Các chuyên gia cho rằng, nếu đi lệch với các cam kết, chắc chắn chúng ta sẽ “lãnh đủ” hoặc bị “cắt dây” khi vào thị trường và “chuyến tàu” TPP vẫn cứ chạy, còn doanh nghiệp Việt sẽ lỡ chuyến.
Sở hữu trí tuệ đóng vai trò quyết định
Tại buổi tọa đàm “Doanh nghiệp Việt Nam và một số vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương”, bà Phạm Thị Thu Hằng – Tổng thư ký VCCI chia sẻ, trong quá trình đàm phán TPP, SHTT đóng vai trò quyết định. Những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dược, dệt may, sản xuất hàng tiêu dùng và đặc biệt là sản xuất phần mềm máy tính… là những doanh nghiệp chịu tác động lớn nhất. “SHTT liên quan đến thương hiệu, nên nếu không nhận thức đầy đủ sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp trong kinh doanh”, bà Hằng khẳng định.
Đồng tình, ông Trần Minh Dũng – Chánh Thanh tra Bộ KH&CN cho biết: Quyền SHTT đã trở thành một bộ phận quan trọng trong hoạt động kinh doanh của mỗi doanh nghiệp bởi quyền SHTT không chỉ là tải sản vô hình được tạo dựng, tích lũy liên tục không giới hạn bởi không gian, thời gian của doanh nghiệp mà là còn công cụ pháp lý để bảo vệ và giúp doanh nghiệp khởi sự việc kinh doanh trên thị trường toàn cầu trên cả môi trường kinh doanh trực tiếp và môi trường thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, việc bảo hộ quyền SHTT đầy đủ theo quy định của pháp luật sẽ có tác động tích cực khi khuyến khích được các hoạt động sáng tạo và bảo hộ thành quả của lao động sáng tạo. Thực thi hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ nhằm bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền, người tiêu dùng và cho xã hội, góp phần làm lành mạnh hoá môi trường kinh doanh và thu hút các nguồn đầu tư vào các hoạt động sáng tạo.
Còn theo bà Nguyễn Thị Thanh Hà – Trưởng Phòng Pháp chế, Cục Sở hữu Trí tuệ – thành viên đoàn đàm phán SHTT trong TPP chia sẻ, nếu doanh nghiệp nắm vững những nguyên tắc về SHTT thì cũng có nghĩa là doanh nghiệp đã nắm vững một phần của công thức hội nhập.
Cũng theo bà Hà, SHTT trong TPP không chỉ có những quy định chung cùng những yêu cầu liên quan đến các lĩnh vực hợp tác, sáng chế, dữ liệu thử nghiệm, kiểu dáng, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý hay quyền tác giả… mà còn chú trọng vào yếu tố thực thi quyền SHTT này của các quốc gia.
Điều này cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào TPP không chỉ phải tuân thủ những yêu cầu đã được đề ra trong vấn đề bảo hộ SHTT mà còn được 11 nước thành viên còn lại “đánh giá” năng lực hoạt động, ý thức trách nhiệm thông qua việc thực thi những yêu cầu đó.
Đừng chờ TPP có hiệu lực
Theo ông Trần Minh Dũng, quyền SHTT là các sản phẩm mang nhãn hiệu, phần mềm bản quyền, được sản xuất dựa trên các bằng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, bí mặt kinh doanh… đang từng giờ, từng phút đóng vai trò là đại sứ của các doanh nghiệp phục vụ từng tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng trên toàn cầu. Điều này cho thấy vai trò của việc bảo hộ và thực thi quyền SHTT không thể thiếu đối với các doanh nghiệp ở tầm vi mô và đối với quốc gia ở tầm vĩ mô.
Tuân thủ yêu cầu, đảm bảo thực thi tốt quyền SHTT trong TPP là một trong những yếu tố giúp doanh nghiệp không chỉ bảo vệ chính doanh nghiệp cũng như bảo vệ thành quả lao động của đội ngũ lao động trong doanh nghiệp, mà còn khuyến khích các hoạt động sáng tạo và bảo hộ thành quả của lao động sáng tạo.
Ông Dũng cho hay, thời gian qua, việc thực thi quyền SHTT đã được đẩy mạnh. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm vẫn còn nhiều thách thức khi các hành vi xâm phạm ngày càng gia tăng và phức tạp.
Chẳng hạn trong lĩnh vực phần mềm máy tính, trong những năm gần đây, mặc dù đã có nhiều cải thiện đáng kể, nhưng tình trạng xâm phạm bản quyền phần mềm máy tính vẫn còn tương đối phổ biến. Thống kê cho thấy, hiện vẫn có tới 81% phần mềm cài đặt trên máy tính cá nhân tại Việt Nam là “hàng lậu”. Điều này chỉ ra rằng, các doanh nghiệp Việt sẽ còn phải đối mặt với nhiều thách thức hơn nữa khi tham gia TPP. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp cần quan tâm hơn tới vấn đề SHTT ngay cả khi TPP chưa có hiệu lực và có những bước chuẩn bị về tài chính, nhân lực, về kỹ thuật để khi hội nhập TPP để có thể tránh được các rắc rối có thể xảy ra.
Số liệu thực tiễn xử lý cho thấy, từ 2012 – 2015 các lực lượng đã xử lý 26.004 vụ việc liên quan đến vi phạm về SHTT xử phạt 68 tỷ đồng. Trong đó, các sản phẩm nhãn hiệu xâm phạm chủ yếu ở lĩnh vực điện tử, thời trang, sản phẩm điện,…
Theo Hoàng Sang(Báo Diễn đàn Doanh nghiệp)