Chính phủ mới cần tập trung vào giải quyết ngay các nhiệm vụ cấp bách như tác động khắc nghiệt của thiên tai; giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp, thu ngân sách gặp khó khăn; bộ máy cồng kềnh, kỷ cương phép nước thực hiện chưa nghiêm; các vấn đề xã hội đang nhức nhối như an toàn thực phẩm, dịch bệnh, tai nạn giao thông..., Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại phiên họp đầu tiên với các thành viên Chính phủ mới, chiều 12/4.
Chính phủ sẽ quyết tâm tháo gỡ khó khăn, rào cản đối với sự phát triển; từng bước đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, tiêu cực, nâng cao kỷ cương phép nước. "Không để tham nhũng, tiêu cực nhũng nhiễu tràn lan", Thủ tướng nhấn mạnh.
Để làm được điều này, theo Thủ tướng, đòi hỏi các thành viên Chính phủ phải không ngừng nỗ lực, "dám làm, dám chịu trách nhiệm" trong lĩnh vực được phân công chỉ đạo, thực hiện.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, mỗi thành viên Chính phủ phải đổi mới cách làm, dân chủ, minh bạch, cởi mở, quyết đoán, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, không để tình trạng trì trệ trong bộ máy hành chính. Chính phủ cần nâng cao tinh thần kỷ cương, kỷ luật, chống bệnh hình thức, nói mà không đi đôi với làm.
Thủ tướng cũng yêu cầu các thành viên Chính phủ tập trung vào chỉ đạo, điều hành, giải quyết một số công việc trong tháng tư như: Thủ tướng sẽ chủ trì Hội nghị phát triển doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển để khôi phục niềm tin của doanh nghiệp và xã hội; hội nghị về an toàn thực phẩm để cùng các bộ, ngành có liên quan làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước, đề ra các giải pháp căn cơ, cụ thể; về công tác phòng, chống thiên tai; phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2016 sẽ thảo luận và quyết định nhiều vấn đề quan trọng.
Thủ tướng nêu nhiệm vụ cụ thể, trước mắt cho một số bộ, ngành như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đóng vai trò "Tham mưu trưởng" của nền kinh tế; nghiên cứu các quy trình, quy định về nguồn vốn ODA và đầu tư công, giảm gánh nặng cho ngân sách, có cách tháo gỡ mạnh mẽ hơn nữa về môi trường đầu tư, kinh doanh.
Ngân hàng Nhà nước nắm bắt tình hình nợ xấu một cách thực chất, trong đó có vấn đề an toàn hệ thống tín dụng, theo dõi chặt chẽ diễn biến lĩnh vực tiền tệ.
Bộ Tài chính quan tâm đến chính sách tài khóa, ngân sách hiện nay; kiểm tra, báo cáo việc sử dụng tài sản công hiện nay, đề ra giải pháp hữu hiệu ngăn chặn tình trạng lãng phí, thất thoát.
Theo Nhịp sống Kinh doanh