Thực thi TPP: Thách thức từ sở hữu trí tuệ

Sở hữu trí tuệ (SHTT) là thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp (DN), đặc biệt khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được thực thi.
Thực thi TPP: Thách thức từ sở hữu trí tuệ

Trở ngại xuất khẩu

SHTT là vấn đề rất được các DN nước ngoài quan tâm nhưng DN trong nước dường như rất thờ ơ. Theo luật sư Phan Vũ Tuấn, Chánh văn phòng Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM, các biện pháp chống cạnh tranh không lành mạnh của TPP rất mạnh, mức độ bảo hộ quyền SHTT cũng rất cao.

Một trong những điều DN cần lưu ý là hàng rào bản quyền. Trước đây, để ngăn cản hàng xuất khẩu của DN Việt Nam, đối thủ sẽ đưa ra lý do là “Việt Nam sử dụng lao động dưới 15 tuổi”. Hiện nay, ngoài vấn đề lao động trẻ em, các đối thủ còn nhắm đến vấn đề bản quyền.

Chẳng hạn họ sẽ cáo buộc DN Việt Nam sử dụng phần mềm máy tính của Microsoft không có bản quyền để không nhập khẩu hàng.

Hiện nay, các cáo buộc vi phạm SHTT về bản quyền đang được phía Chile, Peru... áp dụng để ngăn cản hàng xuất khẩu của đối thủ và đó cũng là cách nhiều quốc gia khác đang áp dụng để hạn chế hàng nhập khẩu của Trung Quốc.

Khi thực thi TPP, vấn đề SHTT, đặc biệt là chủ sở hữu quyền được bảo hộ cao hơn và đòi hỏi chính phủ các quốc gia phải làm những điều tốt nhất cho chủ sở hữu quyền.

Trong đó, các yếu tố về nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, sáng chế, bí mật thương mại, các nhà cung cấp dịch vụ internet, quyền tác giả và các quyền liên quan được xem là quan trọng hơn cả.

Lâu nay, việc sử dụng phần mềm không bản quyền giúp DN Việt Nam đỡ tốn kém nhưng với TPP, DN buộc phải sử dụng phần mềm bản quyền. Như vậy, chi phí của DN sẽ tăng lên và sức cạnh tranh sẽ giảm đi.

Cũng theo luật sư Phan Vũ Tuấn, với TPP, Chính phủ Mỹ rất quan tâm đến vấn đề “bí mật thương mại” và xem đó là biện pháp tốt nhất để chống gian lận thương mại.

Từ tháng 8/2011, một số bang của Mỹ đã áp dụng đạo luật Bản quyền SHTT trong lĩnh vực công nghệ thông tin đối với hàng hóa. Hành vi vi phạm bản quyền được xem xét ở tất cả các khâu liên quan đến sản phẩm như sản xuất, phân phối, quảng bá... Hàng hóa của các DN vi phạm bản quyền sẽ không được bán tại thị trường Mỹ.

Ví dụ, các DN sản xuất mặt hàng nhựa, mũ giày hay dệt may xuất khẩu sử dụng máy tính có cài các phần mềm Windows, Word, Excel... để quản lý văn phòng, kho bãi, quảng cáo, vận chuyển... mà những phần mềm ấy không có bản quyền thì dù sản phẩm có hoàn chỉnh đến đâu vẫn bị xem là vi phạm.

Nếu đối tác có vi phạm bản quyền thì các DN Mỹ sẽ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhập khẩu mà không bị xem là vi phạm hợp đồng.

Vì vậy, muốn xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ suôn sẻ, DN cần phải tìm hiểu “bí mật thương mại” phía Mỹ quan tâm là những gì, như thế nào, hệ thống của mình ra sao...

Thách thức nội địa

Ngay tại Việt Nam, DN cũng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn về vấn đề này. Những năm qua, Việt Nam đã làm rất tốt việc xác lập quyền SHTT nhưng việc thực thi vẫn còn yếu.

Theo Cục Sở hữu Công nghiệp Việt Nam, hiện nay mới chỉ có 95.000 nhãn hiệu của DN được đăng ký bảo hộ và chỉ 20% trong số đó là từ DN Việt Nam.

Vì thế, việc thực thi quyền SHTT vẫn là điều đáng lo ngại nhất khi làn sóng đầu tư, hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam, sẽ khiến các tranh chấp xảy ra nhiều hơn.

Và như vậy, các vi phạm về nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế... sẽ là thách thức không nhỏ đối với DN Việt Nam.

Luật sư Phan Vũ Tuấn cho rằng, DN Việt cần tôn trọng quyền SHTT. Pháp luật Việt Nam quy định nếu DN thấy hàng của mình được bán trên trang mạng nào đó và yêu cầu đơn vị đó tháo xuống nhưng họ không thực hiện thì nên báo lên Bộ Thông tin Truyền thông hoặc thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

Quy trình này thường bị kéo dài và gây thiệt hại cho DN. Nhưng với TPP, DN có thể báo với nhà cung cấp dịch vụ internet để xóa bỏ hay vô hiệu hóa ngay lập tức đường dẫn vào tài liệu trên mạng khi biết rõ vi phạm.

Về nhãn hiệu, hiện nay Việt Nam chưa có bộ tiêu chí cụ thể để nhận biết như thế nào là thương hiệu nổi tiếng, trong khi các nhãn hiệu nổi tiếng của nước ngoài tại Việt Nam rất nhiều.

Do vậy, việc trùng tên, có những điểm giống nhau giữa các thương hiệu có thể diễn ra và rất bất lợi cho DN Việt Nam. Thế nên, nếu DN có sản phẩm bán chạy tại thị trường nội địa thì nên đăng ký để ngăn ngừa rủi ro về sau.

Nếu có thể, nên đăng ký ở phạm vi quốc tế vì thời gian qua có khá nhiều vụ nhãn hiệu của DN Việt Nam bị chiếm đoạt, tranh chấp ở thị trường nước ngoài khi không có đăng ký, bảo hộ.

Chẳng hạn như thương hiệu của Petro Vietnam, cà phê Trung Nguyên tại Mỹ, thuốc lá Vinataba tại châu Á, kẹo dừa Bến Tre tại Trung Quốc... Đây là những bài học và là lời cảnh tỉnh đối với DN Việt Nam “trên đường ra thế giới”.

“Tôn trọng quyền SHTT là yếu tố quan trọng nhằm tránh tranh chấp, kiện tụng. DN có thể không biết đối tượng này thuộc quyền sở hữu của ai nhưng không phải thuộc sở hữu của mình mà sử dụng miễn phí là xâm phạm quyền của chủ thể khác”, ông Tuấn nói.




Theo Báo Doanh nhân Sài Gòn


Theo

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - P.Thanh Xuân Trung - Q. Thanh Xuân - TP.Hà Nội

ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Email: [email protected]

Website: vacod.vn

Các đơn vị trực thuộc

Văn phòng Vacod miền trung - Tp Đà Nẵng

Địa chỉ: Số 278/4 Nguyễn Văn Linh - Thành phố Đà Nẵng
ĐT: 0236.3652692 - Fax: 0236.3653208

Văn phòng Vacod miền nam - Tp Hồ Chí Minh

Địa chỉ: Số 6A Phạm Đình Toái, Phường 6, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
ĐT: 0983358188

Công ty TNHH MTV Vacod

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Viện nghiên cứu phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Cơ quan ngôn luận: Tạp chí Thương Gia

Địa chỉ: Số 14, Khu 249A Thụy Khuê, Quận Tây Hồ, Hà Nội
ĐT: 0879 504 666 - Email: [email protected]
Website: https://thuonggiaonline.vn/