, lấy ý tưởng từ Nhà hát Opera Sydney. Công trình này hiện nằm ở thành phố Phụ Ninh, tỉnh Giang Tô.
Tòa nhà có hình đồng xu nằm ở quận Thẩm Hà, thành phố Thẩm Dương. Một ví dụ khác cho phong cách “phóng to sự vật” đang rất được ưa chuộng trong xây dựng công trình tại Trung Quốc hiện nay.
Một khu dân cư ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang được thiết kế theo phong cách kiến trúc của Paris, thậm chí còn có hẳn một tòa tháp Eiffel “sao y bản chính” để đảm bảo mức độ “sao chép đẳng cấp” của công trình.
Cả một khu phố mang phong cách Paris được xây dựng ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang.
Trình độ sao chép của kiến trúc sư Trung Quốc không chỉ dừng lại ở một công trình, thậm chí họ còn có thể sao chép cả một quần thể kiến trúc. Ví dụ: một thị trấn mang đặc trưng phong cách Anh với lối kiến trúc Tudor nằm ở thành phố Thượng Hải.
Thị trấn Hallstatt của Áo nằm ở… tỉnh Quý Châu.
Bích Ngọc