Cụ thể: Số lượng dầm đúc sẵn toàn tuyến tại Dự án là 806 phiến, trung bình mỗi phiến dầm nặng khoảng 267 tấn. Tổng chi phí vận chuyển các khối dầm từ bãi đúc tại đường Lê Văn Lương đến các vị trí thi công tại các quận Thanh Xuân, Đống Đa, Hà Đông là hơn 210 tỷ đồng, tương đương hơn 10 triệu USD (đã bao gồm thuế VAT).
Đến thời điểm này đã đúc được 300 phiến trong tổng số 806 phiến cần đúc, trong đó đã lắp được 188 phiến (khoảng 3km đường). Trước đó, từ thời gian đầu dự án đến giữa tháng 7/2014 mới đúc được 206 phiến dầm, trung bình khoảng 1,5 dầm/ngày. Sau khi dầm vận chuyển tới nơi thi công sẽ được lắp đặt lên đỉnh trụ bởi các cầu tự hành chuyên dụng pooctic nhập khẩu từ Trung Quốc.
Theo thiết kế, dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có chiều dài toàn tuyến là 13 km, khổ 1.435 mm, tốc độ đoàn tàu 80 km/h. Toàn tuyến đi trên cao và chủ yếu chạy trên dải phân cách giữa 2 làn đường bộ của trục đường Hào Nam và đường Nguyễn Trãi; điểm khởi đầu là ga Cát Linh (Q. Đống Đa), điểm kết thúc tại ga Yên Nghĩa (Q. Hà Đông) gồm 12 ga đón tiễn khách (Cát Linh - La Thành - Thái Hà - Láng - Đại học Quốc gia - Vành đai III - Thanh Xuân III - Bến xe Hà Đông - Hà Đông - La Khê - Văn Khê - Bến xe Hà Đông mới) và khu Depo (trung tâm điều hành tuyến) tại phường Phú Lương, Q. Hà Đông.
Sau 5 năm thi công, tổng mức đầu tư Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được điều chỉnh từ 552 triệu USD lên 891 triệu USD, tăng 339 triệu USD. Trong đó, các khoản phát sinh lớn nhất tại Dự án là chi phí xây dựng (tăng 221 triệu USD); chi phí thiết bị (tăng 20 triệu USD); chi phí giải phóng mặt bằng (25 triệu USD)… Dự kiến, Dự án Xây dựng đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng vào năm 2015.
Trần Thảo