TPP: Bước phát triển toàn diện trên nhiều lĩnh vực

Cuộc đàm phán gần đây nhất về Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Hawaii vẫn còn vướng mắc một số điều khoản vào phút chót. Tuy nhiên, các bên vẫn kỳ vọng hiệp định có thể được ký kết vào cuối năm nay.
TPP: Bước phát triển toàn diện trên nhiều lĩnh vực
Hội thảo “Hai mươi năm quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ nhìn từ góc độ kinh tế”.


Trong mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, nếu TPP được hình thành sẽ là bước phát triển toàn diện trên nhiều lĩnh vực mà thương mại vẫn là chủ lực. Đây là những nhận định được đưa ra tại hội thảo “Hai mươi năm quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ nhìn từ góc độ kinh tế” do Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị, hội hữu nghị Việt – Mỹ tại TP.HCM tổ chức vào cuối tháng 7 vừa qua.

Kỳ vọng về kinh tế từ TPP

Từ con số gần 500 triệu USD cách đây 20 năm, kim ngạch thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ trong thời gian gần đây đã đạt 35 tỷ USD và dự kiến lên đến 40 tỷ USD trong năm 2015. Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với tỷ trọng 19,7% với khoảng gần chục mặt hàng có giá trị xuất khẩu 1 tỷ USD/năm như dệt may, giày dép, đồ gỗ, thủy sản…

Theo đánh giá của giáo sư Peter A. Petri – Đại học Brandeis (Mỹ), GDP Việt Nam có cơ hội tăng thêm 35,7 tỷ USD (tương đương 10,5%) từ nay tới năm 2025.

Ông Lê Quốc Ân – Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, hiện nay Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành dệt may nước ta, chiếm 55% thị phần toàn ngành. Tính đến tháng 4/2015, Việt Nam chiếm khoảng 10,16% tổng thị phần hàng dệt may nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, chỉ xếp thứ hai sau Trung Quốc.

Khi mức thuế suất bình quân đối với mặt hàng dệt may của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ từ 17,3% hạ xuống 0%, kim ngạch xuất khẩu dệt may vào thị trường này có thể đạt tới 22 tỷ USD vào năm 2020 và tăng khoảng 46% trong 5 năm kế tiếp.

Tuy nhiên, quan trọng hơn là quan hệ làm ăn với Hoa Kỳ đã giúp nâng cao chất lượng của mặt hàng dệt may. Ông Lê Quốc Ân nhìn nhận: “Suy nghĩ rằng ngành dệt may Việt Nam làm công ăn lương không còn đúng nữa. Các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ không thích hàng gia công nên các khâu cắt may, thiết kế, phân phối… đều do chúng ta thực hiện. Nhờ đó, hàng xuất khẩu ngày nay có giá trị gia tăng rất lớn, tỷ lệ thặng dư lên đến 50%”.

Cũng có cái nhìn lạc quan về quan hệ thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ trong tương lai, ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen cho rằng, sau khi TPP có hiệu lực, cơ hội gia tăng giá trị sẽ càng lớn hơn theo mô hình “đàn sếu bay” ở khu vực Đông Á và Việt Nam có thể trở thành công xưởng của thế giới trong một số lĩnh vực công nghiệp nền tảng và một vài ngành công nghệ cao.

Đây là nỗ lực tích lũy tư bản, công nghệ ở các nước đi sau được thúc đẩy bằng đầu tư trực tiếp nước ngoài và các hình thái chuyển giao công nghệ khác từ các nền kinh tế đi trước. Trong mô hình này, các nền kinh tế đi trước sau khi mất lợi thế so sánh trong ngành nào đó buộc phải nỗ lực chuyển dịch cơ cấu công nghiệp sang những ngành khác có giá trị gia tăng lớn hơn, tất nhiên với trình độ công nghệ cao hơn. Đây là hiện tượng đuổi bắt nhiều tầng trong quá trình công nghiệp hóa ở Đông Á, tạo nên tính năng động cho vùng này.

Còn nhớ, nền công nghiệp thép phát triển đầu tiên tại châu Âu, đến khi giá nhân công và đồng nội tệ ở đất nước này tăng giá thì ngành thép dịch chuyển sang Mỹ, rồi lần lượt đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc. Đến nay, nền kinh tế Trung Quốc đã tương đối phát triển, giá nhân công tăng và giá trị đồng nội tệ cũng tăng nên ngành thép đang dịch chuyển sang khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Do vậy, đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp sản xuất tôn thép phát triển.

Hiện nay Tập đoàn Hoa Sen đang tập trung đầu tư mở rộng sản xuất theo công nghệ hiện đại, gồm hai nhà máy với dây chuyền cán nguội và công suất thiết kế 1,2 triệu tấn/năm, dây chuyền sản xuất tôn mạ với tổng công suất thiết kế 1 triệu tấn/năm… nhằm đón đầu xu thế hội nhập ngay sau khi TPP được ký kết.

Các doanh nghiệp phải chủ động nắm bắt cơ hội từ TPP

TPP được cho là sẽ tạo ra một sân chơi bình đẳng nhưng nhiều ý kiến phân tích lại chỉ ra rằng TPP chưa hẳn đã công bằng với các nền kinh tế đang phát triển khi đề ra những quy tắc bình đẳng đối với các đối tác có thế không ngang bằng nhau.

Theo phân tích của ông Phạm Phú Ngọc Trai – Chủ tịch Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC), các điều khoản trong TPP cấm sử dụng chính sách thương mại để bảo vệ ngành công nghiệp nội địa, trong khi Việt Nam hiện có hơn 80% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên chắc chắn lực lượng này sẽ rất khó khăn khi phải chơi cùng một sân với các doanh nghiệp nước ngoài đã tích lũy dày dặn vốn liếng, kiến thức, kinh nghiệm quản lý và quen ứng phó với sự biến đổi mau lẹ của thị trường trong cả phạm vi khu vực lẫn toàn thế giới.

Mặt khác, TPP đề nghị các nền kinh tế thành viên chia nhỏ và giảm số lượng doanh nghiệp nhà nước, mà đó lại là nền tảng của chiến lược công nghiệp hóa thành công tại các nước đang phát triển trong nhiều thập niên qua, trong đó có Việt Nam.

Đối với Việt Nam, TPP còn đề xuất cắt giảm đáng kể sự hỗ trợ của Nhà nước cho các doanh nghiệp này, thậm chí đề nghị nên bán đi hầu hết doanh nghiệp nhà nước.

Tuy nhiên, ông Lê Phước Vũ nhắc lại quan điểm khá rõ của Việt Nam là vẫn cần có những đầu tàu là các tập đoàn, công ty nhà nước lớn có sức mạnh tổng hợp mới đủ năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nước khác trong bối cảnh hội nhập.

Khá nhiều doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đang kỳ vọng về quá trình chuyển giao công nghệ mạnh mẽ hơn từ Hoa Kỳ sau TPP. Trên thực tế, việc hợp tác trong lĩnh vực công nghệ với Hoa Kỳ đã diễn ra cách đây hơn 20 năm, nổi bật nhất là trong lĩnh vực dầu khí và công nghiệp chế biến, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của Việt Nam.

Ông Trần Tuấn Anh – Thứ trưởng Bộ Công thương khẳng định rằng về nguyên tắc, Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi, môi trường, khuôn khổ pháp lý phù hợp, còn việc hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, công nghệ cụ thể thì các doanh nghiệp phải chủ động nắm bắt và thực hiện. Trong những năm tới, Nhà nước sẽ tiếp tục nỗ lực đổi mới, đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách các loại thủ tục thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, khởi nghiệp… nhằm tạo môi trường đầu tư hấp dẫn hơn cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Vị lãnh đạo này còn cho biết thêm: “Luật Đầu tư mới sửa đổi của Việt Nam được các doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ đánh giá cao vì đã cắt giảm đáng kể các lĩnh vực hạn chế đầu tư nước ngoài. Đồng thời, họ cũng nêu một số kiến nghị nhằm cải thiện môi trường đầu tư ở Việt Nam. Về phần mình, các doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực cải thiện năng lực quản trị cũng như phát triển nguồn nhân lực để tạo uy tín, thu hút tốt hơn nguồn đầu tư công nghệ từ Hoa Kỳ”.

Thích nghi trong giao thương với Hoa Kỳ

Những năm gần đây, hoạt động kinh tế, giao lưu thương mại giữa hai nước ngày càng sôi động hơn nhưng vẫn còn nhiều trường hợp phải qua trung gian là các doanh nghiệp Hong Kong, Hàn Quốc, Đài Loan nên giá trị gia tăng trong xuất khẩu và việc phát huy thế mạnh của từng ngành còn bị hạn chế.

Theo nhà nghiên cứu kinh tế Huỳnh Thế Du, cơ hội cho xuất khẩu trực tiếp nhiều mặt hàng vào Hoa Kỳ không thiếu, song vấn đề nằm ở chỗ các doanh nghiệp nước ta chưa nắm kỹ các đòi hỏi và những tiêu chuẩn đặc thù của thị trường này. Hy vọng những quy định cụ thể về hàng rào kỹ thuật, quy tắc xuất xứ từ TPP sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam tự tin hơn trong làm ăn và đường giao thương thẳng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ rộng mở hơn, hạn chế được tối đa khâu trung gian.

Thực trạng tranh chấp thương mại ở Hoa Kỳ đã và vẫn sẽ là một thực tế mà các nhà xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt. Ông Lương Văn Tự – nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, Trưởng đoàn Đàm phán WTO của Việt Nam nêu lên một thực tế là các doanh nghiệp Việt Nam thường chấp nhận bán giá rẻ để giành mối. Khi tham gia vào các hiệp định thương mại quốc tế, nếu doanh nghiệp bán hàng với giá thấp để cạnh tranh thì rất dễ bị kiện bán phá giá.

Mặt khác, các nhà sản xuất nội địa của Hoa Kỳ đã quen sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, thậm chí còn lạm dụng để bảo hộ cho sản xuất trong nước. Trong tương lai, một khi hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ tăng mạnh, nguy cơ phát sinh thêm nhiều kiện cáo là điều khó tránh.

Do vậy, để đối phó với các vụ kiện phòng vệ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, doanh nghiệp Việt Nam cần trang bị đầy đủ kiến thức, nắm vững các yếu tố về kỹ thuật để đáp ứng đúng các yêu cầu theo pháp luật của Hoa Kỳ theo hướng có lợi nhất cho mình và giảm thiểu thiệt hại nếu có. Những phương pháp khác như ngoại giao, tạo làn sóng phản đối từ các phương tiện truyền thông tại Việt Nam thường không có tác dụng bao nhiêu trong quá trình này.


Theo Báo Doanh nhân Sài Gòn

Theo

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - P.Thanh Xuân Trung - Q. Thanh Xuân - TP.Hà Nội

ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Email: [email protected]

Website: vacod.vn

Các đơn vị trực thuộc

Văn phòng Vacod miền trung - Tp Đà Nẵng

Địa chỉ: Số 278/4 Nguyễn Văn Linh - Thành phố Đà Nẵng
ĐT: 0236.3652692 - Fax: 0236.3653208

Văn phòng Vacod miền nam - Tp Hồ Chí Minh

Địa chỉ: Số 6A Phạm Đình Toái, Phường 6, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
ĐT: 0983358188

Công ty TNHH MTV Vacod

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Viện nghiên cứu phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Cơ quan ngôn luận: Tạp chí Thương Gia

Địa chỉ: Số 14, Khu 249A Thụy Khuê, Quận Tây Hồ, Hà Nội
ĐT: 0879 504 666 - Email: [email protected]
Website: https://thuonggiaonline.vn/