TPP và thị trường chứng khoán

Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ví như Hiệp định của thế kỷ XXI, kỳ vọng sẽ đem lại cú hích lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Việc kết thúc đàm phán TPP đã ngay lập tức tác động tích cực đến thị trường chứng khoán nước ta.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nhiều mã chứng khoán tăng mạnh

Có thể thấy, ngay sau khi thông tin kết thúc đàm phán TPP được công bố, thị trường chứng khoán nước ta đã có thay đổi tích cực. Trong tuần cuối cùng của quá trình đàm phán TPP, VN-Index tăng 24,5 điểm, đạt mốc 588,02 điểm. Khối lượng giao dịch bình quân toàn thị trường đạt 208 triệu cổ phiếu/ngày, tăng gấp gần 2 lần so với tuần trước. Giá trị giao dịch bình quân cũng tăng gấp gần 2 lần, có phiên đạt 3.700 tỷ đồng. Riêng tại Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh, trong phiên ngày 8.10, khối ngoại đã mua ròng gần 800 tỷ đồng, dù trước đó chỉ liên tục bán ròng. Kết quả này cho thấy tín hiệu sôi động trở lại của thị trường sau một thời gian dài kém thanh khoản.

Thông tin kết thúc đàm phán TPP cũng khiến các mã ngành như dệt may, thủy sản, khu công nghiệp, phân phối ô tô… trở nên hấp dẫn hơn với nhà đầu tư và bật tăng mạnh mẽ. Mặc dù vốn hóa của các doanh nghiệp hưởng lợi từ TPP chiếm tỷ trọng không lớn, nhưng thông tin này là chất xúc tác khá mạnh cho sự bùng nổ của thị trường chứng khoán thời gian qua. Tất nhiên, những tác động vừa qua chỉ là hiệu ứng tâm lý, có tính chất ngắn hạn. Về lâu dài, với đặc tính là phong vũ biểu của nền kinh tế, thị trường chứng khoán sẽ phản ánh rõ nét những tác động của TPP đối với kinh tế của nước ta. Khi Hiệp định TPP có hiệu lực, dựa trên nền tảng là thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế nói chung, và doanh nghiệp niêm yết nói riêng, hàng hóa giao dịch trên thị trường chứng khoán sẽ được cải thiện đáng kể về chất lượng, không chỉ là chứng khoán của các ngành được hưởng lợi trực tiếp từ TPP. Mã cổ phiếu của nhiều ngành khác cũng sẽ được hỗ trợ và cùng phát triển, kéo theo đó là sự phát triển đa dạng các loại hình sản phẩm chuyên nghiệp khác như chứng khoán phái sinh, chứng khoán cơ cấu...

Sức ép mở cửa thị trường

Tuy nhiên, TPP cũng sẽ đặt ra những thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng, đặc biệt là sức ép về mở cửa thị trường. Thị trường chứng khoán Việt Nam còn khá “trẻ” so với thị trường chứng khoán thế giới, ra đời được 15 năm, hàng hóa trên thị trường chủ yếu là các sản phẩm giao ngay như: cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ đón. Các sản phẩm chuyên nghiệp như chứng khoán phái sinh, các loại hình chứng chỉ quỹ đầu tư… chưa phát triển. Nhà đầu tư chủ yếu là nhỏ lẻ, nhận thức nhà đầu tư chưa cao, chủ yếu là giao dịch theo số đông. Quy mô của thị trường chứng khoán hiện chỉ mới đạt trên 30% GDP, thấp hơn khá nhiều so với nhiều nước trong khu vực. Tỷ lệ này cần được cải thiện mạnh trong thời gian tới để thị trường có thể đủ lớn và tiếp nhận được luồng vốn lớn nếu có do TPP mang lại. Tận dụng được những lợi thế to lớn của TPP như thế nào là bài toán không dễ đối với cơ quan quản lý và doanh nghiệp.

Trước thực tế này, các chuyên gia cho rằng, cần có giải pháp tổng thể để đưa thị trường chứng khoán phát triển ổn định, vững chắc. Trong đó, các cơ quan chức năng cần hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho nhiều sản phẩm mới ra đời và phát triển; bảo vệ hiệu quả quyền lợi của các nhà đầu tư nhỏ lẻ; tạo thuận lợi cho sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, nâng cao nhận thức của nhà đầu tư Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp hóa, tăng cường năng lực của các doanh nghiệp niêm yết trước sức ép cạnh tranh của tiến trình tự do hóa…

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 60 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, với bước đột phá là nới lỏng tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp niêm yết, nhiều doanh nghiệp được nới đến 100%. Các chuyên gia cho rằng, Nghị định 60 có hiệu lực và việc TPP được ký kết sẽ tác động cộng hưởng lên dòng vốn ngoại chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Các ngành công nghiệp được hưởng lợi từ TPP sẽ thu hút mạnh mẽ nhà đầu tư nước ngoài rót vốn thông qua hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc mua các mã chứng khoán của doanh nghiệp này trên thị trường chứng khoán. Các quỹ ETF được kỳ vọng sẽ phát triển ổn định hứa hẹn làn sóng đầu tư mới của khối ngoại vào thị trường chứng khoán nước ta trong thời gian tới, từ đó có thể đóng vai trò dẫn dắt, định hướng đầu tư cho toàn thị trường.


Theo daibieunhandan.vn

Theo

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - P.Thanh Xuân Trung - Q. Thanh Xuân - TP.Hà Nội

ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Email: [email protected]

Website: vacod.vn

Các đơn vị trực thuộc

Văn phòng Vacod miền trung - Tp Đà Nẵng

Địa chỉ: Số 278/4 Nguyễn Văn Linh - Thành phố Đà Nẵng
ĐT: 0236.3652692 - Fax: 0236.3653208

Văn phòng Vacod miền nam - Tp Hồ Chí Minh

Địa chỉ: Số 6A Phạm Đình Toái, Phường 6, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
ĐT: 0983358188

Công ty TNHH MTV Vacod

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Viện nghiên cứu phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Cơ quan ngôn luận: Tạp chí Thương Gia

Địa chỉ: Số 14, Khu 249A Thụy Khuê, Quận Tây Hồ, Hà Nội
ĐT: 0879 504 666 - Email: [email protected]
Website: https://thuonggiaonline.vn/