Ví dụ như Nhật Bản thông qua Đạo luật Hiệp hội Đại học Quốc gia năm 2003 trao quyền tự chủ về mặt pháp lý cho tất cả các trường đại học với quyền lực nhiều hơn cho Giám đốc/Hiệu trưởng và Ban quản trị trường. Năm 2005, Singapore cũng thông qua một luật tương tự trao quyền tự chủ cho 3 trường đại học của nước này. Gần đây, bang Nord Rhein-Westfalia, Đức cũng đã trao quyền tự quyết định cho 33 trường đại học trong việc tuyển dụng các giáo sư và các khóa đào tạo của trường.
Tự chủ nhưng chưa toàn quyền
Ở VN từ năm 2008 đến nay, Chính phủ đã giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính cho 54 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có 6 trường đại học được giao đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên và 4 trường được giao tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên. Tới thời điểm hiện tại, một số trường như Đại học Ngoại thương, ĐH Kinh tế TP HCM và Đại học Bách khoa Hà Nội đã tự chủ được gần 80% kinh phí chi thường xuyên. Đại học Tôn Đức Thắng và Đại học Hà Nội đã tự chủ 100% chi thường xuyên.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là, mặc dù nhà trường, theo luật, được tự quyết các vấn đề của mình nhưng Bộ GD-ĐT vẫn giữ quyền cho phép các trường được thực hiện các quyền đó. Ví dụ, về mặt học thuật, dù nhà trường được tự chủ về đào tạo nhưng Bộ GD-ĐT lại đưa ra các quy định về điều kiện, trình tự và thủ tục mở ngành. Về mặt tổ chức, Luật Giáo dục ĐH đưa ra quy định trường ĐH công lập có hội đồng trường với quyền hạn rất lớn, song lại không có quyền bầu và miễn nhiệm hiệu trưởng. Bởi thế, trên thực tế, hội đồng trường chỉ đóng vai trò nhà tư vấn, mang tính hình thức hơn là một hội đồng có thực quyền. Có lẽ, vì bất cập này nên trong số gần 500 trường ĐH, CĐ công lập hiện nay chỉ có hơn mười trường có hội đồng trường.
Hoạt động như mô hình DN
Cần nhìn bài bản, chuyên sâu hơn về quá trình đổi mới, giao quyền tự chủ cho nền giáo dục đại học công lập của VN. |
Mặt khác, khi trao quyền tự chủ cho các trường thì vấn đề công bằng xã hội cũng cần phải được coi trọng. Chẳng hạn, số người có trình độ ĐH trở lên tính trên 100.000 dân của đồng bằng Sông Hồng nhiều gấp 5 lần ĐBSCL… Về sự phân bố số SV trên vùng miền, có tỉnh có chưa đến 10 SV/vạn dân, trong khi bình quân cả nước là 120 SV. Ngoài ra, nếu chỉ số phân hóa giàu nghèo ở nước ta vừa qua là khoảng 7 - 8 lần, thì mức độ bất bình đẳng trong GDĐH, theo con số không chính thức là vào khoảng 20 lần. Và tình trạng phân hóa này đang có nguy cơ ngày một nặng nề hơn. Do đó, một trong những chính sách công quan trọng là thực hiện “phân phối lại”, dựa vào nguyên tắc “công bằng theo chiều dọc”, nghĩa là những “người không bình đẳng” phải được thu phí khác nhau, dù cùng được một mức hưởng lợi. Nói cách khác, đó là cách thu phí “theo khả năng đóng góp”, và cả chính sách tín dụng sinh viên thích hợp…
Khi hồi tưởng về cuộc cải cách giáo dục của Nhật Bản năm 1982, nguyên Thủ tướng Nhật Bản Iaxuhicô Nacaxônê đã phải thốt lên: Nguyên nhân khiến cuộc cải cách thời ấy mang tính chất nửa vời vì thiếu một chủ thuyết rõ ràng; cụ thể là, không có một chủ thuyết triết học với những tư tưởng cấu thành. Một chủ thuyết khung không có, thay vào đó là một tập hợp không mang tính hệ thống, gồm những ý tưởng và những kết luận khác nhau. Không thể xây dựng nên tòa nhà, nếu trước đó không có khung tòa nhà. Từ câu chuyện của nguyên Thủ tướng Nacaxônê, chúng ta cần phải nhìn bài bản, chuyên sâu hơn về quá trình đổi mới, giao quyền tự chủ cho nền giáo dục đại học công lập của VN.
Tự chủ: Chìa khóa đổi mới giáo dục ? Với Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2014 - 2017 đối với 4 trường đại học mà Chính phủ vừa thông qua thì ngành giáo dục đang hy vọng đã tìm ra chìa khóa cho đổi mới giáo dục. Ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Việc ban hành Nghị quyết của Chính phủ về tự chủ đại học sẽ thực sự là một bước đột phá cho giáo dục đại học và đào tạo nguồn nhân lực vì tự chủ chính là đã làm đúng và tuân theo nguyên lý thị trường, thực hiện nguyên tắc cạnh tranh để nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên suy diễn việc vận hành nguyên lý thị trường là thương mại hóa giáo dục. Để việc thực hiện lộ trình tự chủ đạt được kết quả như mong muốn thì tùy theo mức độ tự chủ và cam kết thực hiện tự chủ, các trường sẽ thực hiện tự chủ về chương trình đào tạo, và tùy theo mức độ tự chủ về tài chính sẽ thực hiện tự chủ về bộ máy, nhân sự, tiền lương, thu nhập. Về đầu tư xây dựng cơ bản, sẽ phân cấp mạnh hơn cho các trường. Về học phí, việc thực hiện thu học phí sẽ thực hiện theo chi phí trung bình tính đủ cho việc đào tạo một sinh viên đại học công lập, đồng thời Nhà nước sẽ hỗ trợ trực tiếp học phí cho đối tượng là sinh viên nghèo, người có công, người dân tộc thiểu số và chính sách tín dụng cho vay ưu đãi đối với sinh viên thuộc đối tượng cận nghèo, khó khăn. Còn về vấn đề tài chính, thì chúng ta cũng cần giao cho các trường quyền tự chủ về tài chính, tổ chức và nhân sự, đồng thời không nên quy định mức trần học phí. Ngoài ra, phải mở rộng quyền tự chủ về chuyên môn cho các trường, quy định rõ quy mô tuyển sinh khi tự chủ tài chính; thành lập các quỹ tín dụng hỗ trợ sinh viên với lãi suất ân hạn 6 năm; giao quyền quyết định cho hiệu trưởng trong chi lương theo năng suất lao động và không nên quy định hiệu trưởng làm theo nhiệm kỳ… Tuy nhiên, tôi cũng phải khẳng định rằng, chúng ta trao quyền tự chủ cho trường nhưng phải gắn liền với cam kết chịu trách nhiệm và phải có lộ trình theo từng bước, không nên nóng vội, và quan trọng là cần phải có những bước thí điểm phù hợp, hiệu quả sau đó mới nhân rộng mô hình. GS. TS Nguyễn Đông Phong - Hiệu trường Trường Đại học Kinh tế TP HCM: Chính phủ sớm cho triển khai Chủ trương giao quyền tự chủ không phải chỉ cho 4 trường được chọn trong đề án mà 4 trường lần này được chọn vì 4 trường đã có nền tảng sẵn, vốn đã thực hiện việc tự chủ chi thường xuyên trong những năm qua nên được chọn làm thí điểm rút kinh nghiệm. Nếu thời gian tới, các trường đại học khác cũng đủ điều kiện thì chắc chắc sẽ được Chính phủ cho phép tham gia đề án. Để trở thành một trong 4 trường đại học công lập được chọn vào đề án thí điểm, Trường Đại học Kinh tế TP HCM đã có những bước chuẩn bị khá kỹ càng suốt những năm qua. Trường đã xây dựng kế hoạch tự chủ nhiệm vụ, xác định rõ cái gì được làm và không được làm, trong đó, cấp bằng là công việc rất khó khăn nhất, làm sao không để xảy ra tiêu cực. Mặc dù, khi các trường đại học được áp dụng cơ chế tự chủ thì mức học phí sẽ tăng lên. Đơn cử như tại trường đại học kinh tế TP HCM, thời gian qua, áp theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ, mức học phí của mỗi sinh viên chỉ khoảng 4,9 triệu đồng/năm, còn theo đề án đổi mới, mức học phí sẽ tăng lên là 13 triệu đồng/1 năm/1 sinh viên. Tuy nhiên, đổi lại với việc học phí tăng, trách nhiệm đào tạo cũng như chất lượng giáo dục và trách nhiệm với xã hội của trường đại học sẽ được nâng lên. Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2014- 2017 rất đúng với mong muốn của các trường đại học vì trước giờ trường đại học nào cũng muốn được tự chủ về mọi mặt. Nếu đề án được triển khai thì các trường đại học sẽ tự chủ về mặt tổ chức, nhân sự, tài chính tài sản, đào tạo, hoạt động khoa học công nghệ, bảo đảm chất lượng, hợp tác quốc tế... Tới thời điểm hiện tại, tôi cho rằng đề án này rất nhiều ưu điểm, điều quan trọng là Chính phủ sớm cho triển khai vì năm học mới sắp tới. |