Được biết, ông tổ của nghề thêu Lê Công Hành là người truyền dạy nghề cho cả 3 miền bắc, trung, nam cũng được sinh ra trên chính làng nghề Quất Động.
Điểm nổi bật của làng thêu Quất Động là những nghệ nhân chủ yếu thêu bằng biện pháp kỹ thuật thủ công, với nhiều loại hình đa dạng phong phú, đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Đến Quất Động, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh đường kim mũi chỉ đủ màu sắc đang bay lượn trên khung thêu. Cộng với sự tỉ mỉ, khéo léo của người thêu đã tạo ra những hình ảnh hoa lá, chim muông… có hồn và vô cùng sống động.
Để có một bức tranh thêu hoàn chỉnh, đòi hỏi nghệ nhân phải trải qua một quá trình lao động với tuần tự các bước. Đầu tiên phải vẽ phác thảo trên vải nhằm định hướng đường vẽ và hình ảnh định thêu. Sau đó tùy từng đề tài, chủng loại, người thêu sẽ lựa chọn màu sắc chỉ sao cho phù hợp.
Cô Hoàng Thị Khương, một trong những người có thâm niên lâu năm trong làng thêu Quất Động cho biết: “Nghề thêu là một nghề đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ. Vì vậy không phải ai học thêu đều có thể làm được. Để có một bức tranh thêu đẹp thì các đường chân kim không được bị lộ, đường nét phải rõ ràng, đặc biệt là phải có sự hòa quyện, mìn màng kết hợp hài hòa giữa các màu sắc khác nhau”.
Do danh tiếng lưu truyền và chất lượng tốt, không chỉ có khách hàng trong nước mà cả khách nước ngoài cũng tìm đến Quất Động để học hỏi và đặt mua hàng. Chính vì thế, tranh thêu Quất Động đã có mặt tại nhiều nước trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ…
Nội dung chủ yếu tranh thêu tại Quất Động thường hướng đến phong cảnh, sinh hoạt dân dã của nông thôn Việt Nam như: hình ảnh đồng lúa, đầm sen hay cảnh chăn trâu, thả diều, đi cấy…
Có rất nhiều bức tranh nổi tiếng như Chùa Một Cột, nhà Bác Hồ ở Kim Liên, chân dung Bác Hồ là những tác phẩm mang giá trị vĩnh hằng đã vinh dự có mặt tại các hội triển lãm nghệ thuật lớn trong nước và quốc tế. Với những tác phẩm tuyệt sắc ấy, nhiều bạn bè quốc tế không khỏi trầm trồ khen ngợi. Để có được những bức tranh đạt đến độ tinh sảo, đòi hỏi người thêu phải biết cách thổi hồn vào bức tranh. Công việc này đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức.
Để đáp ứng được nhu cầu của thị trường, nhiều xưởng thêu với quy mô lớn tại Quất Động đã được mở ra. Hiện nay trên toàn xã có tới 20 doanh nghiệp, cơ sở thêu lớn nhỏ, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người.
Dù đã trải qua trăm năm thăng trầm, biến cố, nhưng nhờ những bàn tay khéo léo, tâm huyết và lòng yêu nghề của nghệ nhân nơi đây đã giúp cho tranh thêu Quất Động, không chỉ giữ vững mà còn xứng đáng đứng bên cạnh những loại hình tranh nghệ thuật hiện đại khác.
Theo Nhữ Trang
Dân trí