Một khu rừng cổ đại sau hơn 1000 năm bị chôn vùi đã xuất hiện dưới một dòng sông băng đang tan chảy ở Alaska.
Trong gần 50 năm qua, hàng loạt các gốc cây và khúc gỗ lần
lượt nổi lên từ mặt dưới phía Nam của sông băng Mendenhall, dòng sông có
diên tích 95.3 km2. Tuy vậy, từ năm ngoái, các nhà khoa học ở ĐH Đông
Nam Alaska bắt đầu chú ý tới việc ngày càng có nhiều cây nổi lên, rất
nhiều trong số đó còn nguyên ở vị trí thẳng đứng ban đầu và một số vẫn
còn cả rễ và vỏ cây. Bà Cathy Connor, một giáo sư địa lý ở Đại học Đông
Nam Alaska cho biết các thân cây được tìm thấy ở trạng thái thẳng đứng
nguyên bản sẽ giúp cho việc xác định tuổi của chúng.
Những gốc cây xuất hiện khi sông băng Mendenhall tan chảy từ gần 50 năm nay.
Dựa vào các thông số như đường kính thân cây, và quan sát trong khu
vực, các nhà nghiên cứu cho rằng đây chính là các cây Tùng. Tuy nhiên họ
vẫn cần thêm các mẫu vật khác để xác định được chính xác loài cây này.
Từ các thí nghiệm xác định niên đại bằng phóng xạ cacbon trên các
khối gỗ, các nhà nghiên cứu xác định được một lớp bảo vệ bởi sỏi đá đã
bao bọc rừng cây này từ hơn 1000 năm trước, cùng với sự phát triển của
dòng sông băng. Theo đó, khi dòng sông băng trở lên rộng hơn, chúng làm
xuất hiện các dòng nước cuốn theo đá sỏi phía rìa lớp băng. Một lớp đá
sỏi dày từ 1.2-1.5m có vẻ đã lấp kín rừng cây này trước khi dòng sông
băng vươn tới chặt đứt các cành cây và lưu giữ cả khu rừng dưới một khối
băng lớn. Sông băng Taku (phía Nam Juneau) cũng đang trải qua quá trình
này khi nó tiến tới một rừng cây.
Các nhà nghiên cứu tích cực thu thập những mảnh gỗ và dùng phương pháp phóng xa cacbon để xác định tuổi của cây.
Nhóm nghiên cứu dự định sẽ quay lại sông băng Mendenhall để đào bới
các lớp trầm tích nhằm tìm kiếm các cành lá kim của rừng cây cùng với
các loại thực vật khác. Họ cũng dự định tiến hành các phép đo để xác
định tuổi của cây khi chúng chết. Các nhà khoa học dự định sẽ công bố
các kết quả từ nghiên cứu của mình khi đã thu thập đầy đủ dữ liệu.
Phan Hạnh
Theo Huffingtonpost