FDI và giá trị thương mại đều tăng mạnh
Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho biết giai đoạn 2006-2016, thương mại nội khối song phương giữa Việt Nam và các quốc gia thành viên ASEAN khác đã tăng 120%, đạt 41 tỷ USD vào năm 2016, chiếm 11% tổng thương mại của Việt Nam. Cũng trong giai đoạn đó, FDI từ ASEAN đến Việt Nam tăng 116%, đạt tới mức 2,3 tỷ USD, chiếm 18% FDI vào Việt Nam. Điều đó cho thấy, Việt Nam đã nâng cao được năng lực phát triển kinh tế của mình.
Về tương lai phát triển, ông Lê Lương Minh nhìn nhận khi ASEAN phát triển, thúc đẩy hơn nữa hội nhập thì cả đầu tư và thương mại giữa Việt Nam với các nước trong ASEAN cũng sẽ phát triển tương ứng. “Năng lực cạnh tranh của Việt Nam sẽ tận dụng được sức mạnh tập thể của ASEAN” – Ông Minh nói
Hiện nay, Việt Nam đang có những bước tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, vươn ra trong thị trường kinh tế thế giới với việc tham gia TPP, đàm phán RCEP, ký kết FTA với EU và liên minh kinh tế Á – Âu.
Cơ hội lớn với doanh nghiệp Việt Nam
Số liệu được Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh đưa ra cho thấy, 10 quốc gia ASEAN đang có tổng GDP khoảng gần 2.600 tỷ USD, lớn hơn nước Pháp và đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới, thứ 3 ở châu Á. Không những vậy, ASEAN còn 640 triệu dân với một nửa số đó là người dưới 30 tuổi. “Đây là thị trường lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ mà thôi” – Ông Lê Lương Minh khẳng định.
Không chỉ vậy, ASEAN cũng đã thực hiện rất nhiều sáng kiến ở cấp độ quốc gia và khu vực. Trong đó có việc loại bỏ thuế nhập khẩu nội khối, dần dần mở cửa thị trường dịch vụ và đơn giản hóa những thủ tục thông quan xuyên biên giới. Các nước đã hài hòa hóa quy chuẩn và đưa ra được những hiệp định công nhận lẫn nhau.
Tuy nhiên, nghịch lý là doanh nghiệp Việt còn khá mơ hồ về Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), dù ASEAN đang là trung tâm tăng trưởng của thế giới và tiếp tục cải cách môi trường đầu tư để trở nên hấp dẫn hơn.
Ông Nguyễn Quốc Dũng - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao
Ông Nguyễn Quốc Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có câu trả lời cho những những câu hỏi đơn giản như: AEC đem lại những gì cho doanh nghiệp? Thách thức nào đang chờ đợi phía trước? Khó khăn nào cần phải giải quyết và vượt qua?
Khi so sánh với các doanh nghiệp nước ngoài, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam nhận thấy doanh nghiệp trong nước có tiềm lực hạn chế và kinh nghiệm cũng ít hơn. Đối với người lao động, tay nghề và khả năng sử dụng ngoại ngữ vẫn là điểm yếu lâu nay.
Về phía Chính phủ Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng tái khẳng định tinh thần liêm chính, kiến tạo. Trong nước, Chính phủ tạo môi trường để doanh nghiệp trưởng thành, phát triển. Bên ngoài, Chính phủ tạo những khuôn khổ và môi trường thuận lợi để doanh nghiệp hội nhập. Chính phủ luôn đồng hành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
“Nhưng thành công sẽ chỉ đến với những doanh nghiệp nhận thức được cơ hội và nắm bắt được cơ hội” - Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nói.
Theo Trí thức Trẻ