TPP – Một cánh cửa để thoát khỏi sự phụ thuộc về kinh tế vào Trung Quốc

Ảnh minh họa: internet

Những ngày đầu tháng 5 này, cả Việt Nam phẫn nộ, sôi sục trước sự kiện Trung Quốc ngang ngược hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 cùng nhiều tàu và máy bay hộ tống vào vị trí nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế nước ta. Bầu không khí nóng lên từng ngày với những diễn biến mỗi lúc mỗi nguy hiểm của nhà cầm quyền Trung Quốc trên Biển Đông. Thêm nữa, đã bắt đầu xuất hiện những lo ngại về những hành động trả đũa ngược mà Trung Quốc có thể thực hiện với Việt Nam trên mặt trận kinh tế.

Trong bối cảnh như vậy, hầu như chẳng ai còn bụng dạ nào để ý tới cuộc gặp cấp Trưởng Đoàn đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) từ ngày 12 đến 15 tháng 5 tại thành phố Hồ Chí Minh. Thực tế thì với chủ trương từ trước đó, cuộc gặp cũng diễn ra rất im lìm, sau những cánh cửa đóng kín. Những vấn đề được thảo luận tại đây nghe nói không mới, vẫn xoay quanh những tranh cãi dai dẳng về mở cửa thị trường thế nào cho nhau, các chuẩn bảo hộ cao hơn trong sở hữu trí tuệ, về môi trường, đầu tư, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ….

Với những người Việt Nam theo dõi sự kiện này, không mấy ai ngạc nhiên về những tiến triển mờ nhạt sau cuộc gặp. Nhưng phải thừa nhận là họ có một chút thất vọng, bởi trong tình hình này, hơn lúc nào hết Việt Nam trông chờ biết bao nhiêu vào những tiến triển của đàm phán TPP, cũng như đàm phán tương tự giữa Việt Nam và EU, hay với Liên minh thuế quan Nga-Belarus-Kazakstan… Những FTAs này, khi được đàm phán thành công và đi vào thực thi, sẽ là một trong những lối thoát có ý nghĩa cho Việt Nam trong việc giảm bớt và dần dần thoát khỏi tình trạng lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc như hiện nay, không chỉ vì tranh chấp ở Biển Đông leo thang mà là vì sự cân bằng trong lâu dài của nền kinh tế.

Một chìa khóa mở rộng nguồn cung cho Việt Nam

Với bản chất là các thỏa thuận dành ưu đãi thuế quan cho hàng hóa từ các đối tác, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) có thể giúp Việt Nam đa dạng hóa nguồn cung cho sản xuất cũng như tiêu dùng của mình.

Cụ thể, với các FTA, trang thiết bị, máy móc, công nghệ phục vụ sản xuất, nguyên vật liệu đầu vào và hàng tiêu dùng từ các nước đối tác FTA, mà đặc biệt từ các nước có nền khoa học công nghệ tiên tiến, có sản phẩm hàng hóa chất lượng cao có thể nhập khẩu vào Việt Nam với giá cả hợp lý hơn. Cũng với các FTA, thị trường dịch vụ (xây lắp, tài chính…) của Việt Nam sẽ chứng kiến sự tham gia cạnh tranh sôi động hơn, bình đẳng và minh bạch hơn của các nhà cung cấp dịch vụ từ các đối tác với chi phí hợp lý hơn.

Đây sẽ là cơ sở để cải thiện phần nào tình trạng “nhập siêu” hàng hóa, dịch vụ từ Trung Quốc, nguồn cung vốn trước nay áp đảo tất cả các nguồn khác bằng thế mạnh giá rẻ của mình dù chất lượng không cao, dù công nghệ không tốt hay dù có nguy hại tới môi trường hay con người.

Quảng cáo

Với 7 trong 8 FTA mà Việt Nam đã ký kết là với các nước trong khu vực châu Á, châu Đại Dương, lẽ ra chúng ta đã có thể tận dụng để bổ sung dần nguồn cung Trung Quốc bằng nguồn cung từ nước này, để khỏi phải lo lắng đầy vơi mỗi khi “người hàng xóm” làm mình làm mẩy hoặc đơn giản là hắt hơi xổ mũi.

Nhưng rồi thói quen mua hàng giá rẻ vẫn lấn lướt, để rồi thị trường hàng hóa nguyên liệu vẫn ngập hàng Trung Quốc, nhà thầu và lao động Trung Quốc ở khắp nơi, để rồi nhập siêu từ Trung Quốc vẫn “ngoạm” trọn tất cả những nỗ lực xuất siêu của chúng ta sang các thị trường và khiến nền kinh tế tiếp tục lún sâu vào vị trí phụ thuộc.

Với các FTAs với những đối tác lớn sắp tới, Việt Nam lại một lần nữa đứng trước cơ hội có thể tiếp cận nguồn cung với giá hợp lý hơn và với chất lượng tốt hơn từ các đối tác có nền kinh tế tri thức, nền kinh tế xanh của tương lai.

Lựa chọn một lần nữa lại nằm trong tay các doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam.

Một lối ra khả dĩ cho xuất khẩu Việt Nam

Theo số liệu chính thức thì Trung Quốc chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta và không phải thị trường lớn nhất. Tuy nhiên, Trung Quốc đang là thị trường tiêu thụ rau quả lớn nhất của Việt Nam, và do đó có ảnh hưởng trực tiếp và tức thời tới thu nhập của một bộ phận đáng kể nông dân và người sản xuất nông nghiệp nước ta.

Việt Nam bán nông sản sang Trung Quốc chẳng phải vì giá cả hấp dẫn, so với các thị trường phương Tây, giá bán chỉ bằng 1/10. Chúng ta bán nông sản sang nước này cũng không suôn sẻ gì, mỗi năm mùa nào thức ấy câu chuyện bị xử ép tại cửa khẩu biên giới lại xảy ra, rồi tình chậm thanh toán, hủy ngang hợp đồng tràn lan …cũng thường xuyên lặp lại. Nhưng chúng ta vẫn tiếp tục xuất sang thị trường này, bởi chưa biết cách để đáp ứng các tiêu chuẩn của khách hàng khó tính EU, Hoa Kỳ…

Vì vậy, việc thông qua các FTA để tiếp tục đa dạng hóa đầu ra cho các sản phẩm, đặc biệt là nông sản Việt Nam, tại các thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng là một cơ hội không thể bỏ qua. Với các FTA, Việt Nam không chỉ kỳ vọng ở việc tiếp cận thị trường với thuế quan ưu đãi mà còn ở các cơ hội trao đổi, đàm phán để giải quyết những vấn đề vốn trước nay là rào cản giữa Việt Nam và các thị trường này như hàng rào kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ.

Thương mại toàn cầu – sự phụ thuộc lẫn nhau

Trong lúc tìm những lối ra khả dĩ cho nền kinh tế để tránh tình trạng lệ thuộc “bỏ cả trứng Việt vào giỏ Trung” như hiện nay, cũng cần thừa nhận một thực tế là chúng ta đang kinh doanh trong một nền thương mại toàn cầu nơi mọi doanh nghiệp, mọi nền kinh tế đều có sự ràng buộc, liên hệ chặt chẽ với nhau. Điều này đúng với cả Việt Nam và Trung Quốc.

Do đó, với các FTAs cũ và mới, với nhiều giải pháp khác nhằm giảm sự lệ thuộc vào Trung Quốc, chúng ta vẫn phải đồng ý với nhau rằng sự phụ thuộc lẫn nhau là tất yếu, và rằng việc duy trì quan hệ thương mại bình thường, ổn định giữa Việt Nam và Trung Quốc là cần thiết, vì lợi ích lâu dài của cả hai Bên. Mọi động thái tẩy chay, kỳ thị hay phá hoại hoạt động giao thương, đầu tư giữa hai Bên sẽ là thất sách, ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài tới lợi ích của doanh nghiệp và nền kinh tế./

Theo Trung tâm WTO-VCCI

Theo

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - P.Thanh Xuân Trung - Q. Thanh Xuân - TP.Hà Nội

ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Email: [email protected]

Website: vacod.vn

Các đơn vị trực thuộc

Văn phòng Vacod miền trung - Tp Đà Nẵng

Địa chỉ: Số 278/4 Nguyễn Văn Linh - Thành phố Đà Nẵng
ĐT: 0236.3652692 - Fax: 0236.3653208

Văn phòng Vacod miền nam - Tp Hồ Chí Minh

Địa chỉ: Số 6A Phạm Đình Toái, Phường 6, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
ĐT: 0983358188

Công ty TNHH MTV Vacod

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Viện nghiên cứu phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Cơ quan ngôn luận: Tạp chí Thương Gia

Địa chỉ: Số 14, Khu 249A Thụy Khuê, Quận Tây Hồ, Hà Nội
ĐT: 0879 504 666 - Email: [email protected]
Website: https://thuonggiaonline.vn/