Giữa dải phân cách của đại lộ Thăng Long, cây bóng mát từ lâu đã được trồng để làm đẹp cho con đường. Tuy nhiên, đến giờ chúng vẫn quặt quẹo, thiếu sức sống, cỏ dại mọc cao lút đầu.
Thấy vậy, bà con nông dân ở Hoài Đức (Hà Nội) liền tận dụng, phát hoang cỏ, phạt tận gốc cho đến khi cây chết héo khô rồi đốt như làm nương rẫy. Sau đó, họ xới đất trồng rau. Những chỗ diện tích bằng phẳng phẳng được bà con tạo thành luống, biến dải phân cách thành những thửa ruộng. Nơi địa thế dốc, họ làm thành những thửa ruộng bậc thang giống như trên các vùng cao dân tộc.
Thời gian đầu, nhiều người nghĩ có thể một số nhỏ hộ dân sinh sống hai bên đường tận dụng để trồng rau sạch cung cấp cho gia đình. Nhưng gần đây, nhiều nông dân tiếp tục "đốt nương" ở dải phân cách này, diện tích khai hoang ngày càng mở rộng.
Người dân trồng rau, hoa màu chính trên mảnh đất trước vốn là của mình, nay đã là đường. Thậm chí, có hộ còn trồng cả cây ăn quả, cây kinh tế với quy mô ngày càng hoành tráng.
Ban bảo vệ hành lang đại lộ Thăng Long đã nhiều lần nhắc nhở bà con, yêu cầu không được phép canh tác. Song, chỉ được một thời gian, diện tích đất trồng rau màu tiếp tục mở rộng.
Hình ảnh những luống rau xanh mướt, vườn ăn trái trĩu quả được trồng giữa đại lộ Thăng Long: