Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2016 có chủ đề “Nâng cao vai trò khu vực kinh tế tư nhân, tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vì sự phát triển hài hoà của nền kinh tế Việt Nam”. |
“Ít có thời điểm nào, Chính phủ và các bộ ngành đã dành nhiều thời gian, ưu tiên cho công tác xây dựng thể chế như vừa qua. Và cũng ít có thời điểm nào, Chính phủ dành nhiều thời gian lắng nghe, đối thoại với doanh nghiệp như những tháng qua”, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc bày tỏ quan điểm.
Tuy nhiên, ông Lộc cũng thẳng thắn chỉ ra, nhiều chính sách kinh tế còn bất cập, thanh tra kiểm tra còn chồng chéo, thủ tục hành chính còn phiền hà, thực thi chưa nhất quán, sự thiếu minh bạch của môi trường kinh doanh và chi phí không chính thức còn cao… đang là những mối quan ngại lớn của cộng đồng doanh nghiệp.
“Thông điệp đã đủ mạnh, chính sách đã nhiều, định hướng đã rõ, chúng tôi cho rằng giải pháp quan trọng là rút ngắn khoảng cách giữa chính sách và thực tế, xóa bỏ sự khác biệt giữa văn bản và thực thi. Không thể chấp nhận được việc một số lĩnh vực dù được chỉ đích danh là cản trở, cần thay đổi nhưng sau bao năm vẫn không chịu thay đổi dù đó chỉ là những thông tư của cấp Bộ”, ông Lộc nói và cho rằng, việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng để thúc đẩy thực thi là một giải pháp tốt và cần được thực hiện ở mọi cấp, mọi ngành.
Nhận định việc Bộ Công Thương vừa bãi bỏ Thông tư 37 về kiểm tra formaldehyt là một điển hình tốt cần nhân rộng, đại diện VCCI cho rằng dường như các cơ quan nhà nước đang lạm dụng các giải pháp quản lý, thủ tục cấp phép mà không tính đến việc những giải pháp đó tạo ra gánh nặng thế nào cho doanh nghiệp, ảnh hưởng thế nào đến sức cạnh tranh của hàng hóa và gây thiệt hại như thế nào đến nền kinh tế.
Cán bộ nhầm lẫn, doanh nghiệp lãnh đủ
Trong khi đó, theo bà Virginia Foote, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam, ngay cả khi đối mặt với khủng hoảng toàn cầu và các thách thức kinh tế, các thành viên AmCham vẫn lạc quan về triển vọng kinh doanh tại Việt Nam. Thực tế, hơn 70% hội viên cho rằng môi trường doanh nghiệp ở Việt Nam đang dần được cải thiện.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại những thách thức liên tục với doanh nghiệp trong việc xử lý các vấn đề tham nhũng, các hạn chế về nguồn nhân lực, môi trường pháp lý và cấp phép hoạt động quá phức tạp, nhiều rào cản và không rõ ràng. Cách diễn giải luật không nhất quán, việc thực thi không đồng đều và luật không rõ ràng thực sự là những thách thức lớn với các thành viên AmCham.
Chủ tịch AmCham cũng nhắc tới một số quy định mà cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ cho là không hợp lý, như Thông tư 19 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam “buộc tất cả các giao dịch thanh toán điện tử phải thông qua một doanh nghiệp nhà nước độc quyền” thay vì thông qua các hệ thống hiện đại sáng tạo, tin cậy, đã được sử dụng trên toàn cầu.
Ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam, lại phàn nàn nhiều về các thủ tục thuế.
Trong nhiều trường hợp, quá trình thanh tra thuế diễn ra nhiều năm sau năm tài chính, cộng với việc các quy định thường được diễn giải theo nhiều cách, thậm chí là giữa các chi cục thuế ở các tỉnh thành khác nhau, đã khiến cho doanh nghiệp bị phạt nặng cộng với lãi suất cao cho những sai sót được xác định hàng chục năm sau đó.
Cũng có nhiều trường hợp, do nhầm lẫn từ phía chi cục thuế, cán bộ thuế liên tục truy thu những khoản thuế mà đã được doanh nghiệp nộp đầy đủ trước đó.
Công khai tên các doanh nghiệp được cổ phần hóa
Một trong những vấn đề được các doanh nghiệp nước ngoài rất quan tâm là cổ phần hóa. Theo Nhóm công tác thị trường vốn, công bố thoái vốn tại một số doanh nghiệp nhà nước lớn của Chính phủ là một tin đáng khích lệ.
Nhóm đề nghị cần cụ thể hóa và công bố công khai lộ trình cổ phần hóa, bao gồm liệt kê tên của các doanh nghiệp nhà nước sẽ được cổ phần hóa và dự kiến thời gian thực hiện cổ phần hóa những doanh nghiệp này.
Đồng thời, nhóm này cho rằng Chính phủ đã ban hành Nghị định 60/2015/NĐ-CP để tăng sở hữu nước ngoại tại các công ty đại chúng, nhưng tác động của nghị định đối với thị trường chứng khoán còn rất hạn chế.
Thủ tục hiện hành để tăng sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng là rất phức tạp và được xét theo từng công ty cụ thể. Để tăng sở hữu nước ngoài, hiện nay các công ty đại chúng đi qua một trình tự rất tốn kém bao gồm việc thuê tư vấn, thuê luật sư.
Nhóm đề nghị để thu hút được dòng vốn mới của nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần minh bạch hóa và tạo môi trường thuận lợi cho việc tăng sở hữu nước ngoài. Cụ thể, cần phân định rõ ràng đối tượng điều chỉnh của Luật Đầu tư và Luật Chứng khoán bằng cách quy định cụ thể rằng Luật Đầu tư không áp dụng đối với các công ty đại chúng và quỹ đầu tư đại chúng.
Đồng thời, tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong các công ty đại chúng, tăng sở hữu nước ngoài đối với lĩnh vực ngân hàng.
Liên quan tới vấn đề lao động, nhóm công tác giáo dục và đào tạo của Diễn đàn cho rằng tỷ lệ tăng lương tối thiểu 7,3% gần đây là rất hợp lý. Tuy nhiên, chuẩn giờ làm thêm tại Việt Nam vẫn nghiêm ngặt hơn bất kỳ nước nào trong khu vực.
Hiện Việt Nam khống chế giờ làm thêm tối đa là 200 mỗi năm, thấp hơn nhiều so với Thái Lan (1.872), Hàn Quốc (1.456), Maylaysia (1.248), Singapore (864), Indonesia (728) và Lào (540).
Theo Hà Chính(Báo chính phủ)